Kinh tế khó khăn nhất trong 10 năm qua?

Trong bối cảnh khó khăn chung của thế giới, Chính phủ đã rất nỗ lực trong chỉ đạo điều hành nên nền kinh tế đang vượt qua khó khăn và tăng trưởng. Tuy nhiên nhiều nhà nghiên cứu và doanh nghiệp cho rằng họ cảm nhận một thời điểm rất khó khăn, nhiều thách thức. Có ý kiến cho rằng kinh tế Việt Nam khó khăn nhất kể từ 10 năm trở lại đây.

Chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong cùng GS.TS Hoàng Văn Cường – Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội – Ủy viên Ủy ban Tài chính và ngân sách QH – Phó hiệu trưởng Trường Đại học kinh tế quốc dân và ông Nguyễn Bá Hùng – Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng phát triển Châu Á – ADB tại Việt Nam đã có mặt trong tọa đàm “Góc nhìn Hà Nội” của Đài PTTH Hà Nội để chia sẻ góc nhìn về bức tranh kinh tế xã hội của đất nước hiện nay.

Chuyên gia kinh tế, Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong cùng GS.TS Hoàng Văn Cường – Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội – Ủy viên Ủy ban Tài chính và ngân sách QH – Phó hiệu trưởng Trường Đại học kinh tế quốc dân và ông Nguyễn Bá Hùng – Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng phát triển Châu Á – ADB tại Việt Nam đã có mặt trong tọa đàm “Góc nhìn Hà Nội” của Đài PTTH Hà Nội để chia sẻ góc nhìn về bức tranh kinh tế xã hội của đất nước hiện nay.

Dưới đây là nội dung tóm lược của cuộc trao đổi. Phiên bản đầy đủ của cuộc tọa đàm đã được phát sóng trên kênh HÀNỘI 1 trong video phát hành kèm theo.

TS NGUYỄN MINH PHONG: Trong bối cảnh có rất nhiều biến động khó lường, đối diện với rất nhiều khó khăn, chúng ta cũng đã chứng kiến, ghi nhận rất nhiều nỗ lực của hệ thống chính trị, đặc biệt là của Đảng, Nhà nước, Quốc hội. Khó khăn càng lớn thì quyết tâm lại càng phải cao, đã lan tỏa từ Trung ương tới địa phương.

GS.TS HOÀNG VĂN CƯỜNG: Nền kinh tế đang gặp phải bối cảnh rất khó khăn, bởi kinh tế Việt Nam là kinh tế mở, phụ thuộc rất lớn vào thị trường thế giới. Chúng ta mở đến 200%, điều đó có nghĩa là khi thị trường thế giới thu hẹp thì khó khăn dồn vào trong nước. Chính phủ ngay lập tức hành động để khơi dậy nội lực bên trong, để không bị phụ thuộc vào quá nhiều khi thế giới đang suy giảm. Chúng ta nhìn thấy quyết tâm của Thủ tướng. “Không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm” thể hiện trên cả ba phương diện.

Trước hết là thể chế chính sách, Chính phủ ban hành rất nhiều các cái Nghị quyết, sau đó là các Chỉ thị gồm các khuôn khổ pháp lý giải quyết vướng mắc về mặt thể chế, thúc đẩy trách nhiệm hành động của các cấp, các ngành. Thứ hai là nhiều chính sách được ban hành để hỗ trợ cho doanh nghiệp. Chẳng hạn như chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ tiếp tục hoãn các khoản nghĩa vụ đóng góp để doanh nghiệp có nguồn lực phục hồi. Các ngân hàng lớn trên thế giới đang rơi vào tình trạng đe dọa lạm phát và hầu như chưa giảm lãi suất thì Việt Nam đã điều hành giảm lãi suất đến 4 lần, tăng nguồn lực hỗ trợ cho doanh nghiệp.

Vào cuối năm 2022, thị trường trái phiếu của doanh nghiệp rơi vào khủng hoảng, thậm chí có dấu hiệu sụp đổ thì giải pháp của Chính phủ đã tháo gỡ được khó khăn này và thị trường trái phiếu bắt đầu phục hồi.

