Kinh tế Kinh tế Hội thảo trực tuyến 'Eurocham gặp gỡ các tỉnh khu vực miền Trung'
Ngày 3/6, Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) tổ chức Hội thảo trực tuyến 'EuroCham gặp gỡ các tỉnh khu vực miền Trung' năm 2022 (Hội thảo). Tham dự Hội thảo tại điểm cầu Thừa Thiên Huế có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương và đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành liên quan.
Với phương châm xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn tại Việt Nam, EuroCham luôn nỗ lực phối hợp chặt chẽ với Chính phủ và địa phương trong việc hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho cộng đồng doanh nghiệp hướng tới đạt được các mục tiêu chung; đẩy mạnh phục hồi hoạt động kinh doanh và phát triển kinh tế trong bối cảnh mới; nâng cao tính kết nối giữa cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam với các địa phương, đặc biệt tại tỉnh Thừa Thiên Huế.
Tỉnh Thừa Thiên Huế luôn xác định việc áp dụng các giải pháp mô hình kinh tế xanh thay thế cho mô hình kinh tế truyền thống, vừa phát triển kinh tế nhưng vẫn bảo vệ được môi trường, là một hướng tiếp cận quan trọng trong tăng trưởng kinh tế nhằm đạt được sự phát triển một cách toàn diện, bền vững tại địa phương.
Tại Hội thảo, tỉnh Thừa Thiên Huế đã giới thiệu những tiềm năng, cơ hội đầu tư vào các lĩnh vực du lịch; nông nghiệp, môi trường; điện, năng lượng; đồng thời quảng bá hình ảnh tỉnh Thừa Thiên Huế, một địa phương có thế mạnh về văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, xanh và thông minh. Cũng như trao đổi, thảo luận với các đại biểu để thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng kinh tế xanh trên địa bàn tỉnh nhà.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương cho biết, đến với Thừa Thiên Huế, các nhà đầu tư (NĐT) sẽ tìm thấy một vùng đất đang chuyển mình hòa nhịp cùng với sự phát triển, hội nhập với thế giới; là điểm đến với cơ hội rộng mở an toàn, thuận lợi. Trong đó, các NĐT sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi cao nhất theo khung quy định của luật pháp Việt Nam, được cụ thể hóa với các chính sách áp dụng đầu tư trên địa bàn tỉnh liên quan về: Ưu đãi về thuế; hỗ trợ cơ sở hạ tầng trong và ngoài phạm vi dự án; hỗ trợ rà phá bom, mìn, vật nổ; hỗ trợ đào tạo; hỗ trợ doanh nghiệp làm việc trong lĩnh vực công nghệ thông tin; và các ưu đãi, hỗ trợ khác theo lĩnh vực đầu tư;…
Bên cạnh đó, tỉnh Thừa Thiên Huế còn có môi trường đầu tư thông thoáng, tạo thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, đặc biệt nhờ vào các thành quả của việc xây dựng Chính quyền điện tử và đô thị thông minh (dẫn đầu cả nước), quy hoạch phân khu phủ kín tương đối cao, chỉ số PCI của tỉnh ngày càng cải thiện đáng kể, công tác chuyển đổi số, ứng dụng CNTT trong hỗ trợ đầu tư được triển khai hiệu quả.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương mong rằng, sau Hội thảo này, cũng như các địa phương khác trong khu vực, tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ được đón nhiều nhà đầu tư châu Âu đến khảo sát, tìm kiếm các cơ hội đầu tư, hợp tác tại tỉnh Thừa Thiên Huế, cùng nhau xây dựng một vùng đất không chỉ mang chiều sâu văn hóa lịch sử của Việt Nam mà còn văn minh hiện đại, hướng đến chất lượng cuộc sống tốt hơn.
Tin, ảnh: Lê Thọ