Kinh tế thế giới bị tác động thế nào khi đồng Yen suy yếu ?

Trong phiên giao dịch ngày 29/4, người Nhật phải bỏ ra 160 Yen để đổi 1 USD, mức thấp nhất trong 34 năm qua. Trong khi năm 2014, tỷ giá là 100 Yen đổi được 1 USD. Ngoài đồng USD, đồng Yen cũng đã chạm mức thấp nhất so với đồng euro, AUD (đô Úc), đồng Won của Hàn Quốc và đồng nhân dân tệ của Trung Quốc.

Ngày 19/3/2024, lần đầu tiên sau 17 năm, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) quyết định đưa lãi suất từ -0,1% (áp dụng từ năm 2007) lên khoảng 0,1%, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với lãi suất của Mỹ và châu Âu (3-5%). Đồng Yen mất giá tác động tiêu cực đến kinh tế - xã hội Nhật Bản nhưng nó cũng có mặt tích cực đối với lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu và du lịch nước ngoài đến Nhật.

3 năm, mất giá hơn 30%

Từ năm 2021 đến nay, đồng Yen mất hơn 1/3 giá trị, đến mức giá trị của đồng tiền này đã quay lại hồi năm 1990, sau khi nền kinh tế bong bóng của Nhật Bản vỡ. Theo các chuyên gia tài chính, có một số yếu tố tác động làm giá trị của đồng Yen sụt giảm, trong đó việc các nhà đầu tư ồ ạt bán ra đồng Yen, thậm chí có lúc bán tháo vì sự sụt giảm liên tục giá trị của đồng tiền này. Hơn nữa, do đồng tiền giảm giá, các nhà xuất khẩu không thể khuyến khích chuyển đổi tiền thu được từ nước ngoài thành đồng Yen, khiến nhu cầu đồng tiền này ngày càng giảm.

Nguyên nhân đồng Yen giảm giá còn do chính sách lãi suất thấp của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản. Ngân hàng này đã duy trì lãi suất ở mức thấp kỷ lục dưới 0%, khác biệt so với thế giới nhằm thúc đẩy hoạt động cho vay và kích thích lạm phát gia tăng làm tăng nhu cầu trong nước, giúp khôi phục nền kinh tế suy thoái. Tuy nhiên, kết quả cho thấy kinh tế Nhật Bản năm 2023 vẫn tụt hạng và để Đức vượt lên trở thành nền kinh tế thứ 3 thế giới.

Theo tờ Shukan Gendai thì dù lãi suất quan trọng nhưng còn nhiều yếu tố khác làm đồng Yen mất giá, đặc biệt là bất ổn địa chính trị, tình hình căng thẳng trên thế giới về các nguồn tài nguyên quan trọng cũng như các yếu tố riêng biệt trong nước. Trong đó, tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng và ngày càng gia tăng, xã hội dân số già hóa nhanh chóng, tỉ lệ sinh giảm mạnh khiến triển vọng kinh tế dài hạn trở nên ngày càng rõ ràng hơn.

Đồng Yen mất giá khiến hàng hóa nhập khẩu vào Nhật trở nên đắt đỏ hơn.

Đồng Yen mất giá khiến hàng hóa nhập khẩu vào Nhật trở nên đắt đỏ hơn.

Những tác động đến kinh tế Nhật Bản

Với một quốc gia, khi đồng tiền nội tệ mất giá, khiến giá cả hàng hóa trong nước tăng, trong đó hàng hóa nhập khẩu trở nên đắt đỏ hơn dẫn đến sức mua của hộ gia đình giảm mạnh. Đang có hiện tượng sụt giảm tiêu dùng cá nhân, vốn chiếm hơn 50% nền kinh tế Nhật Bản. Chỉ số giá tiêu dùng lõi của Nhật Bản, không bao gồm thực phẩm tươi sống, đã tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi tiêu dùng trong nước vẫn là nguồn đóng góp lớn cho GDP của Nhật Bản nên sức chi tiêu của người dân giảm mạnh. Cũng do đồng Yen suy yếu, các hộ gia đình có xu hướng trở thành nhà nhập khẩu ròng và đang phải đối mặt với mức giá cao hơn.

Đồng Yen yếu cũng đã đẩy chi phí nhập khẩu nhiên liệu và thực phẩm tăng cao, làm giảm sức mua của các hộ gia đình. Đặc biệt, giá xăng tại Nhật lên mức cao nhất trong 15 năm qua. Theo Cơ quan Tài nguyên và năng lượng Nhật Bản, giá bán lẻ xăng thường ngày 3/9/2023 là 185,6 Yen (1,28 USD)/ lít, tăng 1,9 Yen so với trước đó và là tăng 15 tuần liên tiếp khiến Chính phủ phải đưa ra các biện pháp làm tăng tiêu dùng cá nhân như: trợ cấp giá bán lẻ xăng dầu và giá điện sinh hoạt.

