Kinh tế Thủ đô khởi sắc và kỳ vọng

Nỗ lực thực hiện Nghị quyết về Kế hoạch phát triển KT- XH Hà Nội năm 2024 được HĐND TP thông qua sáng 6/12/2023 đã và đang mang lại cho kinh tế Thủ đô 5 tháng đầu năm 2024 nhiều động lực, khởi sắc và tạo kỳ vọng tích cực cho việc hoàn thành mục tiêu cả năm đề ra.

Công nghiệp cải thiện, thị trường dịch vụ tiếp tục mở rộng

Theo Cục Thống kê Hà Nội, tính chung 5 tháng đầu năm 2024, hoạt động sản xuất nông nghiệp thuận lợi và ổn định cả về lúa, cây màu vụ Xuân và phát triển đàn gia súc, gia cầm; không có dịch bệnh lớn xảy ra. Mức tăng nhẹ sản lượng được ghi nhận ở thịt lợn hơi xuất chuồng (ước tăng 3,3%), thịt trâu (tăng 2,2%), thịt gia cầm (tăng 3,1%) và trứng gia cầm (tăng 4,1%), thủy sản (tăng 3,4%) so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 4,7% (trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 3,7%; sản xuất và phân phối điện tăng 14,7%; cung cấp nước và xử lý rác, nước thải tăng 9,7%; khai khoáng giảm 7,3%; chế biến gỗ, sản xuất sản phẩm từ gỗ và sản xuất xe có động cơ giảm 4,2%; sản xuất da và sản phẩm có liên quan giảm 3,1%; dệt giảm 0,6%).

Theo Kế hoạch số 302/KH-UBND ngày 15/12/2023 về thực hiện Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực năm 2024. TP đang và sẽ đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ DN phát triển nguồn nhân lực, đổi mới công nghệ, thiết bị, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư và xét chọn, tôn vinh sản phẩm công nghiệp chủ lực; phấn đấu 100% DN sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của TP nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và tham gia mạng lưới sản xuất toàn cầu, cung ứng cho các tập đoàn đa quốc gia, thúc đẩy hợp tác, liên kết sản xuất giữa DN sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực Hà Nội với DN của các tỉnh, thành trong nước và nước ngoài.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10% so với cùng kỳ năm trước; khách du lịch đến Hà Nội ước đạt 2.641 nghìn lượt người, tăng 42,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: khách quốc tế tăng 56,5% và tăng ở hầu hết các nguồn, trừ khách Thái Lan giảm 28,6%.

Đặc biệt, tuần cuối tháng 5/2024, Sở Công Thương Hà Nội tổ chức Lễ khai mạc Chương trình Khuyến mại tập trung TP Hà Nội năm 2024, triển khai vào các tháng 5, 7, 11/2024, thu hút hàng nghìn DN tham gia với mức giảm giá lên tới 100% nhằm tạo điều kiện cho DN tổ chức các hoạt động kích cầu, tiêu thụ sản phẩm, giảm lượng hàng tồn kho và phục vụ nhu cầu mua sắm của Nhân dân Thủ đô.

Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tăng 7,7% (khu vực trong nước tăng 10,7%; khu vực FDI tăng 3,6% và 8/12 nhóm hàng chủ yếu có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ). Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tăng 11,5% (trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 14,2%; khu vực FDI giảm 0,7%) .

Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài nhiều bứt phá

Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, toàn TP thu hút 1.120 triệu USD vốn FDI, trong đó đăng ký cấp mới 92 dự án với số vốn đạt 1.025 triệu USD; 64 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 36,8 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần 86 lượt, đạt 57,9 triệu USD (riêng 3 tháng đầu năm, Hà Nội thu hút khoảng 953,2 triệu USD, tăng 500% so với cùng kỳ năm 2023, đứng đầu cả nước).

TP Hà Nội đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số để thu hút FDI, tạo tác động lan tỏa, từng bước hình thành và phát triển cụm liên kết ngành công nghiệp đối với một số ngành, sản phẩm công nghiệp ưu tiên có lợi thế cạnh tranh, chuyên môn hóa và giá trị cao trong chuỗi sản xuất…

Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, TP đã cấp giấy chứng nhận cho 12,9 nghìn DN thành lập mới (với vốn đăng ký 124,3 nghìn tỷ đồng, giảm 2% về số lượng DN và giảm 3,5% vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước), có 5,4 nghìn DN hoạt động trở lại, tăng 18,5%. Tổng cộng có 18,3 nghìn DN tham gia thị trường, lớn hơn con số 17,9 nghìn DN rút khỏi thị trường (gần 16,2 nghìn DN đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 29,4%; có 1,7 nghìn DN giải thể, tăng 14,8%). Tỷ lệ hồ sơ đăng ký DN qua mạng được duy trì 100%, đảm bảo chất lượng và đúng hạn. Động thái này cho thấy hiệu quả của các chính sách hỗ trợ từ TP và sức chống chịu, sự năng động của cộng đồng DN Thủ đô, vốn là địa phương đứng thứ hai cả nước về số lượng DN.

