Kinh tế Đức có nguy cơ 'suy thoái kỹ thuật'

Triển vọng về một cuộc 'suy thoái kỹ thuật' khi nền kinh tế Đức trải qua hai quý suy giảm liên tiếp đang ngày càng lớn dần.

Công nhân làm việc tại một công trường xây dựng ở Munich, miền nam Đức. Ảnh: AFP/ TTXVN

Công nhân làm việc tại một công trường xây dựng ở Munich, miền nam Đức. Ảnh: AFP/ TTXVN

Trong bài đăng mới đây trên trang tin của hãng truyền hình quốc tế Đức DW, tác giả Henrik Böhme cho rằng dù nền kinh tế Đức đang có dấu hiệu giảm tốc, song đây không phải thời điểm Chính phủ nước này tiến hành các gói kích thích tài khóa mà họ cần đưa ra những quyết sách tỉnh táo hơn.
Ngành công nghiệp Đức, vốn là trụ cột chính của nền kinh tế “đầu tàu” châu Âu, từ lâu đã rơi vào suy thoái.

Ngày càng có nhiều công ty đang thu hẹp quy mô sản xuất khi số người bi quan lấn át số người lạc quan.

Những lý do viện dẫn cho tâm lý trầm lắng gần như giống hệt nhau ở khắp mọi nơi: Xung đột thương mại là mối bận tâm chính, nhưng sự chuyển đổi đang diễn ra và cuộc khủng hoảng tiềm năng trong ngành ô tô cũng là yếu tố đáng chú ý.

Thêm vào đó là gia tăng khả năng nước Anh sẽ rời Liên minh châu Âu (EU) mà không có một thỏa thuận, bên cạnh các cuộc biểu tình ở Hong Kong (Trung Quốc).

Kết hợp những yếu tố này và giới đầu tư có một loạt lý do để dừng các kế hoạch kinh doanh của họ.
Nhưng cũng chính vì vậy mà sự suy giảm 0,1% của kinh tế Đức trong quý II/2019 không hề khó hiểu.

Cùng với những chỉ dấu về khả năng quý tới cũng không mấy lạc quan cho kinh tế Đức, triển vọng về một cuộc “suy thoái kỹ thuật” – chỉ việc một nền kinh tế trải qua hai quý suy giảm liên tiếp – đang ngày càng lớn cho nước này. Tuy nhiên, đây không phải một điều đáng lo ngại như cách thị trường đang phản ứng.
*Diễn biến bình thường theo chu kỳ
Một cuộc “suy thoái kỹ thuật” là kết quả của sự “hạ nhiệt” sau một chu kỳ mở rộng liên tục. Chu kỳ kinh doanh là một biểu đồ nhấp nhô với những thăng trầm và không phải là một đường thẳng chỉ tiến theo hướng cao hơn.

Với nước Đức, chu kỳ tăng trưởng của nước này đã kéo dài gần 8 năm, nên một sự suy giảm không phải là điều khó đoán định.

Sự suy giảm này cũng là điều cần lưu tâm. Trong suốt thập kỷ vừa qua, nhiều doanh nghiệp Đức đã tăng trưởng quá “nóng” và thậm chí không thể đáp ứng được hết nhu cầu từ khách hàng.

Công suất tận dụng sản xuất của họ đã đạt hơn 90% và lao động lành nghề càng ngày trở nên khan hiếm.
Giờ đây, khi triển vọng về một cuộc suy thoái dường như đang gần với hiện thực hơn, đã đến lúc để nền kinh tế Đức trở lại quỹ đạo bình thường bằng cách giảm công suất sản xuất và tiến hành bảo trì các nền tảng sản xuất vốn chỉ có rất ít thời gian “nghỉ ngơi” trong những năm gần đây.
Ngoài ra, nỗi sợ hãi về một cuộc sa thải hàng loạt là hoàn toàn không có cơ sở, ít nhất là trong thời điểm hiện tại.

Tất nhiên, nỗi lo xuất hiện khi nghe tin các tập đoàn lớn như Bayer, BASF và Volkswagen công bố kế hoạch cắt giảm nhân sự.