Ngày 19/7, hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ đã chính thức được vận hành tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội.

Ngày 19/7, hệ thống giao dịch trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ đã chính thức được vận hành tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội.

Thứ ba là những hành động thực tế, không tuần nào Thủ tướng không xuất hiện ở các địa phương. Đây là những điểm sáng để chúng ta từng bước tháo ra khỏi khó khăn.

CHUYÊN GIA KINH TẾ TRƯỞNG ADB NGUYỄN BÁ HÙNG: Chúng tôi cho rằng Chính phủ có phản ứng rất nhanh, đưa ra các chính sách tài khóa, hỗ trợ tương đối kịp thời. Nỗ lực đang được đặt ở các cấp rất cao nhưng có vẻ chưa thông suốt đến các cấp thấp hơn ở trong hệ thống chính trị. Điều đó dẫn đến chuyện hiệu quả thúc đẩy phục hồi kinh tế chưa được như kỳ vọng.

TS NGUYỄN MINH PHONG: Nếu so sánh trong vòng 10 năm qua, thì năm nay là năm khó khăn nhất. Vì khó khăn không chỉ trong nước, mà khó khăn của cả trên thế giới trong bối cảnh nền kinh tế suy giảm. Khó khăn ở chỗ thị trường tiêu thụ bị thu hẹp, đặc biệt là những phân khúc như dệt may, da giày giảm từ 30-70%, có những doanh nghiệp hết quý I là hết hợp đồng. Thứ hai là gắn liền với môi trường đầu tư. Một là lãi suất cực cao. Nếu cứ kéo mãi tình trạng lãi suất cho vay trên 10% thì sẽ không có doanh nghiệp nữa. Vì trong bối cảnh lợi nhuận bình quân trung bình đâu đó khoảng 5,7% mà phải trả 10% cho lãi suất thì ko thể tồn tại lâu được. Vì lạm phát dưới 45%, mà lãi suất cho vay huy động 90%, rồi cho vay thậm chí 12, 13%. Thực dương quá cao gây cho doanh nghiệp khó khăn. Thứ ba, tình trạng nhũng nhiễu, chi phí bôi trơn vẫn rất lớn làm doanh nghiệp nặng gánh hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, người dân, doanh nghiệp đã tới giới hạn, đặc biệt là thất nghiệp khiến cho sức cầu trong nước ít nhiều suy giảm.

"Nếu cứ kéo mãi tình trạng lãi suất cho vay trên 10% thì sẽ không có doanh nghiệp nữa."

TS Nguyễn Minh Phong

CHUYÊN GIA KINH TẾ TRƯỞNG ADB NGUYỄN BÁ HÙNG: Nguyên nhân khách quan đến từ việc kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào kinh tế thế giới vì độ mở lớn. Kinh ngạch thương mại là hơn 150% GDP, do đó biến động của kinh tế thế giới nửa sau 2022 gây áp lực và biến động mạnh tới môi trường kinh tế Việt Nam. Từ chuyện Nga tấn công Ukraine gây biến động về chuỗi cung ứng lương thực, năng lượng, thì còn thêm chuyện cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc cũng làm thay đổi về công nghiệp bán dẫn. Dẫn đến chuyện các chuỗi chuyển hướng thay vì làm ở các nước giá thấp về các nước sở tại như Mỹ hay Châu Âu. Bản thân những nước như Ấn Độ cũng nhảy vào để dành dòng đầu tư về các sản phẩm bán dẫn. Đó là nguyên nhân khách quan từ bên ngoài do độ mở của nền kinh tế Việt Nam, nó có tác động rất lớn đến mức độ nhìn vào con số thì không hình dung ra hết. Chúng ta nhập khẩu để xuất khẩu, tổng kim ngạch cả xuất khẩu và nhập khẩu cùng giảm, khi đó thì thặng dư thương mại trông rất là tích cực, nhưng về bản chất khi xuất khẩu giảm 12%, nhập khẩu giảm 17% thì mất đi hơn 10% khối lượng việc làm, dẫn đến áp lực đối với khu vực sản xuất kinh doanh là rất lớn. Như vậy hình dung được khó khăn từ bên ngoài là rất đáng kể và cần có những phản hồi về chính sách thật là quyết liệt.