Nhiều chỉ số tài chính tăng mạnh

Tổng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) trên địa bàn 5 tháng đầu năm 2024 ước thực hiện 227,3 nghìn tỷ đồng, đạt 55,6% dự toán pháp lệnh năm và tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước; tổng chi ước đạt 25,4% và tăng 20,6%. Vốn đầu tư từ nguồn NSNN do địa phương quản lý thực hiện tăng 25% và đạt 24% kế hoạch năm 2024.

Chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số giá vàng và USD trong 5 tháng qua đều tăng mạnh: chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2024 giảm 0,13% so với tháng trước, tăng 0,59% so với tháng 12/2023 và tăng 5,43% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 5 tháng đầu năm nay tăng 5,31% so với bình quân cùng kỳ năm 2023; trong đó, có 9/11 nhóm hàng CPI bình quân tăng. Chỉ số giá vàng bình quân tăng 24,87% và Chỉ số giá USD bình quân tăng 5,09% so với bình quân cùng kỳ năm 2023.

Các tổ chức tín dụng trên địa bàn chú trọng tăng trưởng tín dụng, đưa ra nhiều chương trình, gói tín dụng ưu đãi, áp dụng các chính sách lãi suất linh hoạt. Tình hình thanh khoản của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đảm bảo.

Lãi suất cho vay bình quân của NHTM trong nước với các khoản vay cũ và mới còn dư nợ ở mức 7,5 - 9,7%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số ngành lĩnh vực ưu tiên bình quân khoảng 3,6%/năm theo đúng quy định của NHNN. Tuy nhiên, lãi suất cho vay nhìn chung còn cao so với sức chịu đựng của DN và so với lãi suất huy động tiền gửi phổ biến hiện ở mức 0,1 - 0,5%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng, ở mức 4,1 - 5,7%/năm cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Do lãi suất huy động giảm mạnh, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP tính đến cuối tháng 5/2024 chỉ tăng 0,15% so với tháng trước và giảm 0,38% so với thời điểm kết thúc năm 2023; tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TP tăng cũng chỉ tăng 1,14% so với tháng trước và tăng 5,09% so với thời điểm kết thúc năm 2023.

Cho vay theo chương trình kết nối ngân hàng – DN chiếm 15,05% trong tổng dư nợ cho vay nền kinh tế; cho vay đối với DN nhỏ và vừa chiếm 18,9%; chương trình nông nghiệp, nông thôn chiếm 8,93%; cho vay xuất khẩu chiếm 5,14%; cho vay công nghiệp hỗ trợ chiếm 2,32%; cho vay DN ứng dụng công nghệ cao chiếm 0,36%; cho vay chính sách xã hội chiếm 0,43%. Tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng chiếm 1,9% trong tổng dư nợ.

TP cũng ghi nhận nhiều nỗ lực tích cực đảm bảo tiến độ và chất lượng các Luật Thủ đô sửa đổi (dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6); lập quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065...

Thời gian tới, UBND TP tiếp tục chủ động nâng cao chất lượng công tác dự báo để xây dựng các kịch bản phát triển kinh tế - xã hội phù hợp, chủ động ứng phó với các yếu tố khách quan, tình huống đột xuất, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các nhiệm vụ đề ra. Thực hiện quyết liệt chương trình hành động, kế hoạch và giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, các hoạt động tiếp xúc, đối thoại, nâng cao chỉ số phục vụ người dân và DN…; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, khuyến khích cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và dám đột phá vì lợi ích chung, vì công việc chung, theo tinh thần “Chọn đúng người - trao niềm tin - cho điểm tựa - đánh giá bằng sản phẩm cuối cùng”; đồng thời, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm theo Chỉ thị số 24-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, với mục tiêu cao nhất là phục vụ tốt nhất người dân, DN và hiện thực hóa khát vọng xây dựng, phát triển Thủ đô Hà Nội TP "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; TP kết nối toàn cầu, phấn đấu ngang tầm Thủ đô các nước phát triển trong khu vực...

Nhìn chung, kinh tế Hà Nội đang có xu hướng phục hồi rõ nét ở các khu vực, lĩnh vực và địa bàn trong những tháng đầu năm 2024 (quý I/2024, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn Hà Nội tăng 5,5%, cao hơn mức trung bình 5,05% của cả nước) và tiếp tục tăng trưởng ổn định trong những tháng tới, với nhiều bứt phá mạnh mẽ về đầu tư, thu hút FDI, sản xuất công nghiệp, du lịch và xuất nhập khẩu hàng hóa sang 205 quốc gia, vùng lãnh thổ. Hầu hết các DN đều có lượng đơn xuất khẩu tăng so với cùng kỳ...

TS Nguyễn Minh Phong

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/kinh-te-thu-do-khoi-sac-va-ky-vong.html