Kinh tế Nhật Bản sẽ trôi về đâu? - Bài 2: Hy vọng hồi phục đang tan biến

Sau khi nền kinh tế Nhật Bản rơi vào suy thoái vì dịch COVID-19, chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe đã mạnh tay tung ra hàng loạt gói cứu trợ lớn chưa từng có để vực dậy nền kinh tế.

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 31/7/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 31/7/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Tuy nhiên, đúng vào lúc hy vọng về sự phục hồi kinh tế bắt đầu nhen nhóm, sóng COVID-19 lại nổi lên, con sóng này dường như còn dữ dội hơn so với trước đó. Nhiều người lo ngại nếu dịch bệnh tiếp tục lan rộng, nỗ lực hồi sinh nền kinh tế của Thủ tướng Abe sẽ thất bại.
*Chưa có trong tiền lệ
Trong thời gian qua, để đối phó với các tác động tiêu cực của dịch COVID-19, chính quyền của Thủ tướng Abe đã thực hiện các biện pháp quyết liệt chưa từng có. Chỉ trong một thời gian ngắn, Chính phủ đã liên tục trình lên Quốc hội các dự thảo ngân sách khổng lồ để tài trợ các gói biện pháp kích cầu và hỗ trợ nền kinh tế.

Các dự thảo ngân sách này đều đã được Quốc hội thông qua, cụ thể gồm: ngân sách cho tài khóa 2020 trị giá 102.658 tỷ yen, cao nhất từ trước tới nay (thông qua ngày 27/3), ngân sách bổ sung thứ 1 trong tài khóa 2020 trị giá 25.690 tỷ yen (ngày 30/4); ngân sách bổ sung thứ 2 trong tài khóa 2020 có giá trị cao kỷ lục 31.910 tỷ yen (ngày 12/6). Đó là chưa kể dự thảo ngân sách bổ sung trong tài khóa 2019 trị giá 4.470 tỷ yen mà Quốc hội đã thông qua từ cuối tháng 1.
Với nguồn tiền khổng lồ đó, Chính phủ Nhật Bản đã triển khai hàng loạt chương trình để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp như chương trình trợ cấp trực tiếp cho người dân bằng tiền mặt, chương trình hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp, chương trình trợ cấp cho người lao động ở các doanh nghiệp phải tạm thời đóng cửa vì dịch bệnh, chương trình trợ cấp thất nghiệp cho người lao động bị mất việc hay chương trình kích cầu du lịch nội địa “Go To Travel”…
Trong nỗ lực phối hợp chính sách với Chính phủ, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã liên tiếp đưa ra các biện pháp khá táo bạo cho dù dư địa cho các chính sách tiền tệ không còn nhiều.

Trong cuộc họp bất thường hôm 22/5, BoJ đã quyết định bơm thêm 30.000 tỷ yen để hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp khó vì dịch COVID-19. Bên cạnh đó, BoJ cũng quyết định kéo dài thời gian thực hiện chương trình mua trái phiếu công ty và thương phiếu với hạn mức tối đa 20.000 tỷ yen/năm thêm 6 tháng cho tới cuối tháng 3/2021.
Trước đó, trong cuộc họp chính sách định kỳ hôm 27/4, BoJ đã nhất trí “mua vào một khối lượng cần thiết trái phiếu Chính phủ Nhật Bản mà không áp đặt mức trần”, đồng thời tăng gấp gần 3 lần khối lượng trái phiếu công ty và thương phiếu mà ngân hàng trung ương này có thể mua với mục đích hỗ trợ thanh khoản cho các tập đoàn lớn.
*Kế hoạch đảo lộn
Nhờ các biện pháp quyết liệt đó của Chính phủ và BoJ, “con tàu kinh tế Nhật Bản” đã bớt rung lắc. Thậm chí, những hy vọng về khả năng nền kinh tế sẽ sớm phục hồi đã bắt đầu xuất hiện. Hôm 22/7, Văn phòng Nội các Nhật Bản đã lần thứ 2 liên tiếp nâng cấp đánh giá về tình hình kinh tế trong nước. Theo cơ quan này, tình hình kinh tế Nhật Bản vẫn xấu do tác động của dịch COVID-19 nhưng “đang có dấu hiệu phục hồi”.

