Kinh tế quý I/2025: Khi địa phương vẽ lại bản đồ tăng trưởng
Tăng trưởng kinh tế quý I của nhiều địa phương đã vượt kịch bản đề ra từ đầu năm, tạo đà cho việc hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế của năm 2025.
Từ con số đến chất lượng, nhiều địa phương đang trưởng thành
Không phải ngẫu nhiên mà những con số tăng trưởng kinh tế quý I/2025 tại nhiều tỉnh, thành phố khiến giới quan sát bất ngờ. Trong khi thế giới còn ngổn ngang với các rủi ro địa chính trị, lạm phát và biến động chuỗi cung ứng, thì ở Việt Nam, nhiều địa phương đã vượt qua các kịch bản tăng trưởng thận trọng từ đầu năm để tạo ra những cú bứt phá kinh tế đầy ngoạn mục. Đây không đơn thuần là may mắn mà là kết quả của sự chuyển động chủ động, dứt khoát và linh hoạt từ nội tại.
Kết quả tăng GRDP vừa được Bộ Tài chính công bố cho thấy, bức tranh tăng trưởng kinh tế quý I/2025 ghi nhận nhiều điểm sáng, đặc biệt là sự bứt phá của các địa phương được giao nhiệm vụ, và cả những địa phương lần đầu ghi danh trong “bảng vàng”.
Theo đó, góp phần vào mức tăng 6,93% GDP của cả nước, được xem là cao nhất trong cùng kỳ 5 năm trở lại đây, thì đã có 26 tỉnh, thành đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng theo kịch bản, và một phần ba trong số này ghi nhận GRDP ở mức hai chữ số. Trong 9 địa phương có mức tăng từ 10% trở lên, ngoài những tên tuổi đã được ghi nhận như Bắc Giang (13,82%), Đà Nẵng (11,36%) Hải Phòng (11,07%), Quảng Ninh (10,91%), Nam Định (11,86%), Hà Nam (10,54%), cũng có địa phương lần đầu ghi danh “bảng vàng” như Hòa Bình (12,76%), Lai Châu (11,32%)…

Tăng trưởng không chỉ đến từ các khu công nghiệp lớn, mà còn từ các doanh nghiệp nhỏ đang phục hồi. Ảnh minh họa
Cùng với đó, có 18 địa phương đạt mức tăng 8-10%; 16 địa phương đạt 7-8%. Chủ động thiết kế kịch bản, quyết liệt thực thi kịch bản đó là “từ khóa” để các địa phương đảm bảo tăng trưởng quý I/2025. Không ít địa phương đã hành động, bước vào "cuộc đua tăng tốc" ngay từ ngày đầu, tháng đầu của năm 2025. Thay vì chờ đợi dòng vốn từ Trung ương, chờ doanh nghiệp lớn “gõ cửa”, nhiều tỉnh thành đã chủ động xây dựng các tổ công tác đặc biệt, "đi từng ngõ, gõ từng cửa" doanh nghiệp, không để mất thời gian vào những thủ tục rườm rà hay chần chừ trong phê duyệt.
Những bản kế hoạch tăng trưởng năm 2025 không còn là tài liệu trên bàn giấy mà trở thành kim chỉ nam cho hành động, cùng với những cam kết bằng hành động cụ thể như ban hành nghị quyết riêng về thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tháo gỡ khó khăn về cơ chế, giải quyết thủ tục đầu tư trong phạm vi tỉnh, thành, có những địa phương dành cả tháng 2 để “dọn tổ đón đại bàng”.
Thực tế của bức tranh tăng trưởng quý I/2025 cho thấy không đến từ may rủi, mà từ nội lực được kích hoạt. Ở nhiều tỉnh công nghiệp như Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Nam, sự bứt phá không phải vì có FDI “rót vào ngẫu nhiên”, mà bởi chính quyền địa phương đã chủ động “bơm máu” cho khu vực sản xuất bằng các gói hỗ trợ hạ tầng, tín dụng xanh, và chính sách giữ chân lao động. Đơn cử như Bắc Giang, động lực tăng trưởng chính của tỉnh này đến từ khu vực công nghiệp - xây dựng với mức tăng tới 17,24% trong quý đầu năm và chỉ số sản xuất (IIP) tăng xấp xỉ 26,6% so với cùng kỳ; thu hút vốn đầu tư ghi nhận con số 680 triệu USD. Đây thực sự là những con số ấn tượng trong bối cảnh sản xuất toàn cầu đang phục hồi chậm, và cho thấy không chỉ là đà phục hồi, mà là sự tăng tốc thực sự về năng lực nội tại.
Tăng trưởng không chỉ đến từ các khu công nghiệp lớn, mà còn từ các doanh nghiệp nhỏ đang phục hồi. Nhiều địa phương trước đây phụ thuộc vào những tập đoàn đa quốc gia lớn thì nay đã có thêm lớp doanh nghiệp nội vươn lên làm vệ tinh cung ứng, như Nam Định, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nam… Sự phát triển theo chiều sâu đang hình thành rõ nét hơn bao giờ hết.