Còn nguyên nhân chủ quan, đó là môi trường kinh doanh còn nặng về hành chính, chưa được thuận lợi, dẫn đến biến động về trái phiếu, rút tiền gửi ngân hàng hay biến động về thiếu điện thì đó là những yếu tố khó khăn.

GS.TS HOÀNG VĂN CƯỜNG: Nền kinh tế Việt Nam mở trên 200%, có nghĩa là khi xuất nhập khẩu giảm 2 đồng thì tăng trưởng kinh tế bên trong mất đi 1 đồng. Thặng dư về thương mại nhìn có vẻ là tốt, nhưng chúng ta trong bối cảnh kinh tế chủ yếu gia công, có nghĩa là không sản suất được cho nên không nhập khẩu làm gì, dẫn đến bên trong không hoạt động. Điều này thể hiện kinh tế thế giới suy giảm thì kinh tế Việt Nam cũng bị kéo xuống và thường thì kinh tế Việt Nam chậm hơn một nhịp so với suy giảm kinh tế thế giới.

Bên trong, Việt Nam đang quyết liệt xử lý những sai phạm. Điều này có lợi và rất cần thiết, nhưng không tránh khỏi dẫn đến khu vực công e dè sợ sai phạm, nên nhiều hoạt động công không vận hành được, ảnh hưởng đến các khu vực tư cũng không vận hành được. Trải qua hai năm đại dịch đã khó khăn rồi, giờ lại bị tác động như thế này thì doanh nghiệp không thể nào bứt phá lên được. Do vậy khẳng định bên ngoài thì thu hẹp, bên trong thì thắt chặt dẫn đến tạo ra cộng hưởng khó khăn.

TS NGUYÊN MINH PHONG: Tôi thấy rằng trong 10 năm trở lại đây thì thực sự khó với cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực liên quan đến chế xuất, lĩnh vực dệt may, da giầy, đồ gỗ và một số lĩnh vực khác. Chúng tôi đã gặp họ và thấy quả thực là khó, họ thiếu đi những hợp đồng gia công, đây thực sự là khách quan, không phải lỗi của họ, thậm chí có những doanh nghiệp cử người nằm đại diện tại nước ngoài, có hợp đồng là nhận, kể cả lỗ cũng nhận miễn là duy trì được bộ máy.

Thứ hai là liên quan đến hàng rào kỹ thuật. Trong bối cảnh các nước đều thu hẹp thị trường thì họ sẽ dựng lên những hàng rào kỹ thuật ngày càng cao hơn, do đó các doanh nghiệp cần nhận diện và vượt qua, lại càng đòi hỏi những chi phí tốn kém. Và đặc biệt là năm nay có một thay đổi, đó là tăng trưởng xanh, chúng ta thấy Ấn Độ là điển hình, cũng như một số nước khác thì Việt Nam cũng đang đối diện với tình huống đó, chúng ta bị trễ. Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam là đến 2028 chúng ta mới chính thức có thị trường cacbon, mặc dù Chính phủ đã cam kết sớm hơn. Đến 2028, các doanh nghiệp không có chứng chỉ cacbon trong khi để tham gia vào chuỗi thì phải có chứng chỉ đó, đây là thực tế phải đối mặt. Chúng tôi quan sát thấy là ông Chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh nói rằng đầu năm nay, rất nhiều doanh nghiệp không có hợp đồng xuất khẩu, nhưng nếu doanh nghiệp nào có chứng chỉ xanh thì lại quá tải, hợp đồng ùn ùn, cho thấy thị trường vẫn có độ mở, vẫn có kẽ hở để phát triển, nhưng bởi vì anh chậm, kể cả Chính phủ cũng chậm nên các doanh nghiệp phải bỏ tiền ra mua chứng chỉ để tham gia chuỗi cung ứng. Việc này đòi hỏi cần tháo gỡ sớm.

