Kinh tế hàng hóa làm dịu cái nghèo miền biên viễn

Dù mới thành lập từ năm 2015 sau khi tách từ huyện Sa Thầy, huyện Ia H'Drai, (tỉnh Kon Tum) đã có những bước đi hiệu quả trong giảm nghèo khi tận dụng thế mạnh điều kiện tự nhiên, đầu tư phát triển nông nghiệp hàng hóa. Đến nay, đã có nhiều mô hình sản xuất kinh doanh tiêu biểu, mở cơ hội việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.

Xã Ia Tơi (huyện Ia H’Drai) là nơi có lòng hồ thủy điện Sê San. Chính vì vậy mà cá cơm nước ngọt Sê San nay đã trở thành thương hiệu của huyện nhờ người dân đầu tư sản xuất, chế biến theo mô hình HTX kiểu mới.

Khai thác tiềm năng thủy sản

Ông Võ Văn Trực, Giám đốc HTX Dịch vụ - Thương mại- Du lịch - Nông nghiệp công nghệ cao Ia H'Drai, cho biết hồ thủy điện Sê San rất giàu nguồn thủy sản, trong đó nhiều nhất là cá cơm. Vì vậy, các thành viên ngoài tận dụng nguồn cá cơm từ tự nhiên còn đầu tư lồng nuôi các loại cá như cá lăng, rô phi, cá rô... trên lòng hồ thủy điện.

Ngoài nguồn thủy sản tự nhiên và nuôi trồng của các thành viên, HTX còn đăng ký bao tiêu đầu ra cho các hộ dân có nhu cầu, từ đó mở rộng sang chế biến thành nhiều món đặc sản nổi tiếng như bánh tráng cá cơm, nước mắm cá cơm, cá lóc khô, cá rô khô…để tăng thêm thu nhập. Trong đó, sản phẩm cá cơm nước ngọt Sê San đã được chứng nhận OCOP và được tiêu thụ ở nhiều tỉnh thành trên cả nước như Gia Lai, Bình Định, Sài Gòn, Hà Nội, Huế, Đà Nẵng...

Để bảo đảm bền vững, HTX quy định không đánh bắt cá cơm vào ngày 14,15 hàng tháng vì đây là thời điểm cá cơm sinh sản. HTX cũng cùng lãnh đạo địa phương phát triển thêm các tour du lịch như lòng hồ: thăm làng chài, trải nghiệm cuộc sống sinh hoạt cùng bà con trên nhà bè, khám phá lòng hồ thủy điện Sê San bằng thuyền máy và đặc biệt là kết nối với điểm đến Thác Mơ - Sê San. Bình quân mỗi tháng, HTX và người dân đón gần 10 đoàn khách du lịch, từ đó giúp nhiều người có thêm thu nhập từ 3-5 triệu đồng/đoàn.

Mô hình nuôi trồng thủy sản kết hợp phát triển du lịch đang được cho là khai thác được tiềm năng thế mạnh của địa phương trong nâng cao thu nhập, hỗ trợ giảm nghèo cho người dân.

Ông Trần Văn Mây (trú tại thôn 7, xã Ia Tơi) cho biết, vào mùa, gia đình thu được 12kg cá cơm khô để bán cho HTX giúp thu nhập mỗi tháng gần có thể lên đến 45 triệu đồng. Song song với đó, gia đình ông cũng đang nuôi các loại cá như cá lăng bò, cá rô phi, cá rô,…trên lồng bè, cho thu lãi gần 30-50 triệu đồng/năm.

“Đời sống người dân ở đây chủ yếu dựa vào nghề đánh bắt và khai thác thủy sản. Công việc này đã mang lại nguồn thu nhập khá cho họ trong vài năm trở lại đây”, ông Mây chia sẻ.

Xây dựng chuỗi gà dược liệu

Không chỉ nổi bật với mô hình nuôi trồng thủy sản trên hồ thủy điện, huyện Ia H’Drai còn có mô hình sản xuất hàng hóa từ trồng cây ăn quả, dược liệu, trồng cao su...

Tiêu biểu là HTX nông nghiệp xây dựng Suối Cát (xã Ia Dom) đã đầu tư trang trại gà dược liệu có tổng diện tích 1ha, trong đó diện tích chuồng là 600m2, diện tích trồng dược liệu 3.000 đến 4.000m2 với quy mô 4.000- 5.000 con gà.

Nuôi gà thảo dược đang là mô hình cho giá trị kinh tế cao, mang lại hiệu quả bền vững cho người dân.

Việc phát triển chăn nuôi gà dược liệu được cho là phù hợp vì địa phương có điều kiện khí hậu khắc nghiệt, vật nuôi hay bị mắc bệnh nên khi đầu tư theo quy trình, có sử dụng dược liệu sẽ giúp đàn gà hạn chế dịch bệnh. Trong khi người tiêu dùng hiện nay luôn quan tâm đến nâng cao sức khỏe, sử dụng sản phẩm an toàn nên trung bình mỗi lứa với 5.000 con gà của HTX đều có đầu ra ổn định.

