Kinh tế Đức đã suy thoái lại thêm rủi ro, 'đầu tàu' châu Âu càng tách rời Trung Quốc, càng phụ thuộc
Nền kinh tế Đức đang trong tình trạng suy thoái, sẽ càng rủi ro hơn khi tỷ lệ các doanh nghiệp có kế hoạch rời khỏi đất nước tăng dần. Bài toán tách rời và giảm phụ thuộc vào Trung Quốc của 'đầu tàu' châu Âu càng trở nên vô cùng khó khăn.
Từ nhiều năm nay, Đức luôn được xem là đầu tàu kinh tế của châu Âu và đã nhiều lần vượt qua khủng hoảng một cách ngoạn mục, thậm chí "gánh team", làm bệ đỡ cho một số nền kinh tế yếu ớt của liên minh châu Âu trong những giai đoạn suy thoái.
Bởi vậy, khi nền kinh tế số một châu Âu và cũng là nền kinh tế lớn thứ tư thế giới chính thức lâm vào tình trạng suy thoái khi tăng trưởng âm hai quý liên tiếp (quý 4/2022 và quý 1/2023), đã khiến cộng đồng doanh nghiệp vô cùng lo lắng.
Một cuộc di dời sắp bắt đầu?
Một nghiên cứu của Liên đoàn Doanh nghiệp Đức (BDI) cho thấy, ngày càng nhiều doanh nghiệp chuyển việc làm và sản xuất ra nước ngoài, trong khi nhiều doanh nghiệp khác đang cân nhắc thực hiện các biện pháp cụ thể, khi những lo ngại về nền kinh tế Đức tiếp tục gia tăng.
Trong tập các doanh nghiệp nằm trong nghiên cứu của BDI, 16% công ty cỡ trung bình đã bắt đầu các bước di dời từng bộ phận kinh doanh của họ. Nghiên cứu cũng cho thấy 30% khác đang cân nhắc làm theo.
Chủ tịch BDI Siegfried Russwurm cho biết, gần 2/3 số công ty mà họ phỏng vấn coi giá năng lượng và tài nguyên là một trong những thách thức cấp bách nhất. “Giá điện cho các doanh nghiệp phải giảm một cách đáng tin cậy và lâu dài xuống mức cạnh tranh, nếu không, quá trình chuyển đổi [xanh] của các doanh nghiệp sẽ thất bại” ông nói.
Những lo ngại tương tự đã xuất hiện sau khi Mỹ công bố Đạo luật giảm lạm phát (IRA) trị giá 500 tỷ USD, cung cấp các khoản trợ cấp hào phóng cho ngành công nghiệp xanh. Để đối phó với IRA và giá năng lượng tăng cao, gã khổng lồ ô tô điện Tesla đã loại bỏ một số kế hoạch đầy tham vọng của mình, trong đó có dự án xây dựng nhà máy sản xuất pin lớn nhất gần Berlin và tuyên bố sẽ tập trung vào thị trường Mỹ.
Những lo ngại về nền kinh tế Đức và khả năng cạnh tranh của nước này trên phạm vi toàn cầu gần đây cũng nổi lên khi Ủy ban châu Âu dự đoán vào tháng trước rằng, nước này sẽ nằm trong số các nền kinh tế tăng trưởng chậm nhất của khu vực đồng Euro vào năm 2023, với chi phí năng lượng cao và giá carbon của EU nhiều lần được viện dẫn là nguyên nhân làm suy yếu môi trường kinh doanh.
Thắt chặt hợp tác với Trung Quốc
Bất chấp những lời kêu gọi đa dạng hóa quan hệ kinh tế, sự phụ thuộc của Đức vào nền kinh tế Trung Quốc, đặc biệt là hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, vẫn tiếp tục gia tăng.
Một nghiên cứu của Viện Kinh tế Đức (IW) cho thấy, trong nhiều tháng qua, dù chính phủ Đức đã kêu gọi các thành phần kinh tế nước này tích cực đa dạng hóa các mối quan hệ kinh tế nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào một quốc gia. Nhưng kết quả nghiên cứu của IW cho thấy điều ngược lại.
