Kinh tế Hà Nội chuyển mình, mạnh hơn, xanh hơn, bền vững hơn

Tại tọa đàm trực tuyến với chủ đề 'Kinh tế Hà Nội - 70 năm vì mục tiêu phát triển tuần hoàn, bền vững' diễn ra sáng 25/9, các chuyên gia đều khẳng định kinh tế Hà Nội đã và đang có sự chuyển mình mạnh mẽ theo hướng hiện đại, bền vững, xanh hơn, sạch hơn.

TS Lê Quốc Phương, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin công nghiệp - thương mại (Bộ Công Thương) đánh giá, trong 70 năm qua, Hà Nội đã đạt được những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội to lớn. Đặc biệt, phát triển mạnh mẽ nhất từ sau khi mở rộng địa giới hành chính vào năm 2008.

Kinh tế chuyển mình

Cơ cấu kinh tế trên địa bàn Thủ đô, theo ông Lê Quốc Phương, đang có sự thay đổi tích cực, thương mại, dịch vụ, du lịch trở thành mũi nhọn. Cùng với đó, Hà Nội cũng phát triển theo những mô hình kinh tế mới trên thế giới. Hiện, khu vực thương mại dịch vụ chiếm gần 2/3 GRDP của Hà Nội. Đây là một hướng đi đúng đắn.

Trong khi đó, theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Nguyên Trưởng Khoa Tài chính Quốc tế - Học viện Tài chính), năm 2008, Hà Nội có bước đột phá khi mở rộng địa giới hành chính và trở thành một Thủ đô rộng lớn như hiện nay. Điều này đã khiến cơ cấu kinh tế của Hà Nội đang ngày càng thay đổi theo hướng hiện đại, bền vững, xanh hơn, sạch hơn.

Kể từ khi mở rộng địa giới hành chính vào năm 2008, kinh tế Hà Nội có sự chuyển mình mạnh mẽ.

Kể từ khi mở rộng địa giới hành chính vào năm 2008, kinh tế Hà Nội có sự chuyển mình mạnh mẽ.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hà Nội cũng duy trì sự mạnh mẽ và tính ổn định, khi trong quãng thời gian từ năm 2010 cho đến năm 2023 với GRDP thường là dẫn đầu cả nước với mức tăng trưởng khoảng 7%. Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn thành phố liên tục được nâng lên, hiện đạt 151 triệu đồng/người/năm.

Đáng chú ý, Hà Nội đã dần chuyển mình thành địa phương có tốc độ thay đổi cơ cấu kinh tế sang dịch vụ cũng như là sang kinh tế xanh, kinh tế sạch hơn, nhanh hơn và mạnh hơn so với các tỉnh, thành khác trong cả nước. Vào năm 2022, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, tăng trưởng kinh tế của Hà Nội có chậm lại nhưng vẫn cao hơn so với mức tăng trưởng chung của cả nước.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh kỳ vọng, với đà phát triển trong 70 năm qua, với ý chí quyết tâm, với vị trí là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa và khoa học công nghệ, Hà Nội sẽ sớm có được những bước phát triển mới, tạo ra năng suất lao động cao hơn, hiệu quả lớn hơn cho sự phát triển kinh tế đất nước.

Phát huy lợi thế, hút đầu tư

TS Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, đánh giá với những lợi thế về địa lý, nguồn nhân lực, cải cách hành chính, Hà Nội là một trong 5 địa phương thu hút được nhiều vốn FDI nhất trong hàng chục năm qua, đồng thời là một trong những nơi đi đầu phát triển ngành công nghiệp phụ trợ.

Hiện, đội ngũ các doanh nghiệp có thể đáp ứng công nghiệp phụ trợ cho các doanh nghiệp FDI trên địa bàn thành phố đã tăng vượt trội. “Chúng tôi cũng muốn đề cập đến tinh thần tự lực cánh sinh vươn lên của Thủ đô. Hiếm có địa phương nào ứng phó với thiên tai, địch họa tốt như Hà Nội”, ông Kiên nhìn nhận.

Hà Nội cần tận dụng các lợi thế để thu hút các nguồn lực đầu tư.

Hà Nội cần tận dụng các lợi thế để thu hút các nguồn lực đầu tư.

