Kinh tế tập thể chuyển biến mạnh mẽ

Sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh Tuyên Quang lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã tạo 'luồng gió' mới cho kinh tế tập thể, kinh tế Hợp tác xã. Mô hình kinh tế này đã thay đổi theo xu thế hiện đại, sản xuất theo chuỗi hàng hóa, theo chuỗi liên kết, xây dựng được nhiều 'thương hiệu' riêng có.

Chuyển biến mạnh mẽ về chất

Những năm gần đây, kinh tế tập thể, kinh tế HTX của tỉnh đã chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng vì thực hiện mô hình HTX kiểu mới. Kinh tế HTX không còn bó hẹp ở một loại hình dịch vụ mà đã phát triển theo hướng đa dạng dịch vụ, minh bạch tài chính, liên kết sâu rộng tạo ra khối kinh tế tập thể mạnh với nhiều sản phẩm đa dạng, có thương hiệu riêng, góp phần quan trọng trong sản xuất nông lâm nghiệp hàng hóa của tỉnh. Đặc biệt kinh tế tập thể, kinh tế HTX đã được người trẻ quan tâm hơn, nhiều thanh niên đã chọn con đường phát triển HTX khởi nghiệp thành công.

Anh Bùi Văn Hoàng, thôn Đồng Phai, xã Hợp Hòa (Sơn Dương) đã khởi nghiệp thành công từ đứng ra thành lập HTX Dịch vụ sản xuất, chế biến Nông lâm nghiệp Hợp Hòa gắn liền với việc phát triển và mở rộng vùng nguyên liệu trồng cà gai leo. HTX không chỉ giúp các hộ dân có thu nhập ổn định mà còn chuyển đổi đất bãi, đất cấy lúa kém sang trồng cây thảo dược hiệu quả.

Ông Lương Văn Tự, thôn Liên Thắng, xã Quyết Thắng cho biết: "Một mẫu đất trồng sắn đã nhiều năm muốn chuyển đổi sang cây khác nhưng vì đất không còn tốt nên không phù hợp với cây ăn quả. Khi biết được cây cà gai leo phù hợp lại có HTX đứng ra bao tiêu đầu ra gia đình tôi đã trồng luôn. 2 năm nay 1 mẫu đất bãi này cho gia đình thu nhập 100 triệu đồng/năm, hiệu quả kinh tế gấp 4 lần so với trước".

Lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh thăm Nhà máy liên kết sản xuất linh kiện giày da của HTX chè Quang Minh.

Lãnh đạo Liên minh HTX tỉnh thăm Nhà máy liên kết sản xuất linh kiện giày da của HTX chè Quang Minh.

Giám đốc HTX Dịch vụ sản xuất, chế biến Nông lâm nghiệp Hợp Hòa, Bùi Văn Hoàng chia sẻ: "HTX có 13 thành viên và hơn 50 hộ liên kết trồng 40 ha cà gai leo, giải quyết việc làm cho 100 lao động làm nông nghiệp ở 3 xã Hợp Hòa, Văn Phú, Quyết Thắng (Sơn Dương). Sản phẩm trà túi lọc cà gai leo của HTX đã đạt OCOP 4 sao, ngoài ra HTX phát triển thêm các sản phẩm cao cà gai leo.

Sản phẩm của HTX đã có mặt trên tất cả các nền tảng mạng xã hội, trên các trang thương mại điện tử. Doanh thu của HTX mới đạt trên 300 triệu đồng/năm. Từ nay đến hết năm 2025, HTX sẽ mở rộng quy mô với việc đang đầu tư nhà xưởng, máy móc chế biến để sản xuất thêm các sản phẩm phù hợp, tiện dụng hơn với thị trường".

Giám đốc HTX chè Quang Minh (Yên Sơn) Phạm Đình Huỳnh thông tin: "Những năm qua thị trường xuất khẩu chè đen hẹp lại, giá thấp nên không có lợi nhuận, chỉ sản xuất để duy trì vùng nguyên liệu 30ha và thu nhập cho 1.000 hộ gia đình trồng chè, việc làm cho người lao động. Còn để phát triển thì phải tìm thêm hướng khác. Năm 2022, HTX đã liên kết với Công ty TNHH J-STAR VINA Tuyên Quang đầu tư nhà máy sản xuất giày da tại xã Tứ Quận (Yên Sơn) với vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng, quy mô nhà xưởng 6.000m2.

