Kinh tế Mỹ: Đã đến lúc gióng lên hồi chuông cảnh báo về lạm phát?

Từ ô tô đã qua sử dụng, xăng dầu, gỗ đến thực phẩm đều tăng giá. Sự quay trở lại của lạm phát, sau một thời gian dài vắng bóng đang khiến các gia đình và doanh nghiệp phải chật vật phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Nền kinh tế Mỹ phát triển quá nóng và nỗi lo lạm phát đang ngày càng gia tăng. (Nguồn: Getty Images)

Nền kinh tế Mỹ phát triển quá nóng và nỗi lo lạm phát đang ngày càng gia tăng. (Nguồn: Getty Images)

Theo nhiều cách, giá cả hàng hóa cao hơn có thể được coi là bằng chứng cho thấy các chính sách kinh tế của Tổng thống Joe Biden đang phát huy tác dụng.

Bên cạnh đó, ciệc triển khai thành công vaccine ngừa Covid-19 đang cho phép các doanh nghiệp mở cửa trở lại và người Mỹ tiếp tục đi du lịch, chi tiêu và làm việc. Tăng trưởng kinh tế Mỹ đang được thúc đẩy bởi lãi suất chạm đáy và các biện pháp kích tài khóa chưa từng có trong lịch sử.

Hiện tại, rủi ro đối với Nhà Trắng là nền kinh tế phát triển quá nóng, nỗi lo lạm phát tại Mỹ gia tăng trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Joe Biden mạnh tay triển khai các gói kích thích kinh tế và giá cả một số mặt hàng tăng nhanh. Điều này buộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải hạ nhiệt bằng cách tăng lãi suất.

Kể từ tháng 3/2020, Fed đã cắt giảm mức lãi suất cho vay ngắn hạn xuống gần mức 0%/năm và bắt đầu mua vào ít nhất 120 tỷ USD trái phiếu mỗi tháng, nhằm cung cấp thanh khoản để thúc đẩy kinh tế phục hồi.

Một số khu vực trong nền kinh tế lo lắng rằng, Fed có thể đã duy trì những chính sách này quá lâu, khi xem xét tới mức độ cao của các gói kích thích kinh tế.

Rủi ro lạm phát là có thật

Larry Summers, Bộ trưởng Tài chính Mỹ thời Tổng thống Bill Clinton đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về lạm phát thông qua một loạt cảnh báo ngày càng cấp bách.

Trên tờ Washington Post, trong một bài báo có tiêu đề "Rủi ro lạm phát là có thật", ông Summers cho rằng, tăng trưởng quá nóng hiện là rủi ro chính mà nền kinh tế Mỹ phải đối mặt.

Rủi ro đối với Nhà Trắng là nền kinh tế phát triển quá nóng, nỗi lo lạm phát tại Mỹ gia tăng trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Joe Biden mạnh tay triển khai các gói kích thích kinh tế và giá cả một số mặt hàng tăng nhanh.

Ông Summers cho biết, Fed có thể cần phải bắt đầu thắt chặt chính sách và thúc giục chính quyền Biden thay đổi các chính sách khẩn cấp trước đây, bao gồm giải quyết tình trạng thiếu nhân lực ngày càng tăng.

Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ cũng lưu ý rằng, lạm phát tăng đột biến làm tổn thương người nghèo và có thể liên quan đến việc giảm lòng tin vào chính phủ.

Ông Summers nói: “Tin tốt là Fed và nhiều nhà kinh tế kỳ vọng, giá hàng hóa sẽ hạ nhiệt. Tuy nhiên, lạm phát thường gắn liền với khủng hoảng. Không ai thực sự biết lạm phát nhất thời hay sẽ tồn tại lâu. Chúng tôi chưa bao giờ giỏi trong việc dự báo. Và tôi hy vọng, lạm phát chỉ là tạm thời”.

Trái ngược với những lo lắng của Cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Summers, Nhà Trắng đang đẩy lùi những lo lắng lạm phát này. Một quan chức Nhà Trắng cho hay: "Chúng tôi cho rằng, sẽ có sự mất cân bằng tạm thời giữa cung và cầu. Đây là những dấu hiệu của sự hồi phục”.

Quan chức này thừa nhận, việc tắc nghẽn chuỗi cung ứng sẽ cần thời gian để giải quyết, nhưng không có dấu hiệu của việc giá cả hàng hóa sẽ tăng dai dẳng hoặc lạm phát dài hạn.

Vị quan chức này nhấn mạnh: "Nhóm của chúng tôi giám sát chặt chẽ áp lực lạm phát nhưng lạm phát trước hết nằm trong tầm ngắm của Fed”.

Tuy nhiên, lạm phát không chỉ là vấn đề của Fed.