Đức ngày càng nhập khẩu nhiều hơn các loại hàng hóa, sản phẩm từ Trung Quốc và do đó ngày càng phụ thuộc vào nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới này.
Trong năm 2022, trong số các nhóm hàng hóa sản xuất tại Đức, linh kiện, nguyên vật liệu nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm hơn một nửa tổng khối lượng nhập khẩu. Có tới hơn 70% tổng số nhóm hàng Đức tiếp tục tăng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Chẳng hạn, 87% tổng số máy tính xách tay nhập khẩu vào Đức trong năm 2022 đến từ quốc gia châu Á này (năm 2021 là 84%). Kim loại magie, được sử dụng trong robot và in 3D, nhập khẩu từ Trung Quốc đã tăng từ 59% năm 2021 lên 81% năm 2022; một số sản phẩm sắt cũng tăng từ 74% lên 85%.
Vấn đề do tác giả nghiên cứu này - chuyên gia Jürgen Matthes, chỉ ra, không phải tất cả các sản phẩm mà thị phần Trung Quốc chiếm tỷ lệ lớn đều là hàng thiết yếu và khó thay thế, chẳng hạn, các loại chăn điện, đệm điện (thị phần Trung Quốc chiếm 84%). Thực tế, các sản phẩm này hoàn toàn có thể được chuyển sang những nhà cung cấp khác trong thời gian ngắn.
Tất nhiên, nhiều loại sản phẩm khác, chẳng hạn như một số vật liệu hóa học và linh kiện điện tử, Đức thực sự đã phụ thuộc vào nguồn cung từ Trung Quốc. Magie và một số loại đất hiếm là ví dụ điển hình.
Hiệp hội công nghiệp Đức (BDI) đã nhiều lần chỉ ra sự phụ thuộc lớn này. Một phân tích gần đây của BDI cho thấy, khối lượng nhập khẩu một số nguyên liệu thô từ Trung Quốc như đất hiếm, được sử dụng để sản xuất pin điện, đã chiếm tới hơn 90% tổng lượng nhập khẩu của Đức về các nguyên liệu này.
Mặc dù chúng không hiếm như tên gọi, nhưng việc khai thác rất tốn kém và gây hại lớn cho môi trường. Do đó trong ngắn hạn, việc thay thế nguồn cung từ Trung Quốc bằng nguồn cung từ các nước khác rất khó khăn. Nhiều loại nguyên liệu thô quan trọng khác cũng trong tình trạng tương tự.
Chuyên gia Matthes nhận định, việc đa dạng hóa nguồn cung và loại bỏ rủi ro phụ thuộc vào Trung Quốc gần như không diễn ra trên quy mô lớn.
Bất lợi thuộc về Berlin?
Ngược lại, sự phụ thuộc vào Bắc Kinh ngày càng lớn hơn đối với nhiều loại sản phẩm, hàng hóa. Trung Quốc càng “thống trị thế giới” đối với loại hàng hóa nào thì càng khó tìm được nhà cung cấp thay thế.
Một nghiên cứu mới đây của Viện Kinh tế thế giới Kiel (IfW) của Đức cũng cho thấy, kết quả tương tự. Theo đó, sự thống trị toàn cầu của Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc), đặc biệt về các sản phẩm điện tử, kết hợp với sự phụ thuộc của Đức về các sản phẩm này, mang tới rủi ro lớn cho nền kinh tế đầu tàu châu Âu.
Trong thương mại nói chung, tình hình cũng tương tự, các mối quan hệ ngày càng chuyển dịch theo chiều hướng bất lợi cho Đức. Năm 2022, Trung Quốc lần thứ bảy liên tiếp là đối tác thương mại lớn nhất của Đức.
Theo số liệu từ Cơ quan Thống kê liên bang, tỷ trọng hàng hóa mà Đức nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm tới 12,8% trong tổng lượng hàng hóa nhập khẩu của Đức. Con số này rất đáng chú ý, cho thấy sự phụ thuộc của nền kinh tế đầu tàu châu Âu vào nguồn cung hàng hóa từ Trung Quốc rất lớn.