Ở trong nước thì chi phí đầu vào rất lớn, đặc biệt là tiền lương, thuế, cộng với lãi suất như đã nói. Như vậy, doanh nghiệp sẽ mất động lực đầu tư. Cả trong và ngoài tạo ra khó khăn kép. Và tôi nói thêm lần nữa là các chi phí bôi trơn, chi phí nhũng nhiễu vẫn không vì thế mà thay đổi. Trong khi cộng đồng doanh nghiệp đối phó với hệ thống quan chức tầm trung trực tiếp quản lý vẫn đòi hỏi những chi phí đó. Như vậy, chi phí lãi suất cao, nhũng nhiễu cao, cộng với không có thị trường tiêu thụ nước ngoài, trong nước người dân cũng siết chặt. Đây thực sự là những khó khăn của doanh nghiệp.

CHUYÊN GIA KINH TẾ TRƯỞNG ADB NGUYỄN BÁ HÙNG: Khi mà mình nhìn nhận ở góc độ lượng tiền trong ngân hàng lớn mà tăng trưởng tín dụng thấp, thị trường tín dụng ở cơ chế cung cầu. Có vẻ nguồn cung tiền còn đang dư thừa, cái giá còn đang cao trong khi cái cầu đang yếu, họ cũng không có năng lực để đáp ứng cái giá đấy. Vì về bản chất là doanh nghiệp họ chỉ đi vay để đầu tư, nếu lãi suất đầu tư không cao hơn lãi suất đi vay thì họ sẽ không vay. Tôi cho rằng dấu hiệu ấy trên thị trường tín dụng cho thấy nền kinh tế thực của chúng ta đang rất yếu.

Nền kinh tế mà sản xuất hàng hóa dịch vụ đang rất yếu dẫn đến chuyện nhìn chung cơ hội đầu tư trên thị trường đang thấp. Thị tường tín dụng cho ta thấy thực trạng của nền kinh tế thực, thị trường sản xuất kinh doanh, hàng hóa dịch vụ. Đó cũng là dấu hiệu cho thấy chính sách tiền tệ có những hạn chế nhất định bởi vì nó tác động vào thị tường tín dụng nhưng không tác động trực tiếp vào thị trường thực sản xuất kinh doanh, hàng hóa dịch vụ. Chính phủ có thể chi các khoản ngân sách vào để thúc đẩy hoạt động của nền kinh tế thực. Từ đó có thể tạo ra được cú hích, doanh nghiệp mới có nhu cầu tiếp cận các nguồn tín dụng để thực hiện việc sản xuất, kinh doanh, mới có thể sinh lời để chi trả cho lãi suất. Khi đó, thị trường tín dụng sẽ sôi động lên. Chứ còn hiện tại, nền kinh tế chưa có đủ điều kiện thu hút nguồn vốn, cứ nghĩ là thừa vốn, nhưng thực ra là không có đủ cơ hội đầu tư.

GS.TS HOÀNG VĂN CƯỜNG: Khi nói môi trường kinh doanh chúng ta phải xem xét trên hai góc độ. Một là môi trường vĩ mô và hai là môi tường vi mô. Môi trường vĩ mô ngày nay có những mặt khá thuận lợi, điển hình như kinh tế vĩ mô. Kinh tế vĩ mô của Việt Nam rất ổn định, lạm phát không cao, chứng tỏ đây là một môi trường rất tốt để nhà đầu tư yên tâm không sợ rủi ro. Và nếu như có lãi thì sẽ là lãi thực.. Tuy nhiên có những yếu tố của môi trường vĩ mô không tốt, điển hình như môi trường vĩ mô tăng trưởng thị trường nhưng không có, thị trường thế giới thu hẹp, thị trường trong nước thì ngay người dân cũng không có việc làm, thu nhập thấp, không có sức cầu. Chúng ta thấy rõ ràng là thị trường không có, không phải là môi trường kinh doanh tốt.

