Kinh tế tháng 1 tiếp tục phục hồi mạnh mẽ

Cùng với không khí đón Tết nhộn nhịp, vui tươi, tình hình kinh tế - xã hội trong tháng đầu năm 2025 đạt nhiều kết quả tích cực. Kinh tế tiếp tục phục hồi mạnh mẽ, các hoạt động tiêu dùng sôi động hơn so với cùng kỳ Tết năm trước, một số chỉ tiêu quan trọng về sản xuất kinh doanh, thu hút đầu tư nước ngoài, ngân sách… tiếp tục khả quan, tốt hơn cùng kỳ năm trước, tạo đà cho tăng trưởng cả năm.

Nguồn: Tổng cục Thống kê Đồ họa: Phương Anh

Nguồn: Tổng cục Thống kê Đồ họa: Phương Anh

Niềm tin, kỳ vọng vào sự tăng trưởng và phát triển kinh tế

Đây là một số nét chính trong bức tranh kinh tế tháng 1 vừa được báo cáo và thảo luận tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 1.

Cụ thể các kết quả tích cực của tháng 1 là kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 tăng 3,63% so với cùng kỳ; cung cầu, giá cả hàng hóa ổn định, không có hiện tượng tăng giá đột biến, lợi dụng khan hiếm hàng hóa giả tạo để thu lợi bất chính.

Việt Nam có nhiều triển vọng cải thiện tốc độ tăng trưởng

Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam đang hưởng lợi từ việc ký kết các hiệp định thương mại quốc tế trong khu vực và với các quốc gia lớn khác, giúp tạo ra các chế độ thương mại cởi mở, ổn định hơn.

Thời gian tới, Việt Nam có nhiều triển vọng cải thiện tốc độ tăng trưởng qua thúc đẩy đầu tư công, tiêu dùng, du lịch; gia tăng đóng góp của số hóa, công nghệ cao vào tăng trưởng, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi xanh, tận dụng xu hướng chuyển dịch dòng vốn đầu tư nước ngoài...

Hệ thống ngân hàng hoạt động an toàn, ổn định, thông suốt, phục vụ tốt nhu cầu trong dịp Tết. Thu ngân sách nhà nước tháng 1 đạt 14% dự toán, tăng 3,5% so với cùng kỳ. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu tháng 1 ước đạt 63,15 tỷ USD, xuất siêu 3,03 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam hơn 4,3 tỷ USD, tăng 48,6% so với cùng kỳ; vốn thực hiện trên 1,5 tỷ USD, tăng 2%. Các cân đối lớn, an ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm; bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia được kiểm soát tốt, thấp hơn giới hạn cho phép.

Sản xuất nông nghiệp tăng trưởng tích cực, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng dịp Tết và xuất khẩu. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 1 tăng 0,6% so với cùng kỳ do có số ngày làm việc ít hơn năm trước (tháng Tết năm 2024 giảm 6,8%). Khu vực dịch vụ tăng khá; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 tăng 9,5% so với cùng kỳ.

Theo các thành viên Chính phủ, các hoạt động kinh tế, xã hội, tiêu dùng sôi động hơn đã phản ánh niềm tin, kỳ vọng vào sự tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư về chăm lo, chuẩn bị Tết cho nhân dân, các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ Tết được triển khai đầy đủ, thiết thực và kịp thời. Theo đó, trên toàn quốc các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã hỗ trợ, tặng quà Tết cho trên 13,5 triệu đối tượng, với kinh phí trên 7.800 tỷ đồng; xuất cấp 6,7 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ, cứu đói trong dịp Tết và giáp hạt đầu năm.

Các chương trình tín dụng chính sách tháng 1 đã hỗ trợ vay vốn cho trên 164,7 nghìn đối tượng, tạo việc làm cho trên 57,2 nghìn lao động. Chế độ, chính sách thưởng Tết của doanh nghiệp, hỗ trợ người lao động được nâng lên.

Phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát tiếp tục được đẩy mạnh, giúp hàng nghìn người dân được đón Tết trong nhà mới. Trong đó, đã hỗ trợ gần 7 nghìn căn nhà cho người có công, khánh thành 18,8 nghìn căn nhà và khởi công 16,6 nghìn căn cho các đối tượng chính sách.

Quyết tâm, nỗ lực cao nhất để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên

Tuy nhiên, theo đánh giá tại phiên họp, tình hình kinh tế - xã hội trong nước còn không ít những khó khăn, thách thức, nhất là trước yêu cầu tăng trưởng cao trong năm 2025 và ứng phó với biến động bên ngoài. Các động lực tăng trưởng trong nước chưa có sự bứt phá rõ nét theo yêu cầu tăng trưởng đặt ra, cần quyết liệt hơn nữa để thúc đẩy. Sức mua trong nước tháng 1 và tiêu dùng dịp Tết mặc dù đã cải thiện nhưng còn chậm; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 tăng thấp hơn cùng kỳ tháng Tết các năm trước dịch 2018, 2019.

Tình hình xuất khẩu dự báo có thể khó khăn hơn do nhu cầu thế giới phục hồi chậm; Mỹ và các thị trường xuất khẩu lớn của nước ta gia tăng hàng rào thuế quan, bảo hộ thương mại mới, với các chính sách mới, khó đoán định. Khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu; áp lực đáo hạn trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản năm 2025 lớn.