Có tới 6 trong số 11 chỉ số, đặc biệt là chi tiêu dùng cá nhân, đã cải thiện so với tháng trước đó. Riêng đối với xuất khẩu, Văn phòng Nội các cho rằng kim ngạch xuất khẩu đã “chạm đáy”, thay cho nhận định “giảm nhanh” trong tháng Sáu.
Kết quả của một số cuộc khảo sát gần đây cũng phản ánh những hy vọng về sự phục hồi này. Chẳng hạn, trong cuộc thăm dò do Văn phòng Nội các thực hiện trong thời gian từ 25 đến 30/6, tâm lý kinh doanh của các lao động có công việc nhạy cảm với các xu hướng kinh tế như lái xe taxi hay nhân viên nhà hàng (được gọi là những người quan sát kinh tế) đã tăng cao kỷ lục sau khi tình trạng khẩn cấp được dỡ bỏ.

Chỉ số khuếch tán niềm tin trong số những “người quan sát kinh tế” này đã tăng từ mức thấp kỷ lục 7,9 điểm trong tháng 4/2020 lên 23,3 điểm trong tháng Năm và 38,8 trong tháng Sáu. Đây là mức tăng cao nhất kể từ khi Nhật Bản bắt đầu tiến hành đo lường chỉ số này vào tháng 1/2002.
Tuy nhiên, đúng vào lúc “ánh sáng đã bắt đầu le lói ở cuối đường hầm”, sóng COVID-19 mới lại nổi lên và đang đe dọa đảo lộn kế hoạch phục hồi kinh tế của Thủ tướng Abe. Các số liệu thống kê mới nhất cho thấy tốc độ lây lan của virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 đang tăng nhanh.

Cụ thể, sau khi Nhật Bản phát hiện bệnh nhân đầu tiên vào ngày 16/1, số ca mắc COVID-19 ở nước này chỉ vượt ngưỡng 10.000 người sau ba tháng (vào ngày 16/4). Tuy nhiên, con số này đã nhanh chóng vượt ngưỡng 20.000 vào ngày 3/7 và 30.000 vào ngày 25/7.

Tại thời điểm hiện nay, số người mắc COVID-19 đã vượt ngưỡng 40.000. Nhiều người lo ngại việc số ca mắc COVID-19 tăng nhanh ở khắp các tỉnh, thành, trong đó có những trung tâm kinh tế như Tokyo, Osaka, Aichi và Fukuoka, có thể khiến Thủ tướng Abe phải tái ban bố tình trạng khẩn cấp. Nếu điều đó xảy ra, hy vọng về một sự phục hồi thần kỳ của kinh tế Nhật Bản sẽ vụt tắt.
Ông Shinichiro Kobayashi, chuyên gia kinh tế của Công ty Nghiên cứu và Tư vấn Mitsubishi UFJ, nhận định nếu số ca mắc COVID-19 tiếp tục tăng, điều đó “có thể khiến tâm lý của người tiêu dùng xấu đi. Họ sẽ lo lắng hơn về nguy cơ nhiễm virus hoặc lây virus sang người khác. Và khi đó, họ sẽ tự nguyện hạn chế không đi ra ngoài và không chi tiêu”.
Trong khi đó, chuyên gia Takuto Murase của Viện Nghiên cứu Nhật Bản nói sự sụt giảm về chi tiêu dùng có thể sẽ không tồi tệ như giai đoạn tháng Tư và Năm. Tuy nhiên, sự phục hồi kinh tế của Nhật Bản sẽ chậm hơn so với dự báo. Chuyên gia này cũng cho rằng do tình trạng khẩn cấp trước đây đã gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế nên Chính phủ sẽ không muốn tái ban bố tình trạng khẩn cấp.
Mặc dù vậy, nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, không loại trừ khả năng Thủ tướng Abe sẽ phải ban bố tình trạng khẩn cấp một lần nữa để ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Nếu điều đó xảy ra, chắc chắn “con tàu kinh tế Nhật Bản” sẽ lại rung lắc dữ dội vì sóng COVID-19./.

Đào Tùng (P/v TTXVN tại Tokyo)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/kinh-te-nhat-ban-se-troi-ve-dau-bai-2-hy-vong-hoi-phuc-dang-tan-bien/165109.html