Trồng lúa hữu cơ rồi bán thêm tín chỉ carbon, nông dân, HTX ở Kiên Giang thắng đậm

Thời gian qua, tỉnh Kiên Giang thúc đẩy nhân rộng mô hình sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp, giúp tiết kiệm chi phí sản xuất, giảm phát thải khí CO2, đặc biệt giúp nông dân, HTX bán tín chỉ carbon kiếm thêm bạc triệu.

Kiên Giang là một trong 5 địa phương được lựa chọn để thí điểm mô hình canh tác giảm phát thải khí nhà kính. Chương trình được triển khai tại 2 HTX Dịch vụ Nông nghiệp Thanh niên Phú Hòa (xã Tân Hội, huyện Tân Hiệp) và HTX Tôm Cua Lúa Thạnh An (huyện An Minh).

Trồng lúa giảm phát thải

Vụ thu đông năm 2024 đánh dấu bước thử nghiệm đầu tiên tại HTX Dịch vụ Nông nghiệp Thanh niên Phú Hòa với quy mô 50ha. Theo quy trình mới, thành viên HTX giảm lượng giống gieo sạ, sử dụng giống xác nhận, áp dụng phương pháp quản lý nước ngập - khô xen kẽ.

Đồng thời, HTX cũng tiến hành gieo sạ bằng máy, thu gom rơm rạ sau thu hoạch để xử lý hóa sinh thành phân bón, thay vì đốt bỏ giúp giảm đáng kể lượng khí thải nhà kính.

Nông dân, HTX ở Kiên Giang đang đẩy mạnh sản xuất lúa giảm phát thải.

Nông dân, HTX ở Kiên Giang đang đẩy mạnh sản xuất lúa giảm phát thải.

Ông Nguyễn Văn Huỳnh, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp Thanh niên Phú Hòa, chia sẻ: “Ban đầu, một số nông dân lo lắng rằng việc giảm lượng giống, gieo sạ có thể ảnh hưởng đến năng suất. Tuy nhiên, nhờ sự đồng hành của doanh nghiệp cung ứng vật tư, lúa giống, phân bón và sự hỗ trợ kỹ thuật từ tổ khuyến nông, vụ thu đông 2024 đã mang lại thắng lợi lớn cả về năng suất lẫn sản lượng, tạo đà cho những thắng lợi mới trong năm 2025”.

Thực tế cũng cho thấy, sau vụ đầu tiên, nông dân nhận thấy rõ hiệu quả của việc giảm lượng giống, phân bón và nước tưới, giúp tiết kiệm chi phí và gia tăng lợi nhuận. Đặc biệt, mô hình này còn có sự tham gia của doanh nghiệp từ khâu cung ứng đầu vào đến tiêu thụ sản phẩm, tạo sự liên kết chặt chẽ trong chuỗi giá trị nông nghiệp.

Ông Hồ Văn Hướng, thành viên HTX, cho biết: “Nhờ áp dụng quy trình mới, chi phí sản xuất giảm đáng kể, lợi nhuận trung bình đạt 30-35 triệu đồng/ha. Lượng giống gieo sạ giảm từ 120kg/ha xuống còn 70kg/ha, đồng thời bón phân cân đối giúp giảm hơn 50% lượng phân đạm, cây lúa khỏe, đẻ nhánh tốt, ít đổ ngã, năng suất đạt 5,5 - 6 tấn/ha”.

Trong năm 2025 này, tại huyện Hòn Đất, ngoài diện tích thực hiện thí điểm Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao tại 2 HTX, từ nguồn vốn Nghị định 112/2024/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ đất trồng lúa, Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện đã triển khai rộng rãi quy trình canh tác giảm phát thải cho 24 HTX, với tổng diện tích 8.000ha.

Đánh giá kết quả sản xuất trong vụ đông xuân 2024-2025, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Hòn Đất Dương Huy Bình cho biết: “Quy trình canh tác giảm phát thải giúp nông dân tiết kiệm tối đa chi phí sản xuất, góp phần tăng lợi nhuận. Ước chi phí sản xuất giảm khoảng 3,5 triệu đồng/ha, năng suất lúa bình quân 11,2 tấn/ha”.

Thêm giá trị nhờ bán tín chỉ carbon

Những kết quả của mô hình trồng lúa giảm phát thải cũng đem đến niềm vui lớn cho nông dân, HTX. Đơn cử, với 18,8ha lúa áp dụng quy trình canh tác giảm phát thải, ông Huỳnh Văn Huyền, ngụ xã Mỹ Thuận (Hòn Đất) ước tính lợi nhuận trong vụ đông xuân 2024-2025 này đạt hơn 40 triệu đồng/ha.

