Kinh tế Kinh tế Giảm áp lực cho doanh nghiệp

TTH - Xây dựng 'Hệ thống giải pháp quản lý rủi ro về theo dõi và giám sát hoạt động của doanh nghiệp (DN) tại địa phương' (hệ thống quản lý rủi ro DN) là một trong những chương trình đang được Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) phối hợp với Cục Thuế tỉnh triển khai với kỳ vọng cung cấp các cảnh báo sớm giúp DN hạn chế và ngăn chặn các hành vi vi phạm phạm luật về DN.

Chưa nắm hết các quy định của Luật là một trong những nguyên nhân dẫn đến những rủi ro cho doanh nghiệp (ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19)

Chưa nắm hết các quy định của Luật là một trong những nguyên nhân dẫn đến những rủi ro cho doanh nghiệp (ảnh chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19)

Nhiều rủi ro cho DN

Theo bà Lê Thị Hồng Mai, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh, Sở KH&ĐT, có rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn rủi ro có thể xảy ra trong hoạt động quản lý Nhà nước đối với DN, đòi hỏi cơ quan Nhà nước phải sớm có nhận diện, xác định được các hành vi có khả năng dẫn đến những nguy cơ, hậu quả rủi ro cho quản lý. Vì thế, việc xác định các tiêu chí rủi ro, phân loại mức độ rủi ro từ đó xây dựng được một quy trình quản lý DN theo nguyên tắc quản lý rủi ro là điều rất cần thiết.

Ví như, với hành vi vi phạm không báo cáo và không tiến hành thủ tục giải thể bắt buộc theo quy định cho thấy tỷ lệ DN vi phạm không báo cáo và không làm thủ tục giải thể bắt buộc theo quy định có xu hướng tăng dần từ loại hình công ty cổ phần (84%) đến công ty TNHH hai thành viên (85,71%), công ty TNHH một thành viên (91,43%), và đặc biệt DN tư nhân là 100%.

Kết quả khảo sát cũng cho thấy, nguyên nhân vi phạm việc báo cáo và tiến hành thủ tục giải thể bắt buộc chủ yếu là do DN bỏ địa chỉ kinh doanh nên không nhận được thông tin đối với tất cả các loại hình. Điều này cũng đã dẫn đến rất nhiều hệ lụy và khó khăn cho DN trong việc giải quyết quyền được Nhà nước tiếp tục cho thuê đất trong thời gian tới để hoạt động sản xuất kinh doanh.

Các DN hoạt động với rất nhiều rủi ro (ảnh minh họa, chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19)

Các DN hoạt động với rất nhiều rủi ro (ảnh minh họa, chụp trước thời điểm bùng phát dịch COVID-19)

Theo bà Mai, trước đây, Nghị định 96 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật DN 2014 đã giao nhiệm vụ cho UBND các tỉnh, thành phố có trách nhiệm trong việc xây dựng hệ thống quản lý rủi ro và giám sát hoạt động DN tại địa phương. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân, nhiều địa phương vẫn chưa triển khai, trong đó có Thừa Thiên Huế.

Mới đây, trên cơ sở hướng dẫn của Cục Đăng ký kinh doanh, Bộ KH&ĐT, UBND tỉnh giao Sở KH&ĐT phối hợp với Cục Thuế tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức xây dựng đề án hệ thống giải pháp quản lý rủi ro DN. Đề án này sẽ đáp ứng yêu cầu thực tiễn của các DN, giúp cảnh báo sớm để tránh xảy ra các hành vi vi phạm, cũng như giúp các cơ quan Nhà nước xác định được những lĩnh vực có rủi ro với mức độ nhất định, từ đó hỗ trợ cho việc ra quyết định xử lý rủi ro một cách hợp lý.

Xây dựng hệ thống dữ liệu dùng chung

Để thực hiện các giải pháp cảnh báo sớm, Sở KH&ĐT cùng với Cục Thuế tỉnh sẽ phối hợp với Trung tâm Công nghệ thông tin thực hiện kế hoạch xây dựng một phần mềm ứng dụng tích hợp vào hệ thống thông tin DN thực hiện gửi các tin nhắn tự động đến các DN, thiết lập các trường cập nhật dữ liệu, phản hồi thông tin và chia sẻ dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước. Trên cơ sở xây dựng quy chế liên thông giữa cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan thuế và các ngành liên quan sẽ cảnh báo sớm cho DN khi có những nguy cơ rủi ro, ngăn chặn ở mức thấp nhất các hành vi vi phạm.

Hiện các ngành đều có một cơ sở dữ liệu thông tin quản lý DN riêng, đây sẽ là tiền đề rất quan trọng trong thực hiện đề án trên.

Ông Cung Trọng Cường, Viện Trưởng Viện Nghiên cứu phát triển chia sẻ, quan trọng nhất trong thực hiện đề án chính là xây dựng hệ thống phần mềm với sự đồng bộ hệ thống dữ liệu của các ngành nhằm kịp thời cảnh báo các nguy cơ rủi ro cho DN. Phần mềm này sống được hay không còn phụ thuộc vào khả năng đồng bộ dữ liệu và dữ liệu này phải được cập nhật liên tục nhằm dự báo trước khả năng rủi ro, tạo ra môi trường đảm bảo công bằng cho DN.

Ngoài ra, khi hoàn thiện đề án cũng như phần mềm cần chú trọng công tác hướng dẫn cho DN; chuẩn hóa các tiêu chuẩn, quy trình để đảm bảo DN có thể tự thực hiện.

Tại hội nghị góp ý hoàn thiện đề án hệ thống quản lý rủi ro DN gần đây, đại diện Cục Hải quan tỉnh cho rằng, khi xây dựng đề án cũng như hệ thống hạ tầng dữ liệu liên quan cần quan tâm đến tính bảo mật cũng như tính an toàn dữ liệu nhằm đảm bảo an toàn thông tin DN. Bởi, mục đích cuối cùng của đề án này là nhằm hướng đến phục vụ DN để tạo ra môi trường đảm bảo công bằng trong hoạt động của các DN; đồng thời tạo thuận lợi cho các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan trong việc quản lý thông tin DN.

Bài, ảnh: Hoàng Loan

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/giam-ap-luc-cho-doanh-nghiep-a104538.html