Đặc biệt, kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro, sức ép điều hành về tỷ giá, lãi suất, lạm phát còn lớn, nhất là trước những tác động bất lợi từ bên ngoài, đòi hỏi phải theo dõi sát để có giải pháp điều hành chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả.

Thể chế, pháp luật mặc dù đã được quan tâm, chỉ đạo, nhưng vẫn là "điểm nghẽn của điểm nghẽn"; tư duy xây dựng pháp luật còn nặng về quản lý hơn là kiến tạo phát triển; phân cấp, phân quyền còn nhiều vướng mắc, chưa triệt để.

Trong khi đó, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII diễn ra tháng 1 đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP ít nhất 8% trong năm 2025, tạo đà, tạo lực, tạo khí thế cho những năm tiếp theo tăng trưởng 2 con số.

Chỉ đạo tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu, với mục tiêu tăng trưởng GDP ít nhất 8% trong năm 2025, các bộ, ngành, địa phương phải có các chỉ tiêu tăng trưởng mới, trình các cấp có thẩm quyền thông qua để thực hiện. Tại phiên họp, Chính phủ đã thông qua việc giao chỉ tiêu tăng trưởng cho các địa phương. Để đạt được mục tiêu này, khối lượng công việc trong thời gian tới là rất lớn, đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương cần nỗ lực, quyết tâm cao nhất, chủ động, sáng tạo để triển khai hiệu quả công việc ngay từ đầu năm.

TS. SANTIAGO VELASQUEZ - PHÓ CHỦ NHIỆM CHƯƠNG TRÌNH THẠC SĨ QUẢN TRỊ KINH DOANH, ĐẠI HỌC RMIT VIỆT NAM: Việt Nam bước vào năm 2025 với triển vọng tăng trưởng đầy hứa hẹn

Việt Nam bước vào năm 2025 với triển vọng tăng trưởng đầy hứa hẹn, được thúc đẩy bởi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), sản xuất xuất khẩu và đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, nền kinh tế cũng phải đối mặt với những thách thức lớn từ địa chính trị toàn cầu và các vấn đề nội tại. Mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5 - 7,0% do Quốc hội đề ra phù hợp với những nền tảng vững chắc của Việt Nam, nhưng vẫn cần thận trọng. Các yếu tố nền tảng của nền kinh tế đang rất vững chắc, nhưng căng thẳng địa chính trị và những bất cập nội tại có thể làm suy giảm kỳ vọng này. Các động lực tăng trưởng bao gồm chi tiêu của Chính phủ cho cơ sở hạ tầng, phục hồi của thị trường bất động sản, dòng vốn FDI dồi dào và chiến lược “Trung Quốc + 1”. Các chính sách ưu đãi của Chính phủ như miễn giảm thuế và giá đất hợp lý cũng góp phần củng cố triển vọng này.

Để duy trì đà tăng trưởng, Việt Nam cần áp dụng mô hình động cơ kép cân bằng giữa thế mạnh xuất khẩu và một thị trường trong nước vững chắc. Cách tiếp cận này không chỉ ổn định tăng trưởng mà còn tăng cường tính toàn diện của nền kinh tế.

Mặc dù GDP chắc chắn sẽ tăng trưởng (và tăng trưởng mạnh), nhưng quỹ đạo cụ thể sẽ phụ thuộc vào khả năng của Việt Nam trong việc ứng phó với rủi ro thương mại toàn cầu và điều chỉnh các chính sách trong nước. Với các cải cách chủ động, Việt Nam có thể đảm bảo sự thịnh vượng bền vững. Hà My (ghi)

TS. LÊ DUY BÌNH - GIÁM ĐỐC ĐIỀU HÀNH ECONOMICA VIỆT NAM: Đầu tư khu vực tư nhân là “ngôi sao hy vọng” đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng

Chi tiêu, đầu tư của khu vực tư nhân được coi là “ngôi sao hy vọng” để có thể đẩy mạnh hơn nữa tốc độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam vào năm 2025. Đầu tư tư nhân những năm qua đang có xu thế tăng trưởng chậm lại. Nếu khôi phục lại được tốc độ tăng trưởng của đầu tư tư nhân trong năm nay và những năm tiếp theo thì chắc chắn tốc độ tăng trưởng của Việt Nam sẽ cao hơn rất nhiều. Điều này đòi hỏi sẽ phải có những cải cách rất mạnh mẽ về môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, cải cách về hệ thống pháp luật, chất lượng quản trị công, quản trị kinh tế, về cách hành xử của cơ quan công quyền đối với cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư.

Có thể khẳng định, nỗ lực kéo dài thời gian giảm 2% thuế VAT thêm 6 tháng đến tháng 6/2025 cũng là một nỗ lực rất lớn của Quốc hội cũng như là của Chính phủ, đặc biệt là Bộ Tài chính để có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp và cho người dân. Tuy nhiên, về lâu dài, chúng ta cũng cần phải tính đến những chính sách cân bằng và cân nhắc lại những chính sách mở rộng tài khóa một cách hợp lý.

Tôi cho rằng, với những gì mà chúng ta đã đạt được trong năm 2024 và những nỗ lực vượt qua nghịch cảnh, vượt qua chính mình như trong năm qua được tiếp tục duy trì thì mục tiêu tăng trưởng 7,5% và 8% là khả thi, mặc dù có rất nhiều thách thức. Luyện Vũ (ghi)

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/kinh-te-thang-1-tiep-tuc-phuc-hoi-manh-me-169947-169947.html