Ông Randall Kroszner, cựu thống đốc Fed, hiện là phó hiệu trưởng tại Trường Kinh doanh Booth thuộc Đại học Chicago nhấn mạnh, Fed không phải là "người chơi" duy nhất.

Lạm phát tại Mỹ cũng được nhiều chuyên gia nhìn nhận tiếp tục có áp lực tăng.

Hiện nền kinh tế lớn nhất thế giới có triển vọng tăng trưởng mạnh, GDP quý I/2021 tăng 6,4%, sau khi tăng 4% trong quý IV/2020 (cả năm 2020 tăng trưởng âm 3,5%). Nhưng sự hồi phục không diễn ra đồng đều, một số bộ phận của nền kinh tế vẫn đang chật vật chống đỡ với các khó khăn, thách thức, hàng triệu người tiếp tục chịu cảnh thất nghiệp.

Giám đốc điều hành Honeywell Darius Adamczyk cũng cảnh báo, Washington cần chú trọng đến vấn đề việc làm nhiều hơn nữa khi nền kinh tế đang nóng lên. Ông Adamczyk khẳng định: “Chúng tôi đang chứng kiến mức lạm phát đáng kể. Nó chắc chắn ở đây”.

"Liều thuốc" của Tổng thống Biden đang quá mạnh?

Greg Valliere, chiến lược gia chính sách của Mỹ tại AGF Investments cho biết: “Nếu chúng ta thấy giá xăng và giá thực phẩm tăng mạnh, điều đó có thể trở thành vấn đề đối với đảng Dân chủ vào năm 2022. 'Liều thuốc’ tiền tệ và tài chính của Tổng thống Biden có thể đang quá mạnh”.

Trong tháng 3/2021, Thượng viện đã thông qua gói cứu trợ 1.900 tỷ USD và gần đây, chính quyền Tổng thống Joe Biden chuẩn bị một kế hoạch chi tiêu trị giá 3.000 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng và 4.000 tỷ cho Kế hoạch Việc làm Mỹ và Kế hoạch Gia đình Mỹ.

Sự trở lại của lạm phát cũng làm suy yếu những nỗ lực của Tổng thống Biden nhằm giảm bớt bất bình đẳng. Bởi giá các mặt hàng thiết yếu cao hơn là điều khó chịu nhất đối với các gia đình có thu nhập thấp, những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch.

Một điều đáng lo ngại là kỳ vọng lạm phát của các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng đang tăng mạnh. Mọi người không còn hy vọng giá hàng hóa có thể trong tầm kiểm soát. Đó là một vấn đề lớn.

Aneta Markowska, chuyên gia kinh tế trưởng tại Jefferies nhận định: “Chúng ta bắt đầu nhận thấy sự thay đổi tâm lý xung quanh lạm phát. Nếu mọi người tin rằng áp lực giá sẽ kéo dài, điều đó sẽ thay đổi hành vi của người tiêu dùng”.

Những thay đổi hành vi như vậy có thể biến thành một vòng luẩn quẩn, với việc các doanh nghiệp dự trữ nhiều hàng hóa hơn và người tiêu dùng sẽ mạnh tay mua nhiều hàng hóa và tích trữ vì lo ngại giá sẽ tiếp tục tăng. Điều sẽ củng cố thêm áp lực lạm phát.

Geoff Freeman, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Thương hiệu Tiêu dùng, nhóm thương mại đại diện cho ngành thực phẩm, đồ uống và sản phẩm tiêu dùng trị giá 2,1 nghìn tỷ USD cho biết, chi phí của mọi thứ đang tăng lên, từ vận chuyển, xe tải, đường sắt đến đường biển...

Ông Freeman đã trực tiếp viết thư gửi Nhà Trắng và cảnh báo về một "cơn bão hoàn hảo" về nhu cầu tăng cao và chi phí gia tăng, đồng thời, thúc giục chính quyền Tổng thống Biden đánh giá lại các đề xuất về quy định và thuế, thực hiện các bước để giảm bớt tình trạng thiếu xe tải đang ảnh hưởng đến nền kinh tế Mỹ.

Vị Giám đốc này nhấn mạnh: “Hãy để thoát một ít hơi nước ra khỏi hệ thống trước khi nó quá nóng”.

Tương tự như Giám đốc Freeman, Cựu Bộ trưởng Tài chính Summers cũng thúc giục Tổng thống Biden điều chỉnh lại các chính sách, gói kích thích tài chính.

"Lương tối thiểu cao hơn, công đoàn được củng cố, tăng lợi ích cho nhân viên và tăng cường quy định đều là mong muốn, nhưng chúng cũng đẩy chi phí kinh doanh và giá cả lên cao", cựu Bộ trưởng Tài chính viết trong bài viết hôm thứ Hai.

(theo CNN)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kinh-te-my-da-den-luc-giong-len-hoi-chuong-canh-bao-ve-lam-phat-146524.html