Kinh tế thị trường tại Việt Nam: Chờ đợi sự 'chuyển mình'
Việc xây dựng các công cụ để theo dõi sự phát triển của nền kinh tế thị trường đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển đổi mạnh mẽ kinh tế nước ta sang kinh tế thị trường hiện đại.
Sáng 29/7, Trường Đại học Kinh tế quốc dân phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức tọa đàm đối thoại chính sách với chủ đề: "Đối thoại về thể chế kinh tế thị trường Việt Nam".
Đánh giá thường kỳ mức độ phát triển nhờ các bộ chỉ số
Tại buổi tọa đàm, GS.TS. Trần Thọ Đạt - Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Kinh tế quốc dân cho biết, như nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, khi nền kinh tế càng phát triển, mối quan hệ giữa tự do kinh tế và tăng trưởng kinh tế ngày càng chặt chẽ hơn. Điều này có hàm ý rất rõ ràng với Việt Nam hiện nay do nền kinh tế của Việt Nam sắp vượt qua ngưỡng phát triển trung bình thấp. Vì thế, đây là lúc Việt Nam phải quan tâm đến các chỉ số về tự do kinh tế như là thước đo cho sự phát triển nền kinh tế thị trường đầy đủ của Việt Nam.
Theo ông Đạt, để theo dõi và đánh giá thường kỳ mức độ phát triển của nền kinh tế thị trường Việt Nam, các chuyên gia cho rằng cần dựa trên một bộ chỉ số có tính quốc tế để so sánh với các nước trên thế giới. Điều này tương tự như việc cải thiện môi trường kinh doanh hiện nay, Chính phủ đã dựa nhiều vào các chỉ số của Ngân hàng Thế giới, Diễn đàn Kinh tế thế giới...
“Việc đưa ra bộ chỉ số đánh giá mức độ tự do cạnh tranh của nền kinh tế thị trường là một cơ hội rất tốt để nhận diện mức độ phát triển của nền kinh tế thị trường Việt Nam theo những tiêu chí quốc tế, từ đó chúng ta mới xác định được những yếu tố cấu thành nào của nền kinh tế thị trường Việt Nam còn yếu so với các nước trong khu vực cũng như các nước trên thế giới theo bộ chỉ số này để có định hướng cải cách” - GS. TS Trần Thọ Đạt nhấn mạnh.
Chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường hiện đại
Phát biểu tại buổi tọa đàm, chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, với Việt Nam, kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có khác biệt với kinh tế thị trường hiện đại là vai trò của Nhà nước nhiều hơn, tốt hơn trong phát triển và giải quyết các vấn đề xã hội.
Do đó, TS. Cung cho rằng, đổi mới kinh tế trong giai đoạn đến năm 2030 là việc tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi mạnh mẽ sang kinh tế thị trường hiện đại, đầy đủ theo các chuẩn mực được quốc tế thừa nhận, trong đó, trọng tâm là việc thay đổi vai trò, chức năng của thị trường và quan hệ giữa Nhà nước và thị trường. Ngoài ra, cần giải pháp giúp thị trường hoạt động đầy đủ, không méo mó, không sai lệch.
Cũng theo TS. Nguyễn Đình Cung, ở cấp độ kinh tế thị trường, rõ ràng, vai trò Nhà nước và vai trò thị trường không thể tách rời, không thể đối nghịch nhau mà phải bổ sung cho nhau. Như vậy, cần đánh giá cả trên yếu tố mức độ phát triển thị trường của nền kinh tế và cả hiệu lực Chính phủ. Nếu hai chỉ tiêu này đều tốt thì nền kinh tế thị trường của chúng ta được coi là nền kinh tế thị trường tốt.
“Trụ cột chuyển sang kinh tế thị trường hiện nay, trọng tâm nên đặt vào cải cách thể chế, hoàn thiện khung khổ pháp luật để thúc đẩy phát triển thị trường nhân tố sản xuất. Thị trường này bao gồm thị trường vốn, thị trường đất đai, thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp, thị trường lao động ,thị trường khoa học công nghệ và các tài sản nói chung” - ông Cung nói.
Do đó, TS. Cung cho rằng, đổi mới kinh tế trong giai đoạn đến năm 2030 là việc tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy chuyển đổi mạnh mẽ nền kinh tế nước ta sang kinh tế thị trường hiện đại, đầy đủ theo các chuẩn mực được quốc tế thừa nhận, trong đó, trọng tâm là việc Nhà nước chủ động giảm bớt và thay đổi vai trò, vị trí và chức năng của mình, qua đó, làm thay đổi vai trò, chức năng của thị trường và quan hệ giữa Nhà nước và thị trường; làm cho thị trường, nhất là thị trường các yếu tố sản xuất hoạt động đầy đủ, không méo mó, không sai lệch và trở thành yếu tố quyết định trong phân bố nguồn lực xã hội.
Nói về giải pháp, TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, Việt Nam cần xây dựng các công cụ để theo dõi sự phát triển của nền kinh tế thị trường, cần nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng cách thức tính toán, nguồn số liệu của từng chỉ tiêu, chỉ số.
Đồng tình với quan điểm này, theo TS. Lê Đăng Doanh, chúng ta cần có sự cải thiện và đại dịch Covid-19 vừa qua chính là động lực để Việt Nam có những bước cải cách mạnh mẽ nền kinh tế thị trường theo hướng hiện đại./.