Một nguyên nhân khác, đó là môi trường về mặt thể chế. Theo tôi vấn đề không phải là nhũng nhiễu, hiện nay còn có chuyện có bôi cũng không trơn, đó là tâm lý e dè, không muốn hành động. Thêm nữa, rất nhiều cơ chế quản lý chúng ta trước đây nếu không phát hiện sẽ xuê xoa, doanh nghiệp lách dược sẽ bỏ qua. Nhưng bây giờ khác, cái gì là quy định, cơ quan thực thi sẽ làm rất nghiêm khắc. Điển hình như việc thực thi về PCCC, kiểm soát nồng độ cồn trước kia bỏ qua, bây giờ rất nghiêm tắc. Trong bối cảnh thể chế thắt chặt như thế, sẽ có những cán bộ không dám vận dụng, bởi vì quy định luật pháp của chúngta có những chồng chéo, mà nếu như ta vận dụng sẽ không giống với những cái khác. Và như vậy không biết xử lý như thế nào để các yêu cầu của doanh nghiệp được giải tỏa. Chính vì vậy mà chúng ta thấy hiện nay Chính phủ, các địa phương thành lập rất nhiều Tổ công tác để xử lý những chuyện như thế này. Đó là những yếu tố vĩ mô về mặt thể chế.

Thế còn những điều kiện về mặt môi trường vi mô là môi tường cạnh tranh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp của chúng ta chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, phụ thuộc rất lớn vào doanh nghiệp FDI nước ngoài. Khi bị hạn hẹp như thế, chúng ta không có khả năng liên kết với nhau, nên không tạo được sức mạnh, nhất là khi bên ngoài khó khăn. Doanh nghiệp chúng ta phải ngồi chờ xem bên ngoài thị trường có mở cửa không, chờ xem ngân hàng có mở thêm vốn không, có thể tăng thêm nguồn tín dụng không, có thể tăng nguồn đóng góp không… Vậy nên cải thiện môi trường kinh doanh ở đây về mặt thể chế hành chính, bản thân nội lực của các doanh nghiệp cũng cần tái cấu trúc lại, để chúng ta có thể thích ứng được với môi trường cạnh tranh, với tình hình mới.

TS NGUYỄN MINH PHONG: Cách đây vài năm chúng ta đã nói về trung bình và bẫy thu nhập trung bình. Về cơ bản, bẫy thu nhập trung bình cảnh báo của Ngân hàng Thế giới về một nước nặng khai thác bề rộng mà mãi không tăng trưởng kinh tế để đạt một cái quy mô trên đầu người đủ lớn theo xếp hạng của thế giới. Thực tế trên thế giới chỉ có 5 - 7 nước họ vượt lên được để trở thành nước phát triển. Việt Nam chúng ta chưa đủ thời gian để đánh giá cái đó.

Còn việc chúng ta sụt giảm GDP thì nước Nhật, Trung Quốc và một số nước khác đều ở trạng thái như vậy. Sau khoảng 2,3 thập kỷ, có thể kéo dài hơn một chút có thể tăng trưởng trên dưới 10%. Sẽ đến mức quy mô của anh đủ lớn để sau đó tăng trưởng của anh giảm dần. Giống như nước Mỹ hiện nay, tăng trưởng 1,2% nhưng đó là nền kinh tế trên 20 nghìn tỷ. Chúng ta tăng trưởng cao nhưng nền kinh tế có 300, 400 tỷ. Hai cái đó khác hẳn nhau. Nên cứ sau một chu kỳ, hạ tăng trưởng là chuyện bình thường.

Nhưng nếu chúng ta kéo dài chuyện này mãi sẽ không đạt được mục tiêu đến năm 2045 trở nước phát triển trung bình cao. Và do đó trong thời gian tới, nếu chúng ta không nắm bắt được cơ cấu kinh tế, cơ hội mới của cách mạng kinh tế 4.0, cũng như là không xử lý tốt được phát triển theo bề rộng mà chỉ hướng tới bề sâu thì tăng trưởng của Việt Nam sẽ phát triển đều đều, rất khó đạt được độ 8, 9, 10%.