Nhưng những doanh nghiệp chưa hẳn là đại diện cho toàn bộ nền kinh tế Đức mà còn hàng ngàn doanh nghiệp vừa và nhỏ đang tạo ra việc làm, giúp thúc đẩy sự bùng nổ trên thị trường lao động của nước này trong những năm qua.

Hơn hết, nền kinh tế này vẫn còn hơn 1,4 triệu vị trí tuyển dụng cần được "lấp đầy".
Những chủ sử dụng lao động cũng có thể sử dụng các biện pháp đã được chứng minh hiệu quả là rút ngắn thời gian làm việc của người lao động.

Chính phủ sẽ bù đắp cho khoản thu nhập thiếu hụt cho người lao động trong một vài tháng và người chủ sẽ không phải sa thải họ, qua đó đảm bảo được nguồn nhân lực cho tương lai.

Để so sánh, sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009 khi nền kinh tế Đức thu hẹp 5%, khoảng 1,5 triệu lao động đã làm việc trong thời gian ngắn hơn.

Biện pháp này rõ ràng đã giúp ngăn chặn tình trạng dư thừa nhân công hàng loạt tại thời điểm đó và nó có thể sẽ lại giúp các chủ lao động vào thời điểm khó khăn hiện nay.
* Cần thêm động lực đầu tư
Theo tác giả Henrik Böhme, điều sẽ ngay lập tức giúp đà “giảm tốc” tăng trưởng chậm lại là nhanh chóng giảm thuế thu nhập cho người lao động. Hiện hoạt động tiêu dùng của hộ gia đình đã trở thành một lực đẩy đáng kể để hỗ trợ tăng trưởng của kinh tế Đức, nếu không sự suy giảm kinh tế đã có thể sâu hơn.

Vì vậy, đã đến lúc Bộ Tài chính Đức giúp người dân dễ dàng chi tiêu và tiêu dùng hơn. Những số liệu kinh tế thiếu lạc quan chỉ làm cho người dân cẩn trọng hơn với ví tiền của mình, đồng thời khiến các công ty hạn chế chi tiêu cho hoạt động sản xuất vốn cũng góp phần vào thúc đẩy tăng trưởng.
Trong những thời điểm như thế này, không ai cần một "Số 0 đen" (Black zero) – chính sách từng tượng trưng cho nỗ lực thành công của Đức trong việc kiểm soát chi tiêu Chính phủ phù hợp với một ngân sách cân bằng.

Những gì mà Chính phủ cần làm là một chương trình đầu tư và khuyến khích tiêu dùng, cùng với những động thái khác để giải quyết các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng khổng lồ "đang bị treo".
Điều đáng hoan nghênh là những ý tưởng thông minh, giống như ý tưởng do nhà kinh tế học người Đức Michael Hüther đưa ra gần đây.

Ông đã đề xuất tạo ra một "Quỹ nước Đức" trị giá 450 tỷ euro (503 tỷ USD) để chi tiêu trong 10 năm tới.

Quỹ có thể được tài trợ thông qua thị trường trái phiếu, nơi trái phiếu Chính phủ Đức hiện đang rất “đắt hàng” và các nhà đầu tư thậm chí đã sẵn sàng chấp nhận lợi suất âm để đổi lấy mức rủi ro thấp.

Số tiền trên có thể được sử dụng cho nhiều mục đích, trong đó có cải thiện hệ thống giao thông công cộng, nâng cấp tốc độ Internet, giải quyết vấn đề nhà ở, giáo dục và bảo vệ môi trường.
Đây có thể là biện pháp tốt để nước Đức giảm bớt những tác động từ một cuộc suy thoái sắp xảy ra. Nhưng việc Chính phủ Đức có thực hiện những động thái nêu trên hay không là một câu hỏi khó để trả lời ngay lúc này./.

H.Thủy (Theo DW.com)

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/kinh-te-duc-co-nguy-co-suy-thoai-ky-thuat-/131198.html