Mặc dù có những những tác động tiêu cực nêu trên, nhưng không phải không có những cơ hội giúp kinh tế Nhật Bản tăng trưởng trở lại. Theo các chuyên gia kinh tế, đồng Yen giảm giá có thể là "cú hích" cho xuất khẩu, du lịch và làm cho GDP của Nhật Bản tăng trưởng. Thực tế cho thấy, nhờ đồng Yen yếu mà xuất khẩu của Nhật Bản tăng mạnh, dẫn đến thặng dư thương mại của Nhật Bản cũng tăng. Theo số liệu thống kê của Bộ Thương mại Nhật Bản, thặng dư thương mại năm 2023 của nước này đã tăng lên 20.630 tỷ Yen (140 tỷ USD), gần gấp đôi so với một năm trước đó nhờ lợi nhuận kỷ lục từ đầu tư nước ngoài và thâm hụt thương mại giảm mạnh.

Bộ Tài chính Nhật Bản cũng cho biết xuất khẩu của nước này đã tăng tháng thứ 4 liên tiếp do đồng Yen yếu và nhu cầu ở Trung Quốc gia tăng đã tạo ra lực đẩy cần thiết cho nền kinh tế khi tiêu dùng nội địa sụt giảm. Năm 2023, xuất khẩu của Nhật Bản tăng 3,7% lên 102.900 tỷ Yen. Đây là lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản vượt 100.000 tỷ Yen và là năm thứ 3 liên tiếp đạt mức cao kỷ lục.

Đồng Yen suy yếu so với đồng USD cũng góp phần thúc đẩy ngành sản xuất và xuất khẩu máy móc, thiết bị, xe hơi… tăng mạnh. Một số nhà sản xuất xe hơi trong nước, bao gồm Toyota, Honda và Nissan cho biết lợi nhuận của họ đã tăng lên đáng kể trong những tháng gần đây.

Đối với ngành du lịch, số lượng du khách nước ngoài đến Nhật Bản ngày càng tăng do chi tiêu cho du lịch rẻ vì đồng Yen mất giá so với đồng tiền các nước. Theo dữ liệu của Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản công bố ngày 17/4, lượng khách du lịch nước ngoài đến nước này trong quý I/2024 đạt mức cao kỷ lục 8,56 triệu người. Thủ tướng Nhật Bản Kishida cho biết, nếu tiếp tục với tốc độ này, Nhật Bản có thể kỳ vọng số lượng du khách đạt mức cao kỷ lục vào năm 2024, vượt mục tiêu đặt ra cho năm 2025 với 32 triệu du khách nước ngoài.

Đồng Yen yếu tác động ra sao đến thị trường tiền tệ châu Á?

Đà giảm giá mạnh kéo dài của đồng Yen khiến các đối thủ thương mại tại các nước châu Á xem xét việc phá giá đồng nội tệ để duy trì lợi thế cạnh tranh xuất khẩu. Mặc dù xác suất xảy ra thấp nhưng một số nhà đầu tư đang chuẩn bị cho kịch bản này xảy ra. Điều này gây ra mối lo về một cuộc "chiến tranh tiền tệ" mới có thể xảy ra tại khu vực châu Á. Các nhà quan sát trong khu vực nhận định rằng, sự can thiệp của chính quyền Nhật Bản nhằm hỗ trợ đồng Yen phục hồi được xem là khó có tác dụng lâu dài nếu Nhật Bản đơn độc thực hiện.

Như vậy, nếu không có sự đồng nhất can thiệp của các thị trường tiền tệ khác chỉ làm tăng nguy cơ xảy ra đợt suy yếu khác của đồng Yen. Bởi nó sẽ đẩy căng thẳng cạnh tranh của Nhật Bản với các nước xuất khẩu láng giềng như Hàn Quốc và Trung Quốc. Tại Hàn Quốc, các doanh nghiệp xuất khẩu nhỏ đang chịu áp lực lớn do chi phí nhập khẩu nguyên liệu tăng khi đồng USD tăng giá, trong khi đó phải chịu sự cạnh tranh giảm giá hàng xuất khẩu của các đối thủ trong khu vực.