GS.TS HOÀNG VĂN CƯỜNG: Chúng ta phải hướng vào giải quyết nút thắt khiến nền kinh tế suy giảm. Nút thắt đầu tiên là thị trường không có, cầu không có phải tăng cầu, trong khi tổng cầu thế giới không có thì chúng ta phải tăng tổng cầu trong nước. Mà tổng cầu trong nước phụ thuộc vào tiêu dùng của người dân. Người dân ít tiền thì Chính phủ phải tăng tiêu dùng. Cho nên phải tăng cầu của Chính phủ, đẩy mạnh đầu tư công nghệ như hiện nay chúng tôi cho rằng đó là hướng Chính phủ rất đang quyết liệt. Và trên thực tế đầu tư công của năm nay đã tăng lên khá cao, đó sẽ là một hỗ trợ quan trọng.

Nhưng tôi cho rằng đầu tư công không chỉ đầu tư tiền vào các dự án đơn thuần, mà Chính phủ cần chuyển sang hướng thứ hai là đặt hàng các tập đoàn, doanh nghiệp để đưa ra các sản phẩm tất yếu của nền kinh tế.

Nền kinh tế của chúng ta là nền kinh tế chưa độc lập, để độc lập cần các sản phẩm cốt lõi như thế, thì nguồn ngân sách này nên chuyển sang hướng đặt hàng cho các tập đoàn doanh nghiệp. Trong lúc khó khăn này, cách làm này tạo công ăn việc làm, tạo ra kích cầu, phát triển doanh nghiệp phụ trợ khác, qua đó sẽ bứt phá lên, đó là hướng để tái cấu trúc của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, phải giảm gánh nặng cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp khó khăn nhưng hàng năm thu ngân sách của chúng ta vẫn tăng và vượt, chứng tỏ mức phải đóng góp của doanh nghiệp hiện nay vẫn khá cao. Trong bối cảnh hiện nay chúng ta cần cho giảm mức đó đi. Đặc biệt, khi mà doanh nghiệp đang phải chịu khoản phí cao như BHXH, cộng với cả quỹ công đoàn chiếm đến trên 3% quỹ tiền lương. Doanh nghiệp đang rất khó khăn, nếu muốn giữ chân người lao động sẽ phải đóng rất nhiều tiền. Nếu chúng ta có sự điều chỉnh này thì rất cần thiết.

TS NGUYỄN MINH PHONG: TP Hà Nội trong suốt thời gian qua có rất nhiều nỗ lực và chủ động để hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn. Chúng ta nhớ rằng Chính phủ đã thành lập 5-6 tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn ở các vùng miền, các lĩnh vực, thì Hà Nội đã đi theo xu hướng này rất là tốt. Tổ này thành phần phải là liên ngành thì phải đủ quyền lực. Đủ quyền lực để những người trong cuộc họ lắng nghe tiếp thu và có quyền lực thật sự, hoặc tư vấn hoặc ra lệnh ngay để tháo gỡ khó khăn.

GS.TS HOÀNG VĂN CƯỜNG: Chúng ta biết rằng cả nước chỉ có hai đầu tàu tăng trưởng là TPHCM và Hà Nội. Và những cực tăng trưởng trước đây ở nhiều tỉnh bắt đầu sụt giảm và như vậy rất là trông chờ vào hai đầu tàu tăng trưởng này. Trong đó như TP.HCM nhìn vào đầu năm nay tăng trưởng rất chậm. Rất mừng là TP Hà Nội từ đầu năm nay tốc độ tăng trưởng luôn vượt TPHCM, vượt qua mức trung bình của cả nước, gần như là giữ vững đầu tàu tăng trưởng. Tôi cho rằng đó là điều thể hiện rất rõ quyết tâm. Thành ủy Hà Nội còn tổ chức hội nghị rất lớn để thúc đẩy tinh thần hành động không được do dự, không được né tránh, đùn đẩy, đổ trách nhiệm, mà phải hành động.

Như vậy về mặt chỉ đạo của Đảng, về mặt hành động của chính quyền thành lập tổ công tác đi đến tháo gỡ khó khăn đã thể hiện rất quyết liệt. Tôi cho rằng việc phân cấp phân quyền của TP Hà Nội được đánh giá gần như là mẫu mực điển hình trong giai đoạn hiện nay. Với một phương thức như thế thì tôi cho rằng sẽ tiếp tục thúc đẩy để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, giữ được tăng trưởng kinh tế.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/kinh-te-kho-khan-nhat-trong-10-nam-qua-189221.htm