Đáng chú ý, cơ cấu tăng trưởng cũng đang thay đổi theo hướng bền vững hơn. Dịch vụ tăng tỷ trọng, công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là trụ cột như Hà Nam với mức tăng công nghiệp và xây dựng là động lực chính, với mức tăng gần 12%, nhưng đi kèm là tín hiệu tích cực từ khu vực nông nghiệp công nghệ cao và du lịch địa phương hồi phục sớm như Bắc Ninh với động lực tăng trưởng đến từ dịch vụ tăng tới 9,78%.
Cần định hình tư duy “nghĩ lớn, làm thật”
Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận, trong khi nhiều địa phương bứt phá tăng trưởng mạnh mẽ, cũng có không ít địa phương vẫn tồn tại một số “điểm yếu dai dẳng” đòi hỏi phải nhận diện rõ và xử lý dứt khoát. Nếu không, đà tăng trưởng hiện tại dễ bị "đứt gãy" từ giữa năm trở đi.
Báo cáo của Bộ Tài chính chỉ ra rằng, có tới 37 địa phương không đạt mức tăng theo kịch bản từ đầu năm và trong số này có 20 địa phương có mức tăng trưởng dưới 7%. Nguyên nhân được cho là giải ngân đầu tư công thấp: Nhiều địa phương vẫn chưa giải ngân được quá 20% kế hoạch vốn đầu tư công quý I, đặc biệt là ở các công trình hạ tầng giao thông lớn. Một số địa phương có tình trạng “tiền sẵn, đất có, nhưng thủ tục vẫn… chưa xong” - khiến dòng vốn chậm đi vào thực tế, ảnh hưởng đến lan tỏa tăng trưởng. Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp chưa bứt phá, thương mại dịch vụ tăng chậm…
Thực tế này cho thấy cần sự thay đổi mạnh mẽ, quyết liệt hơn. Các chuyên gia kinh tế nhận định, bức tranh tăng trưởng GRDP của nhiều địa phương còn phản ánh một sự chuyển mình âm thầm nhưng mạnh mẽ đang diễn ra, đó là lãnh đạo địa phương không còn chỉ là người "ký công văn" mà còn là những “CEO tỉnh”. Nhiều bí thư, chủ tịch tỉnh đã trực tiếp chỉ đạo xúc tiến đầu tư, dẫn đoàn sang nước ngoài tìm kiếm đối tác, gặp gỡ doanh nghiệp thông qua các buổi “cà phê với doanh nhân để lắng nghe tâm tư, giải đáp thắc mắc để môi trường đầu tư của địa phương thực sự trải thảm đỏ chứ không phải “trên thảm dưới gai”.
Tư duy quản trị công đã dịch chuyển từ "quản lý" sang "phục vụ" là một trong những yếu tố góp phần vào tăng trưởng GRDP của các địa phương và làm nên bức tranh tăng trưởng chung nhiều mảng sáng của nền kinh tế.
Chính sự thay đổi tư duy này đã tạo nên môi trường đầu tư, kinh doanh thân thiện hơn, cạnh tranh hơn. Các tỉnh không chỉ cạnh tranh với nhau về vốn FDI, mà còn cạnh tranh để giữ chân người tài, cải thiện chất lượng sống và thúc đẩy phát triển bền vững.
Từ “vượt chỉ tiêu” đến “vượt trội tư duy” đang diễn ra sôi nổi ở các địa phương với tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, tất cả hướng tới một mục tiêu để đất nước vươn mình vững vàng trong kỷ nguyên mới, không thể không nhắc tới một thực tế là hiện nay các địa phương đang ngày càng “nghĩ lớn, làm thật”, không còn tư duy "ăn xổi", “có chỉ tiêu là đủ”. Nhiều tỉnh, thành bắt đầu đặt mục tiêu phát triển kinh tế đi kèm với cải thiện chất lượng sống, tăng trưởng xanh, số hóa chính quyền và năng suất lao động. Đây chính là sự vượt trội về tư duy, mà nếu được lan tỏa trên bình diện quốc gia, sẽ là cú hích cho toàn bộ nền kinh tế Việt Nam.
Còn sớm để nói về thành công cả năm, nhưng một điều chắc chắn rằng, chặng khởi động của quý 1/2025 có thể xem là bước đà cho nền kinh tế, và nếu các địa phương tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng như quý I thì Việt Nam hoàn toàn có thể đạt mục tiêu tăng GDP 8% của năm nay. Và những bài học thành công từ các địa phương tăng trưởng nhanh cần được chia sẻ và nhân rộng. Đó là bài học về dám hành động, dám đổi mới, và nhất là dám từ bỏ tư duy cũ kỹ, trì trệ.
Tại Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 10/4/2025 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2025 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương vừa ban hành, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu: Chủ tịch UBND 37 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP quý I/2025 theo kịch bản đề ra phối hợp với Bộ Tài chính để rà soát, làm rõ nguyên nhân, đề xuất giải pháp và điều chỉnh lại kịch bản tăng trưởng GRDP để thực hiện trong các tháng, quý tiếp theo của năm 2025, bảo đảm đạt mục tiêu Chính phủ giao tại Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 5/2/2025.