UOB: 'Chính sách thuế vẫn là rào cản lớn với Việt Nam'

Cho rằng giai đoạn căng thẳng nhất về thuế quan đã qua, United Overseas Bank (UOB) nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm nay lên mức 6,9% và nhận định, giai đoạn tồi tệ nhất có thể đã qua, nhưng chính sách thuế vẫn là rào cản lớn với Việt Nam.

Nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam lên 6,9%

Theo số liệu do Cục Thống kê công bố ngày 5/7 vừa qua, tốc độ tăng trưởng GDP thực của Việt Nam trong quý 2/2025 đã phục hồi mạnh mẽ, đạt 7,96% so với cùng kỳ năm trước, vượt xa so với dự báo của UOB trước đó là 6,1%. Con số này cũng cao hơn mức đã điều chỉnh của quý 1/2025 là 7,05%.

Trong nửa đầu năm 2025, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 7,52% so với cùng kỳ, đây là mức tăng mạnh nhất trong nửa đầu năm kể từ khi có số liệu từ năm 2011.

Báo cáo mới phát hành của UOB cho biết, mức tăng trưởng vượt trội của Việt Nam trong nửa đầu năm chủ yếu đến từ hoạt động xuất khẩu được thúc đẩy trước thời hạn áp thuế, đã tăng mạnh 14% so với cùng kỳ, trong bối cảnh tâm lý thị trường phục hồi sau khi Tổng thống Mỹ Trump rút lại tuyên bố áp thuế vào 2/4 và thay vào đó áp dụng mức thuế cơ bản đồng đều 10% đối với tất cả các đối tác thương mại trong vòng 90 ngày tiến hành đàm phán thuế.

Đặc biệt, diễn biến mới nhất trong đàm phán thương mại với Mỹ đang cho thấy tín hiệu tích cực đối với Việt Nam, sau khi Tổng thống Trump tuyên bố áp thuế 20% lên hàng nhập khẩu từ Việt Nam vào Mỹ, và 40% đối với hàng trung chuyển. "Chúng tôi cho rằng giai đoạn căng thẳng nhất đã qua và dự báo tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2025 sẽ ở mức vừa phải", đại diện Ngân hàng UOB cho biết ngân hàng này điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2025 thêm 0,9 điểm phần trăm, lên mức 6,9%.

Theo UOB, nếu Mỹ yêu cầu tỷ lệ nội địa hóa cao hơn, chẳng hạn 40–50% hoặc thậm chí cao hơn, điều này có thể gây bất lợi cho ngành sản xuất non trẻ của Việt Nam, vốn dựa vào lực lượng lao động dồi dào với chi phí thấp, thay vì công nghệ sản xuất tiên tiến. Ngược lại, nếu mức yêu cầu về tỷ lệ nội địa hóa chỉ ở mức 20–30% hoặc thấp hơn, đây sẽ là tín hiệu tích cực, cho phép hoạt động kinh doanh tiếp tục ổn định mà ít bị gián đoạn.

Chuyên gia của UOB nhận định, Việt Nam đặc biệt dễ bị tổn thương trước các căng thẳng thương mại do tính chất mở của nền kinh tế: xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ chiếm tới 83% GDP của Việt Nam – cao thứ hai trong khu vực ASEAN, chỉ sau Singapore (182%) – đồng thời Việt Nam có mức độ phụ thuộc lớn vào thị trường Mỹ.

Năm 2024, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu 406 tỷ USD, tiếp theo là Trung Quốc (15%) và Hàn Quốc (6%). Các mặt hàng chính xuất khẩu sang Mỹ bao gồm: sản phẩm điện và điện tử đạt 41,7 tỷ USD, điện thoại di động và sản phẩm liên quan đạt 28,8 tỷ USD, đồ nội thất đạt 13,2 tỷ USD, giày dép đạt 8,8 tỷ USD, hàng dệt kim đạt 8,2 tỷ USD, và hàng dệt không dệt kim đạt 6,6 tỷ USD. Các nhóm hàng này chiếm gần 80% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ trong năm 2024.

VND sẽ duy trì mức thấp trong quý 3/2025, phục hồi trong quý 4/2025

Đồng Việt Nam (VND) là đồng tiền giảm giá mạnh nhất châu Á trong nửa đầu năm 2025, giảm 2,5% so với đồng USD.

UOB đưa ra dự báo, VND sẽ duy trì gần mức thấp trong biên độ giao dịch so với đồng USD cho đến hết quý 3 năm 2025. Tuy nhiên, sang quý 4 năm 2025, VND có thể bắt đầu phục hồi phù hợp với xu hướng hồi phục chung của các đồng tiền châu Á khi những bất ổn thương mại giảm bớt. Dự báo tỷ giá USD/VND là: 26.400 trong quý 3/2025, 26.200 trong quý 4/2025, 26.000 trong quý 1/2026, và 25.800 trong quý 2/2026.

Tại cuộc họp báo thông tin về kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025 của Ngân hàng Nhà nước, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Phạm Chí Quang cho biết, thời gian qua, có lúc tỷ giá USD/VND ở mức đỉnh 26.345 đồng/USD. Không chỉ mất giá so với USD, tỷ giá tiền đồng so với yen Nhật hay Bảng Anh cũng tăng. Một trong những nguyên nhân tiền đồng mất giá vì NHNN muốn duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ cho doanh nghiệp, nền kinh tế.

Hải Yến

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/uob-chinh-sach-thue-van-la-rao-can-lon-voi-viet-nam-20250708162602415.htm