Kinh tế Khoa học - công nghệ Bảo vệ 'tài nguyên' trù phú của vùng đất ngập nước
Việt Nam được công nhận là một trong 25 nước có đa dạng sinh học (ĐDSH) cao trên thế giới với nhiều kiểu hệ sinh thái, các loài sinh vật, nguồn gen phong phú và đặc hữu. Trong đó, có 3 nhóm hệ sinh thái: rừng trên cạn, đất ngập nước và hệ sinh thái biển. Riêng hệ sinh thái đất ngập nước rất phong phú, có ở hầu khắp các vùng miền.
Theo kết quả điều tra, tổng diện tích đất ngập nước của Việt Nam khoảng 11,948 triệu ha (chưa kể diện tích sông, suối ngập nước theo mùa và suối, điểm nước nóng, nước khoáng), chiếm 37% tổng diện tích đất tự nhiên của cả nước.
Mặc dù có tầm quan trọng to lớn trong việc duy trì hệ sinh thái, đảm bảo phát triển bền vững, song ĐDSH ở Việt Nam nói chung và các địa phương, bao gồm hệ sinh thái đất ngập nước đang đối mặt với nhiều thách thức. Tình trạng khai thác trái phép và quá mức tài nguyên sinh vật; hệ sinh thái tự nhiên và nơi cư trú của loài bị chia cắt, suy thoái; biến đổi khí hậu; sự xâm hại của các loài sinh vật ngoại lai... là những nguyên nhân đang đe dọa đến ĐDSH, vùng đất ngập nước. Ngoài ra, ô nhiễm môi trường và nhận thức, sự tham gia của người dân trong việc đồng quản lý chưa được phát huy cũng đang ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái tự nhiên và ĐDSH.
Để ngăn chặn đà suy giảm hệ sinh thái vùng đất ngập nước, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành “Kế hoạch hành động quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững các vùng đất ngập nước giai đoạn 2021- 2030”. Kế hoạch nhằm bảo tồn, sử dụng bền vững đa dạng sinh học và dịch vụ hệ sinh thái của các vùng đất ngập nước, góp phần phát triển bền vững kinh tế- xã hội, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và thực hiện các nghĩa vụ của Việt Nam là quốc gia thành viên tham gia Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (Công ước Ramsar). Phấn đấu đến năm 2025, cả nước có 13 khu đất ngập nước được công nhận là khu Ramsar và đến năm 2030 có 15 khu Ramsar.
Đến nay, đã có 47 vùng đất ngập nước được quy hoạch trên phạm vi toàn quốc. Trong đó, hiện đã có 9 vùng đất ngập nước được Ban thư ký Công ước Ramsar công nhận là các vùng đất ngập nước tầm quan trọng quốc tế. Giữa năm 2020, với nỗ lực của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như chính quyền địa phương, 2 khu bảo tồn đất ngập nước được thành lập, gồm: Khu Bảo tồn đất ngập nước Thái Thụy (Thái Bình) và Khu Bảo tồn đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai (Thừa Thiên Huế). Như vậy, trong 5 năm qua, Việt Nam có thêm 6 khu bảo tồn, 2 khu Ramsar và 10 vườn di sản ASEAN, nâng tổng số khu bảo tồn của Việt Nam lên 172.
Ở Thừa Thiên Huế, công tác bảo tồn thiên nhiên, ĐDSH và hệ sinh thái vùng đất ngập nước luôn được chính quyền địa phương quan tâm. Kết quả rõ nét nhất là việc thành lập Khu bảo tồn đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai và hình thành khu tràm chim Ô Lâu. Khu bảo tồn đất ngập nước Tam Giang - Cầu Hai được ví là “di sản thiên nhiên” ban tặng cho con người. Bởi, ngoài hệ sinh thái đa dạng, đây còn là nơi cung cấp nguồn sinh kế chính cho khoảng 500 ngàn người sống tại 44 xã thuộc 5 huyện, thị xã quanh đầm phá.
“Di sản thiên nhiên” này đang được chính quyền và người dân nỗ lực bảo tồn thông qua việc xây dựng và vận hành các công cụ quản lý, kiểm soát để phát triển bền vững, nhất là các hoạt động du lịch sinh thái, nghiêm cấm săn bắt chim trời, cấm khai thác nguồn lợi thủy sản mang tính hủy diệt và các dự án, hoạt động phát triển kinh tế có tác động tới môi trường...