Kinh tế Mỹ tăng trưởng đạt mức 6,9% trong quý 4/2021
Các nhà kinh tế kỳ vọng đà tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục mở rộng trong thời gian tới, với thị trường lao động thắt chặt và các khoản tiết kiệm lớn giúp các hộ gia đình chống lại lạm phát cao.
Báo cáo cập nhật của Chính phủ Mỹ ngày 30/3 cho hay, nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng mạnh mẽ trong quý 4/2021, nhưng đà tăng trưởng này đã chậm lại đáng kể giữa bối cảnh số ca nhiễm mới dịch COVID-19 gia tăng đột biến vào đầu năm nay, chuỗi cung ứng tiếp tục gián đoạn và lạm phát leo dốc.
Trong báo cáo điều chỉnh lần thứ ba của Bộ Thương mại Mỹ về tăng trưởng kinh tế quý 4/2021, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý 4/2021 đạt mức 6,9%, giảm nhẹ so với dữ liệu ước tính được đưa ra hồi tháng Hai vừa qua là 7%.
Nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng trưởng với tốc độ 2,3% trong quý 3/2021, cao hơn 3,1% so với mức trước đại dịch.
Các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters kỳ vọng mức tăng trưởng GDP quý 4/2021 sẽ được điều chỉnh lên mức 7,1%, song việc sửa đổi chỉ số GDP quý 4 đã phản ánh sự suy giảm chi tiêu tiêu dùng và xuất khẩu của Mỹ.
Trong cả năm 2021, nền kinh tế Mỹ ghi nhận mức tăng trưởng 5,7%, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 1984, sau khi Chính phủ tung ra các gói cứu trợ liên quan đến đại dịch trị giá gần 6.000 tỷ USD. Chỉ một năm trước đó, vào năm 2020, nền kinh tế Mỹ đã chứng kiến mức sụt giảm 3,4%, mức giảm mạnh nhất trong 74 năm.
Đại dịch COVID-19 đã góp phần vào việc cắt giảm chi tiêu cũng như làm gián đoạn hoạt động của các nhà máy sản xuất và công ty dịch vụ tại Mỹ hồi đầu năm nay.
Mặc dù hiện tình trạng lây nhiễm dịch đã giảm đáng kể, dẫn đến việc Chính phủ nới lỏng các biện pháp hạn chế trên toàn quốc, song lạm phát của Mỹ vẫn đang tăng vọt, còn các chuỗi cung ứng vẫn trong tình trạng tắc nghẽn.
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) mới đây đã nâng lãi suất chủ chốt thêm 0,25 điểm phần trăm, đánh dấu lần tăng lãi suất đầu tiên trong hơn ba năm và báo hiệu một lập trường “diều hâu” trong chính sách tiền tệ khiến thị trường trái phiếu lo ngại suy thoái sẽ xảy ra.
Lần đầu tiên kể từ tháng 9/20219, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ hạ xuống thấp hơn lợi suất trái phiếu kỳ hạn hai năm trong ngày 29/3, điều này cho thấy giới đầu tư đang có triển vọng bi quan và không muốn cam kết đồng tiền của mình.
Sự chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm và 2 năm hiện chỉ còn khoảng 0,2%, so với khoảng 1,5% thời điểm một năm trước.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho biết, việc Fed nắm giữ một lượng lớn trái phiếu và chứng khoán được bảo đảm bằng thế chấp khiến khó có thể thấy rõ hướng đi của đường cong lợi suất.
Một đường cong lợi suất đảo ngược thường được xem là một dấu hiệu cho thấy giới đầu tư đang lo ngại về tương lai gần hơn là dài hạn, khiến lãi suất của các loại trái phiếu kỳ hạn ngắn tăng lên cao hơn lãi suất của các loại trái phiếu kỳ hạn dài.
Dù hiện tại đường cong lợi suất vẫn chưa đảo ngược, nhưng hiện tượng này sắp diễn ra. Và đây không phải là một điều đáng ngạc nhiên, khi xét đến tác động của căng thẳng Nga-Ukraine, và những hệ quả về kinh tế của nó, đối với nền kinh tế toàn cầu.
Các nhà kinh tế kỳ vọng đà tăng trưởng kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục mở rộng trong thời gian tới, với thị trường lao động thắt chặt và các khoản tiết kiệm lớn giúp các hộ gia đình chống lại lạm phát cao.
Cũng theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ, lợi nhuận doanh nghiệp nước này tăng trưởng chậm lại đáng kể trong quý 4/2021, do hoạt động kinh doanh của các tập đoàn tài chính trong nước bị suy yếu. Lợi nhuận của các tập đoàn phi tài chính trong nước và quốc tế cũng chỉ tăng ở mức vừa phải./.