Hiện Nhà máy tạo việc làm 1.000 lao động là hội viên và con em nông dân, trong đó trên 85% lao động nữ; thu nhập của công nhân làm tại nhà máy đã đạt từ 7 - 9 triệu đồng/tháng. Doanh thu của HTX đã đạt gần 30 tỷ đồng năm 2023. Từ liên kết HTX đã phát triển lên mạnh, có lợi nhuận, từ 2023 đến tháng 8-2024 đã hỗ trợ 5 hộ nghèo xóa nhà tạm với số tiền 250 triệu đồng. Việc mà trước đây khó có thể thực hiện được".

Cùng với các HTX phát triển đa dịch vụ thì có nhiều HTX đã thay đổi công nghệ, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, sản xuất theo chuỗi, ngành hàng kinh doanh dịch vụ nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Điển hình như HTX nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành; HTX nông sản sạch Sáng Nhung, xã Đông Thọ, chè hữu cơ Ngân Sơn Trung Long, xã Trung Yên (Sơn Dương); HTX chè 168, HTX chè Làng Bát, xã Tân Thành (Hàm Yên); HTX chè đặc sản hữu cơ Ngọc Thúy, phường Phú Lâm (TP Tuyên Quang); HTX chè Shan tuyết hồng Thái (Na Hang)…

Vượt mục tiêu nghị quyết

Nghị quyết Đại hội đại biểu Liên minh HTX tỉnh Tuyên Quang lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra mục tiêu thành lập mới từ 120 - 150 Hợp tác xã. Từ 2020 đến nay, toàn tỉnh đã vận động thành lập mới được 143 HTX (đạt tốc độ phát triển bình quân 35 HTX mỗi năm). Đến tháng 7-2024, toàn tỉnh có 602 HTX với 12.759 thành viên với tổng số vốn đăng ký trên 2.300 tỷ đồng. Trong đó, có 458 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, tăng 6 HTX so với đầu nhiệm kỳ; 144 HTX hoạt động trong lĩnh vực phi nông nghiệp, tăng 4 HTX so với đầu nhiệm kỳ. Khối kinh tế HTX đã tạo việc làm thường xuyên cho 5.410 lao động.

Chè Shan tuyết Hồng Thái của HTX Sơn Trà được giới thiệu tại Hội nghị doanh nhân vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại Yên Bái.

Chè Shan tuyết Hồng Thái của HTX Sơn Trà được giới thiệu tại Hội nghị doanh nhân vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại Yên Bái.

Bên cạnh sự phát triển về số lượng và quy mô, các HTX trên địa bàn tỉnh cũng có sự phát triển về chất lượng, thể hiện ở kết quả, hiệu quả hoạt động của HTX không ngừng tăng qua các năm, chất lượng nguồn nhân lực được cải thiện thông qua các hoạt động tập huấn, đào tạo và số HTX làm ăn có lãi ngày càng tăng.

Ông Cao Hùng Dũng, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: "Đạt được kết quả trên thì ngay từ đầu nhiệm kỳ Ban Thường vụ, BCH Liên minh Hợp tác xã tỉnh xác định phát triển HTX là sự gia tăng về số lượng và quy mô HTX; thay đổi chất lượng của HTX về nguồn nhân lực, nguồn vốn, thu nhập, nâng cao kết quả và hiệu quả; tạo ra nhiều loại hình HTX kiểu mới, tăng cường tính tự chủ, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của HTX; nâng cao hơn nữa vai trò của HTX đối với sự phát triển, bảo đảm an sinh xã hội".

Trong thời gian tới Liên minh HTX tỉnh phối hợp với các ngành, các cấp trong tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch, tổ chức thực hiện, kiểm tra giám sát việc phát triển HTX; đặc biệt quan tâm hỗ trợ HTX liên kết, hợp tác với HTX, doanh nghiệp; tích cực đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ HTX. Các HTX trên địa bàn tỉnh phát triển tốt về số lượng, chất lượng hoạt động HTX tăng theo các năm; về quy mô, vốn, ngành nghề hoạt động mở rộng trong nhiều lĩnh vực; xây dựng thêm nhiều mô hình mới, HTX điển hình tiên tiến, HTX ứng dụng công nghệ cao trong các ngành, lĩnh vực.

HTX có vai trò quan trọng trong thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương; nhất là các HTX nông nghiệp ở các xã đạt chuẩn nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao, tổ chức được nhiều hoạt động cung ứng các sản phẩm, dịch vụ đầu vào, đầu ra; tạo điều kiện thuận lợi cho thành viên và nhân dân trong vùng an tâm sản xuất, tiết kiệm chi phí, hạn chế rủi ro, gia tăng lợi nhuận; là điểm sáng quan trọng trong thực hiện mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng ở địa phương.

Bài, ảnh: Trang Tâm

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/kinh-te-tap-the-chuyen-bien-manh-me-197157.html