Kinh tế | Ocop Lai Châu TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh
Nhờ khai thác tiềm năng, lợi thế, xã Bình Lư (huyện Tam Đường) đã có nhiều đột phá trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Từ đó, từng bước góp phần nâng cao tiêu chí thu nhập, thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển.
Để tạo bước đột phá nâng cao tiêu chí thu nhập, thời điểm tháng 11 này, nông dân tại các bản Hoa Lư, Thống Nhất và Vân Bình (xã Bình Lư) đang vào vụ sản xuất miến dong. Mỗi ngày, người dân cung cấp cho tư thương hàng chục tấn miến dong. Toàn xã có trên 100 hộ dân duy trì hiệu quả hoạt động kinh doanh miến. Các hộ sản xuất miến dong, thu lãi từ 30 triệu đến hàng trăm triệu đồng/năm.
Hơn 20 năm gắn bó với nghề làm miến dong truyền thống, gia đình anh Trần Duy Tôn (ở bản Thống Nhất) thường xuyên cải tiến công nghệ sản xuất miến dong sợi nhỏ, năng suất, lợi nhuận năm sau luôn cao hơn năm trước. Hiện nay, anh đang sử dụng máy sản xuất miến nằm (thay cho máy đứng trước đây), trị giá hơn 100 triệu đồng với công suất 70kg/ngày/2 lao động. Từ công nghệ hiện đại mới, gia đình anh thành công với sản xuất, kinh doanh miến dong. Mỗi năm, anh thu lãi trên 100 triệu đồng. Anh Tôn vui vẻ khoe: “Trước đây, gia đình tôi khó khăn do sản xuất miến dong thủ công; gieo trồng ngô, lúa và nuôi lợn thịt nhỏ lẻ, thu nhập thấp. Thời gian gần đây, được xã tín chấp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho gia đình tôi vay vốn ưu đãi đầu tư máy móc hiện đại phục vụ sản xuất miến dong theo hướng hàng hóa. Miến dong sản xuất đến đâu, tư thương đặt mua hết đến đó với giá ổn định 55 nghìn đồng/kg. Nhờ đó, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình”.
Trên đường đến thăm một số mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao của bản Nà Phát, chúng tôi thấy bà con nuôi nhốt gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa. Mỗi hộ dân nơi đây tận dụng đất đai, nguồn nước chuyển đổi việc chăn nuôi, trồng trọt nhỏ lẻ sang nuôi, trồng theo hướng hàng hóa. Hiện, 100% hộ dân gieo cấy giống lúa séng cù, tám thơm, năng suất, chất lượng cao thay cho giống lúa địa phương trước đây. Một số hộ dân đã chuyển đổi diện tích ruộng 1 vụ lúa sang nuôi 2,5ha cá thịt thương phẩm. Nhiều hộ chuyển đổi từ nuôi nhốt gia súc sang nuôi từ 200 - 500 con gà, vịt/lứa. Nhờ đó, bản giảm hẳn tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 1 hộ năm 2021. Theo nhiều hộ dân ở bản Nà Phát, thành công lớn nhất là cả bản chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xây dựng mô hình chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả; đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp, giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao. Đến nay, bản có hơn 20 mô hình vườn - ao - chuồng cho thu lãi trên 100 triệu đồng mỗi năm.
Đến xã Bình Lư thời điểm này, ai cũng dễ dàng cảm nhận được quê nghèo trước đây, nay đang trên đà khởi sắc. Toàn xã có 1.220 hộ với 5.257 nhân khẩu, chủ yếu dựa vào sản xuất nông, lâm nghiệp với tổng sản lượng 3.711 tấn lương thực/năm. Để người dân nâng cao thu nhập từ sản xuất nông nghiệp, xã định hướng cho bà con chăn nuôi, trồng trọt theo hướng hàng hóa; chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi; đưa cơ giới vào sản xuất nhằm giải phóng sức lao động. Đồng thời, chỉ đạo các đoàn thể phối hợp với các ngân hàng tạo điều kiện thuận lợi cho bà con vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh. Xã duy trì và phát triển thành công làng sản xuất miến dong. Sản phẩm miến dong của xã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Nhờ khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh địa phương, toàn xã có hơn 300 hộ kinh doanh, hơn 200 trang trại tổng hợp và 300 gia trại chăn nuôi gia súc, gia cầm đem lại thu nhập cao.
Hiện nay, hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn xã đã được đổ bê tông sạch đẹp thay cho đường đất lầy lội trước đây. Nhà ở bà con được đầu tư tu sửa, xây mới khang trang, kiên cố. Nhiều mô hình chăn nuôi, trồng trọt theo hướng hàng hóa góp phần nâng cao thu nhập gia đình. Các công trình nông thôn mới (nhà văn hóa, thủy lợi, trường học, trạm y tế) sau khi xây dựng đưa vào sử dụng đạt hiệu quả. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện và nâng lên.
Ông Hoàng Văn Phưởng - Chủ tịch UBND xã Bình Lư cho biết: “Để tăng thêm thu nhập, xã Bình Lư tuyên truyền, vận động nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt; phòng trừ sâu bệnh cho cây trồng, vật nuôi, định hướng cho người dân chăn nuôi gia súc, gia cầm theo mô hình gia trại, trang trại, bảo đảm vệ sinh môi trường. Xã quan tâm, định hướng cho bà con làng miến nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường. Với các giải pháp trên, xã có thu nhập bình quân đầu người đạt 33 triệu đồng/người/năm 2020; dự kiến năm 2021 đạt 35 triệu đồng/người”.
Với kết quả trên, thời gian tới, Bình Lư tiếp tục nhân rộng thương hiệu miến dong OCOP 3 sao, tái đàn lợn thịt, đưa lĩnh vực nông nghiệp của xã phát triển.