Kinh tế Khoa học - công nghệ Bao giờ hết 'giật gấu vá vai' - kỳ 2: Đi tìm lời giải

TTH - Việc phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) nhằm tăng cường hiệu quả đào tạo, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong giai đoạn tới được xem là quyết sách vô cùng quan trọng.

Nhiều doanh nghiệp tự đào tạo nhân sự để đáp ứng nhu cầu của chính mình (Trong ảnh: nhân viên tại công ty 3S. Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19)

Nhiều doanh nghiệp tự đào tạo nhân sự để đáp ứng nhu cầu của chính mình (Trong ảnh: nhân viên tại công ty 3S. Ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19)

Liên kết các “nhà”

Thời gian qua, việc liên kết giữa doanh nghiệp (DN) và đơn vị đào tạo vẫn chưa tốt. Đây là vấn đề đòi hỏi DN và các trường cần “xích lại” gần nhau hơn. Thuận lợi hiện nay là tỉnh đã có cơ chế, quan tâm đặc biệt đến vấn đề này, Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh, nay là Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ cũng đã đề nghị, chỉ đạo đối với các sở, ngành cấp tỉnh về việc hình thành hệ sinh thái (chính quyền – cơ sở đào tạo – doanh nghiệp).

Theo TS. Nguyễn Công Hào, Trưởng ban Đào tạo và Công tác sinh viên Đại học (ĐH) Huế, con số 10.000 nhân lực khá lớn. Để đảm bảo nguồn nhân lực CNTT cho tỉnh, có thể triển khai hình thức đào tạo chuyển đổi với hai dạng là người học xong ĐH những ngành gần với CNTT có thể học thêm một số khóa đào tạo ngắn hạn; hay sinh viên những ngành gần sau 1-2 năm đầu hoàn thành các học phần đại cương có thể chuyển đổi sang ngành CNTT. Để làm được điều này, cũng cần có sự phối hợp tốt giữa các bên liên quan, nhất là DN.

Sự kiên kết trong vấn đề đào tạo giữa các trường đại học như ĐH Khoa học, Kinh tế, cao đẳng Công nghiệp... với DN đã có, tuy vậy, theo đánh giá của UVTV Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Huế, ông Phan Thiên Định, trong bước đi dài hơi, DN và các trường cần có sự kết hợp hơn nữa.

Theo ông Định, phát triển CNTT đang được tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư, do đó, DN có thể đặt hàng đơn vị đào tạo những chương trình sát thực tế để có thể cung cấp ngay lực lượng nhân sự cho DN; khi đó, nhân lực tại các trường đại học sẽ đáp ứng được yêu cầu của DN, nếu DN cho họ thấy yêu cầu của mình và tương lai của họ ở trong đó.

Tại ĐH Huế, các trường ĐH đã thực hiện nhiều giải pháp thu hút, nâng cao chất lượng đào tạo sinh viên ngành CNTT; chương trình đào tạo sát với nhu cầu thực tiễn của DN.

Để chuẩn bị nguồn nhân lực, Trường ĐH Phú Xuân đã ký kết với các đơn vị đào tạo uy tín, hợp tác với CodeGym trong đào tạo chuyển đổi nghề và nâng cao năng lực học viên, cung cấp nhân sự cho các DN tại Huế; Khoa Công nghệ thông tin – Trường ĐH Khoa học Huế thay đổi chương trình đào tạo sát nhu cầu thực tiễn của DN, giảm thiểu các nội dung đào tạo hàn lâm, kết hợp với DN FPT (từ 2015); liên kết với các DN của tỉnh… nhằm thu hút cũng như nâng cao chất lượng việc đào tạo sinh viên ngành CNTT.

Nói về kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực CNTT nhằm phục vụ cho xã hội cũng như nhu cầu năng lực của tỉnh, TS. Đàm Quang Minh- Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Phú Xuân cho rằng, ngoài những giải pháp về tuyên truyền, tác động nhận thức để mọi người hiểu về CNTT, nhu cầu thực tế và các chính sách cần thiết để phát triển CNTT thì giữa các đơn vị đào tạo cần có sự đồng hành, sẻ chia, cùng phát triển.

“Trường cũng là đơn vị tiên phong trong việc ký kết chiến lược đào tạo nguồn nhân lực CNTT tại tỉnh và nhà trường đã ký kết với UBND tỉnh, các DN CNTT nhằm đảm bảo nguồn nhân lực mới cho các DN. Vì vậy, bên cạnh việc đào tạo chính quy, Trường ĐH Phú Xuân còn triển khai chương trình chuyển đổi nghề lập trình viên cho các sinh viên ngành khác”, ông Minh nói.

Đồng hành, chia sẻ

Thừa Thiên Huế đang trong top các địa phương dẫn đầu cả nước về các chỉ số ứng dụng CNTT cũng như đạt được một số thành tựu nổi bật đối với các ứng dụng về công nghệ. Tỉnh đã có những chính sách ưu đãi phù hợp để đẩy mạnh phát triển lĩnh vực CNTT, thu hút được nhiều cá nhân, DN trong và ngoài nước quan tâm đầu tư.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, ông Nguyễn Xuân Sơn cho biết, công nghiệp CNTT là chuyên ngành mũi nhọn cần tập trung chú trọng trong hướng nghiệp, đào tạo nhằm góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu ngày càng cấp thiết của nền kinh tế số đang phát triển mang tính toàn cầu. Để phát triển được 10.000 nhân lực về CNTT, phân bổ theo ngành nghề, trình độ, tỉnh đang tổ chức phát triển các chương trình liên kết, liên doanh để đào tạo, hướng tới các chương trình chuyển đổi nghề nghiệp, đồng thời xây dựng các cơ chế chính sách, rõ ràng, minh bạch, thông thoáng để thu hút và kêu gọi đầu tư về lĩnh vực CNTT một cách toàn diện.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ cho rằng, câu chuyện về đào tạo nguồn nhân lực CNTT không mới, chủ trương đã có, cách làm đã có nhưng rõ ràng đã thiếu sự kiên trì, đồng bộ giữa các bên. Trong đó, mấu chốt là giải quyết bài toán cung cầu thực sự hiệu quả. Phải có hệ sinh thái, trụ cột là chính quyền – doanh nghiệp - nhà trường. Phía cơ sở đào tạo cần điều chỉnh phương thức tuyển sinh và thay đổi chương trình đào tạo phù hợp với DN; còn phía DN cũng cần mạnh dạn đầu tư. Tỉnh sẵn sàng có các hỗ trợ cần thiết và phù hợp.

Bài, ảnh: Liên Minh

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/bao-gio-het-giat-gau-va-vai-ky-2-di-tim-loi-giai-a103750.html