Ở góc nhìn doanh nghiệp, theo ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA), để hướng phát triển kinh tế tuần hoàn, bền vững, Hà Nội cần nghiên cứu kỹ về 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc và mô hình một số thủ đô của châu Á, Bắc Âu... nhằm đưa ra một chương trình, hình mẫu cho Thủ đô Hà Nội.

Để làm được, trước hết Hà Nội nên dành kinh phí nghiên cứu và thực hiện cho tất cả các lĩnh vực, đưa ra lộ trình cho từng ngành nghề, thông điệp rõ đến từng người dân sống, người dân làm việc tại Thủ đô để cùng thực hiện.

Theo ông Hiệp, kinh tế tuần hoàn là bền vững, là xanh - sạch, môi trường sống tốt, là tuổi thọ, là sức khỏe và mức sống sẽ tốt lên cho từng người dân, người lao động Thủ đô. Đồng thời, Hà Nội tới đây cần thành lập Hội đồng phát triển kinh tế - xã hội bền vững, mời các chuyên gia trong các lĩnh vực, doanh nghiệp... cùng tham gia để thực hiện.

Trong khi đó, theo TS Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, để thu hút nguồn lực đầu tư, Hà Nội cần đặc biệt chú trọng đến xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp.

Dễ nhận thấy, ưu thế và lợi thế của Hà Nội là rất lớn và cần tận dụng hiệu quả các lợi thế như cộng đồng doanh nghiệp hiện đại, cộng đồng lao động trẻ, thu hút 2/3 trí thức cả nước. Bên cạnh đó, Hà Nội có lợi thế quy mô thị trường và lợi thế vùng… “Cân tận dụng hiệu quả lợi thế này”, ông Phong nhấn mạnh.

Cũng tại tọa đàm, nhiều chuyên gia khẳng định, Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua sẽ giúp tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách để góp phần thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh của Hà Nội; đồng thời hy vọng thời gian tới, chính quyền Hà Nội có thể xây dựng hệ sinh thái mới cho các doanh nghiệp phát triển.

Hà Nội phấn đấu hoàn thành 24 chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế-xã hội năm 2024

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh mới đây đã ký ban hành Kế hoạch số 269/KH-UBND về việc triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh tháng 9 và quý IV/2024.

Trong đó, 5 chỉ tiêu về phát triển kinh tế gồm: Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 6,5-7%; GRDP bình quân đầu người từ 160,8 - 162 triệu đồng; tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện 10,5-11,5%; tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu 4-5%; Chỉ số giá tiêu dùng dưới 4%.

Về 14 chỉ tiêu phát triển văn hóa, xã hội gồm: Giảm 0,15% tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên so với năm trước; giảm 0,1% tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng; duy trì 100% tỷ lệ xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 94,5%; tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trên lực lượng lao động trong độ tuổi lao động đạt 45%; tỷ lệ lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên lực lượng lao động trong độ tuổi lao động tăng 2,5%; tỷ lệ đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp trên lực lượng lao động trong độ tuổi lao động đạt 40%;

Giảm 380 số hộ nghèo so với đầu năm; tỷ lệ thấp nghiệp khu vực thành thị giảm dưới 3%; tỷ lệ lao động đang làm việc qua đào tạo đạt 74,2%; tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia đạt 78,5%; tỷ lệ hộ gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu "Gia đình văn hóa" đạt 88%; tỷ lệ thôn (làng) được công nhận và giữ vững danh hiệu "Làng văn hóa" đạt 64,5%; tỷ lệ tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu "Tổ dân phố văn hóa" đạt 74%.

Về 5 chỉ tiêu phát triển đô thị gồm: Tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch ở đô thị đạt 100% và nông thôn đạt 95%; tỷ lệ rác thải sinh hoạt được thu gom và vận chuyển trong ngày đạt 100% ở đô thị và từ 95-100% ở khu vực nông thôn; xử lý ô nhiễm môi trường đạt 100% với cụm công nghiệp xây dựng mới và cụm công nghiệp làng nghề đã đi vào hoạt động, 99% tỷ lệ chất thải nguy hại được xử lý, 100% chất thải y tế nguy hại được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, 40% nước thải đô thị được xử lý; tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt từ 22-25%; tăng 40 xã được công nhận nông thôn mới nâng cao và 35 xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu.

Đông Phong

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//dia-phuong/kinh-te-ha-noi-chuyen-minh-manh-hon-xanh-hon-ben-vung-hon-1102608.html