Trong những năm gần đây, lượng hàng hóa Đức nhập khẩu từ Trung Quốc luôn có xu hướng tăng lên qua từng năm. Nhưng lĩnh vực xuất khẩu thì ngược lại, lượng hàng hóa Đức xuất khẩu sang Trung Quốc đang có xu hướng giảm.
Năm 2022, Trung Quốc chỉ xếp thứ tư trong danh sách các thị trường bán hàng lớn nhất của Đức. Ba vị trí dẫn đầu lần lượt là Mỹ, Pháp và Hà Lan. Các chuyên gia nghiên cứu cảnh báo, quan hệ thương mại Đức-Trung Quốc ngày càng trở nên bất bình đẳng theo hướng bất lợi cho Berlin. Nếu năm 2010, thâm hụt thương mại của Đức so với Trung Quốc là 23,5 tỷ Euro (25,7 tỷ USD), thì năm 2022, con số này đã lên tới 84,1 tỷ Euro.
So với các quốc gia khác ở châu Âu, nền kinh tế Đức cũng phụ thuộc lớn vào Trung Quốc về đầu tư. Trong nhiều năm, các doanh nghiệp Đức đã đầu tư một lượng vốn lớn vào thị trường này. Các nhà đầu tư Đức luôn nằm trong số năm nhà đầu tư lớn nhất châu Âu tại Trung Quốc trong những năm gần đây.
Một số doanh nghiệp Đức đã thực hiện phần lớn hoạt động sản xuất, kinh doanh của họ tại quốc gia châu Á trong nhiều năm. Ví dụ, doanh thu của công ty bán dẫn Infineon tại thị trường Trung Quốc chiếm tới hơn một phần ba tổng doanh thu của doanh nghiệp này. Các nhà sản xuất ô tô Đức như VW, Mercedes và BMW cũng phụ thuộc nhiều vào doanh số bán hàng tại thị trường Trung Quốc.
Các doanh nghiệp Đức hiện không ngừng mong muốn đầu tư vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Một phân tích của IW đã chỉ ra rằng, bất chấp căng thẳng địa chính trị, trong năm 2022, các công ty Đức đã đầu tư trực tiếp nhiều hơn bao giờ hết vào Trung Quốc, với tổng số vốn lên tới 11,5 tỷ Euro.
Tuy nhiên, trên thực tế, dù có sự phụ thuộc lớn vào Trung Quốc, đối với Đức, các nước Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ vẫn là đối tác thương mại quan trọng nhất, kể cả khi Bắc Kinh đang là đối tác thương mại lớn nhất.
Theo một nghiên cứu chung của Hiệp hội Công nghiệp Đức (BDI), Quỹ Bertelsmann, Viện nghiên cứu về Trung Quốc Merics và IW, các nước EU đứng ở vị trí đầu tiên trong danh sách các quốc gia có số lượng nhân viên, doanh số bán hàng và tỷ lệ các công ty con của Đức hoạt động lớn nhất. Vị trí thứ hai là Mỹ, trong khi Trung Quốc đứng vị trí thứ ba.
Nghiên cứu trên cho thấy có hơn 40.000 doanh nghiệp Đức hoạt động ở nước ngoài, sử dụng gần 8 triệu lao động và tạo ra doanh thu hàng năm gần 3.100 tỷ Euro, trong đó tỷ lệ hoạt động ở Trung Quốc chỉ "tương đối vừa phải". Đích đến của phần lớn các khoản đầu tư trực tiếp của các doanh nghiệp Đức cũng không phải là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới mà chủ yếu là các nước EU và Mỹ.
Nghiên cứu trên cũng chỉ ra rằng tỷ lệ vốn đầu tư trực tiếp của Đức vào Trung Quốc lấy từ chính khoản lợi nhuận mà các doanh nghiệp Đức tạo ra ở Trung Quốc, có xu hướng tăng lên. Từ năm 2018 đến năm 2021, tất cả các khoản đầu tư trực tiếp của Đức vào Trung Quốc đều đến từ các khoản lợi nhuận này.
Các chuyên gia cho rằng, với mong muốn tiếp tục hợp tác như mục tiêu cuộc tham vấn liên chính phủ Đức-Trung Quốc đã khẳng định, thời gian tới nền kinh tế hai nước sẽ tiếp tục gắn bó chặt chẽ hơn.