Ông Trần Sỹ Kim, Giám đốc HTX, cho biết nuôi gà bằng thức ăn dược liệu chính là biện pháp chăn nuôi hiệu quả, vừa phòng, chống dịch bệnh vừa tạo ra sản phẩm thịt gà ngon, mới, lạ và sẽ tạo ra sức hút tiêu thụ, góp phần giải quyết lao động nhàn rỗi, tăng thêm thu nhập cho bà con nông dân.

Hiện, HTX có 15ha dược liệu được kết hợp với máy móc để chế biến kết hợp trong thức ăn cho gà. Đầu ra cũng được liên kết với một doanh nghiệp trong tỉnh nên chăn nuôi khá thuận lợi. Đặc biệt, đường đến trang trại của HTX đã được bê tông hóa nên thuận tiện cho việc đưa xe lớn vào để chuyên chở thức ăn, phân gà, vận chuyển đi tiêu thụ...

Không chỉ thu hút 30 thành viên, HTX còn tạo thêm việc làm với mức thu nhập khoảng 6-7 triệu đồng/người cho một số lao động nhờ việc chăm sóc gà, thu hoạch và chăm sóc dược liệu. Ngoài phục vụ đàn vật nuôi, một phần dược liệu cũng được HTX chế biến thành tinh dầu để cung cấp cho thị trường.

Đây cũng là mô hình giảm nghèo tiêu biểu của xã Ia Dom khi phong trào nuôi gà thảo dược đã lan rộng. Hình thức chăn nuôi này được coi là 'làn gió mát' từ đại ngàn làm dịu cái nghèo của người dân vùng biên giới còn nhiều gian khó.

Giảm tỷ lệ hộ nghèo

Huyện Ia H’Drai có 9km đường biên giới tiếp giáp với Campuchia. Điều kiện tự nhiên khắc nghiệt cùng với là nơi xa xôi nên ngay từ khi thành lập huyện, Ia H’Drai được đánh giá là có nhiều khó khăn trong giảm nghèo. Tuy nhiên, chính huyện biên giới này lại có nhiều tiềm năng về nông nghiệp nên cơ quan quản lý địa phương đã coi đây là lợi thế để giúp người dân giảm nghèo, nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế.

Đặc biệt, huyện xây dựng các dự án từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, từ đó hỗ trợ cho hàng trăm hộ phát triển sản xuất chăn nuôi bò, gà, thủy sản... Tiêu biểu như mô hình HTX nuôi gà dược liệu theo hướng hàng hóa ở xã Ia Dom, trước tiên, các hộ tham gia đã được hỗ trợ tổng nguồn vốn 500 triệu đồng, ngoài ra còn được hỗ trợ giống, kỹ thuật, máy móc... để người dân tham gia chăn nuôi khoa học. Đây chính là nền tảng vững chắc để mô hình này phát triển rộng khắp trên toàn xã, từ đó xây dựng được mối liên kết với doanh nghiệp.

Ngoài ra, huyện còn khuyến khích người dân triển khai các mô hình chăn nuôi, trồng cây ăn quả khác đạt hiệu quả như mô hình nuôi heo, trồng mít, cam, quýt… Đến nay, nhiều dự án, mô hình được người dân học hỏi và nhân rộng, số lượng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện tăng lên đáng kể, cơ cấu cây trồng từng bước được đa dạng hóa, dần phá thế độc canh của cây cao su.

Ngoài HTX, các doanh nghiệp trên địa bàn huyện đã mạnh dạn đầu tư nuôi, trồng thử nghiệm các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ tiên tiến như mô hình trồng chuối già Nam Mỹ, mô hình nuôi cá rô đơn tính, cá lăng trong lồng… thông qua mối liên kết với các HTX để giúp người dân có thêm thu nhập, giảm nghèo bền vững.

Trong hai năm 2021 và 2022, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn huyện giảm mạnh. Nếu như cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện có 1.219 hộ (chiếm tỷ lệ 41,34%) thì đến nay đã có hơn 1.000 hộ thoát nghèo, tương ứng tỷ lệ giảm hộ nghèo là gần 28%.

Một điều dễ nhận thấy là cả huyện chỉ có 3 xã là Ia Đal, Ia Dom và Ia Tơi chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số. Nhưng nhờ đẩy mạnh phát triển kinh tế hàng hóa, đến nay Ia H’Drai đã có 16 HTX đang hoạt động với 178 thành viên; 265 hộ gia đình, cá nhân hoạt động kinh doanh các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau.

Chính vì vậy mà từ một huyện thuần nông, đời sống người dân bấp bênh, tỷ lệ hộ nghèo cao mà đến nay, kinh tế xã hội của huyện đã phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng. Toàn bộ 14 thôn của 3 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới đồng nghĩa với việc bảo đảm được tiêu chí giảm nghèo bền vững.

Trước những kết quả đã đạt được, thời gian tới, huyện Ia H’Drai phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bền vững, từ nay đến cuối năm 2023 giảm 10%, hướng đến năm đến năm 2025 giảm hết hộ nghèo.

Tùng Lâm

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/kinh-te-hang-hoa-lam-diu-cai-ngheo-mien-bien-vien-1095540.html