Ngoài hiệu quả kinh tế, mô hình còn mang lại lợi ích lớn trong việc giảm phát thải khí nhà kính. Cụ thể, theo chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI), khi áp dụng kỹ thuật quản lý nước ngập - khô xen kẽ với 3 lần siết nước mỗi vụ, lượng khí thải nhà kính giảm đáng kể.

Kết quả đo lường cho thấy lượng khí thải dao động khoảng 6-7 tấn CO₂ tương đương/ha, giảm khoảng 8 tấn CO₂ tương đương/ha so với phương pháp canh tác truyền thống.

Trồng lúa giảm phát thải giúp nông dân, HTX ở Kiên Giang bán được thêm tín chỉ carbon, nâng cao thu nhập.

Trồng lúa giảm phát thải giúp nông dân, HTX ở Kiên Giang bán được thêm tín chỉ carbon, nâng cao thu nhập.

Thành công bước đầu của mô hình trồng lúa giảm phát thải là cơ sở để ngành nông nghiệp Kiên Giang tiếp tục mở rộng diện tích áp dụng, hướng đến nền sản xuất nông nghiệp bền vững, thân thiện với môi trường như mục tiêu đề ra.

Đặc biệt, với việc áp dụng sản xuất giảm phát thải, nông dân, HTX còn được nhiều doanh nghiệp chi trả tiền bán tín chỉ carbon, mang lại doanh thu thêm 2-3 triệu đồng/ha.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Giám đốc HTX nông nghiệp Tân Thuận, xã Mỹ Thuận cho biết: “Vụ hè thu năm 2024, HTX có 70ha lúa được chi trả tiền tín chỉ carbon từ Công ty Net Zero Carbon phối hợp Công ty BSB Nanotech thực hiện”.

Cụ thể, sau khi kết thúc vụ lúa, công ty tiến hành phân tích, đánh giá lượng phát thải giảm được trên từng thửa ruộng thông qua hệ thống vệ tinh quan trắc và theo dõi.

Dựa trên kết quả tính toán lượng giảm khí thải, công ty đã chi trả tiền tín chỉ carbon cho nông dân với mức 15 USD/tín chỉ. Nhờ đó, ngoài lợi nhuận từ bán lúa, nông dân còn có thêm thu nhập từ việc bán tín chỉ carbon, trung bình khoảng 2,5 triệu đồng/ha.

Mở rộng mô hình

Nhận thấy hiệu quả từ chương trình này, nhiều nông dân đã bày tỏ sự quan tâm và mong muốn tham gia. Ông Trần Văn Khoa, thành viên HTX Nông nghiệp Tân Thuận, chia sẻ: "Tín hiệu tích cực từ vụ đầu tiên khi nhận được tiền từ bán tín chỉ carbon đã thu hút sự quan tâm của các thành viên HTX. Sang vụ đông xuân 2024-2025, chúng tôi háo hức đăng ký tham gia sản xuất theo mô hình này".

Đến nay, HTX Tân Thuận đã có hơn 70 hộ đăng ký thực hiện canh tác lúa giảm phát thải, với tổng diện tích hơn 700ha. Dự kiến cuối tháng 4/2025, Công ty Net Zero Carbon sẽ chi trả tiền tín chỉ carbon cho thành viên HTX đối với vụ đông xuân.

Có thể nói, mô hình canh tác lúa giảm phát thải không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho nông dân mà còn góp phần quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, giảm khí thải nhà kính. Đây được xem là một xu hướng canh tác bền vững, giúp nông dân tăng thu nhập mà vẫn đảm bảo phát triển nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường.

Theo Khuyến nông tỉnh Kiên Giang, trong năm 2024, tỉnh đã triển khai thành công 10 mô hình điểm với tổng diện tích 511 ha.

Các mô hình sử dụng công nghệ cao như cơ giới hóa trong gieo sạ và thiết bị đo mực nước giúp tiết kiệm chi phí, phân bón và nước tưới, đồng thời tăng năng suất lúa. Kết quả cho thấy, chi phí đầu vào giảm 15%, năng suất đạt 5-5,43 tấn/ha, và phát thải CO2 giảm từ 7,56 - 8,11 tấn/ha.

Trong năm 2025, Kiên Giang tiếp tục mở rộng mô hình này trên 7.000 ha và phối hợp với các doanh nghiệp để đánh giá hiệu quả các thiết bị sử dụng trong quy trình canh tác. Đồng thời, tỉnh sẽ tổ chức các hội thảo, đào tạo nông dân và chuẩn bị cho việc ký kết các thỏa thuận chi trả giảm phát thải từ Quỹ Tài chính các bon chuyển đổi (TCAF).

Sáu Ngạn

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//khoa-hoc-cong-nghe/trong-lua-huu-co-roi-ban-them-tin-chi-carbon-nong-dan-htx-o-kien-giang-thang-dam-1105905.html