Hơn nữa, nếu đồng yên tiếp tục giảm sâu xuống mức 170 - 180 Yen đổi 1 USD thì vấn đề này không chỉ tác động tiêu cực trong khu vực châu Á mà còn tác động rộng lớn hơn đến tiền tệ của các thị trường mới nổi trên toàn cầu. Nguyên nhân là do đồng Yen là đồng tiền được nhiều nhà đầu tư vay để giao dịch chênh lệch lãi suất (vay đồng tiền có lợi suất thấp để mua vào đồng tiền có lợi suất cao hơn). Nếu trường hợp các đồng tiền châu Á mất giá hơn nữa vì đồng USD mạnh lên thì các quỹ đầu tư nước ngoài sẽ rút khỏi khu vực. Điều này có thể khiến trái phiếu chính phủ Mỹ tăng giá và cổ phiếu bị bán tháo dẫn đến toàn bộ thị trường mới nổi sụp đổ.

Do đó, kịch bản phá giá tiền tệ cạnh tranh (competitiv devaluation) ở châu Á chỉ là quan điểm của số ít và chưa có dấu hiệu cho thấy khủng hoảng tài chính sẽ lặp lại như năm 1997. Vì hiện nay, hầu hết các nước châu Á được chuẩn bị tốt hơn để tránh những cú sốc bất ngờ. Các nước này cũng có dự trữ ngoại hối dồi dào hơn, thị trường vốn địa phương cũng an toàn hơn. Đặc biệt họ chuẩn bị tốt các chính sách cải cách nhằm tăng cường giám sát tài chính. Đặc biệt là Trung Quốc, một trong những nước láng giềng có nguy cơ bị đồng Yen kéo giá xuống và gây bất ổn cho khu vực. Song đồng nhân dân tệ được quản lý chặt chẽ ở Trung Quốc, là một điểm lợi thế cho các đồng tiền khác ở châu Á.

Mặc dù vậy, quan điểm này vẫn thu hút mối quan tâm lớn của các thể chế tài chính và các nước trong khu vực trong khi đồng USD vẫn tiếp tục tăng giá. Đề cập đến tình trạng phá giá tiền tệ cạnh tranh ở châu Á, ông Kisoo Park, nhà quản lý danh mục cao cấp của Manulife Invesment Management cho biết: "Cho dù chủ ý hay vô ý thì các động thái phá giá tiền tệ đang diễn ra và tác động đến phần còn lại của khu vực". Chính vì vậy thời gian qua, các ngân hàng trung ương ở châu Á tích cực hỗ trợ đồng nội tệ bằng nhiều biện pháp, trong đó có chính sách can thiệp ngoại hối.

Hăm hở mở rộng ra nước ngoài, nhà xuất khẩu Nhật Bản trở nên miễn cưỡng hơn trong việc chuyển đổi doanh thu ở nước ngoài sang đồng Yen.

Hăm hở mở rộng ra nước ngoài, nhà xuất khẩu Nhật Bản trở nên miễn cưỡng hơn trong việc chuyển đổi doanh thu ở nước ngoài sang đồng Yen.

Nhật chọn giải pháp nào để tăng giá đồng Yen?

Một trong những yếu tố chính đằng sau sự yếu kém của đồng Yen vẫn là khoảng cách lãi suất ngân hàng của Nhật Bản ngày càng lớn so với lãi suất ở Mỹ. Theo nhận định của ông Nogami, chuyên gia tại Nhật Bản: "Chìa khóa làm xoay chuyển tình thế là việc cắt giảm lãi suất của Mỹ. Nếu đồng USD giảm một chút thì đồng yên sẽ tăng". Tuy nhiên, nhiều quan điểm cho rằng, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đang thực hiện chính sách tiền tệ siêu lỏng, mặc dù đã điều chỉnh từ mức -0,1% lên mức 0,1% nhưng Nhật Bản cũng cần phải nâng lãi suất hơn nữa để thu hẹp khoảng cách với Mỹ và các nước. Có như vậy đồng Yen mới có thể trở về giá trị thực, góp phần ổn định thị trường tiền tệ trong nước cũng như khu vực và thế giới.

Trong bối cảnh đó, Nhà kinh tế trưởng châu Âu, ông Tomasz Wieladek lại bày tỏ lạc quan cho rằng với khả năng phục hồi của nền kinh tế Nhật Bản khi giá sản xuất và dịch vụ đang tăng đáng kể, ông tin rằng sẽ có áp lực lớn hơn đối với Ngân hàng Trung ương Nhật Bản trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ với tốc độ nhanh hơn để chống lại sự mất giá của đồng Yen. Ông Yujiro Goto, chuyên gia cao cấp của Công ty tài chính Nomura Securities dự đoán rằng, đồng Yen phải rơi xuống mức 170 Yen đổi 1 USD thì Ngân hàng Trung ương Nhật Bản mới có thể cân nhắc tăng lãi suất cao hơn.

Minh Hà

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/kinh-te-the-gioi-bi-tac-dong-the-nao-khi-dong-yen-suy-yeu--i732410/