Kinh tế toàn cầu sắp có nhiều tác động

Một trong những nội dung quan trọng được nhiều nhà phân tích trên thế giới quan tâm hiện nay là những tác động đối với nền kinh tế toàn cầu sau khi ông Donald Trump trở lại nắm quyền Tổng thống Mỹ. Phần lớn những dự báo cho rằng, trong 4 năm nhiệm kỳ tới đây, sẽ có nhiều tác động kinh tế đối với phần còn lại của thế giới một cách sâu sắc và khá cấp bách.

Ông Donald Trump phát biểu trước những người ủng hộ ông tại Trung tâm Hội nghị Palm Beach, bang Florida, Mỹ, ngày 6/11/2024. Ảnh: Getty Images

Ông Donald Trump phát biểu trước những người ủng hộ ông tại Trung tâm Hội nghị Palm Beach, bang Florida, Mỹ, ngày 6/11/2024. Ảnh: Getty Images

Sẽ có áp lực tài chính

Theo giới chuyên gia chính trị quốc tế, trong cuộc đua vào Nhà Trắng vừa qua, ông Trump đã đưa ra nhiều cam kết phản ánh ý chí khi được trao quyền lãnh đạo siêu cường thế giới. Hầu hết những cam kết này đều được nhìn nhận là sẽ gây ra những tác động đối với phần còn lại của thế giới. Các nhận định cùng chỉ ra rằng, chỉ cần ông Trump thực hiện được một phần nhỏ trong số các cam kết của mình thì cũng đủ để gây ra những áp lực đối với tài chính chính phủ, lạm phát, tăng trưởng kinh tế và lãi suất. Những áp lực này sẽ được cảm nhận ở mọi ngóc ngách của thế giới.

Một số cam kết mà ông Trump nêu ra thu hút sự quan tâm của đại chúng như: Áp thuế quan thương mại cao hơn; bãi bỏ các quy định cho phép khoan dầu nhiều hơn; đưa ra nhiều yêu cầu hơn đối với các đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)...

Khi cầm quyền tổng thống, một yếu tố giúp tạo nên sức mạnh rất lớn của ông Trump là việc Đảng Cộng hòa của ông đã bảo đảm kiểm soát Thượng viện, đồng thời đang đạt được những bước tiến tích cực tại Hạ viện. Đây sẽ là nguồn lực giúp tổng thống dễ dàng hơn trong việc lập pháp các đề xuất của mình và thúc đẩy các cuộc bổ nhiệm quan trọng.

Theo giới chuyên gia kinh tế, thuế nhập khẩu, bao gồm mức thuế quan phổ cập 10% đối với hàng nhập khẩu từ tất cả các quốc gia và thuế quan 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc là một chính sách then chốt của ông Trump và có khả năng sẽ tác động toàn cầu lớn nhất.

Thực tế cho thấy, thuế quan cản trở thương mại toàn cầu, làm giảm tăng trưởng cho các nhà xuất khẩu và gây áp lực lên tài chính công của tất cả các bên liên quan. Thuế quan có khả năng làm tăng lạm phát ở Mỹ, buộc Cục Dự trữ Liên bang (FED) phải hành động với chính sách tiền tệ chặt chẽ hơn.

Theo mô tả của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tăng trưởng toàn cầu hiện nay ở mức yếu. Hầu hết các quốc gia đều có sự mở rộng yếu ớt. Trong bối cảnh đó, việc có thêm tác động với thương mại toàn cầu có khả năng gây ra rủi ro sụt giảm đối với mức dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu 3,2% năm 2025.

Chi phí nhập khẩu đắt đỏ hơn thường khiến các doanh nghiệp tăng giá sản phẩm để khách hàng là đối tượng căn bản chịu sự biến động này. Vì vậy, thuế quan có khả năng gây lạm phát cho người tiêu dùng Mỹ, buộc Fed phải giữ lãi suất cao trong thời gian dài hơn hoặc thậm chí đảo ngược hướng đi và tăng chi phí đi vay một lần nữa.

Dự báo này có thể sẽ xảy ra trên thực tế, nếu ông Trump giữ nguyên các cam kết về chi tiêu và thuế. Theo Ủy ban Ngân hàng Liên bang có trách nhiệm - một ủy ban phi đảng phái ở Mỹ, những dự báo nêu trên có thể làm tăng nợ của Mỹ thêm 7,75 nghìn tỷ USD cho đến năm 2035.

Nhiều chuyên gia cho rằng, lạm phát cao hơn sẽ gây áp lực lên nhu cầu trong nước, đặc biệt là khi đòi hỏi phải có phản ứng chính sách tiền tệ hạn chế, với tác động tiêu cực đến tăng trưởng.

Nỗi lo bao trùm ở nhiều nơi

Với những dự báo về chính sách của ông Donald Trump khi nắm quyền điều hành đất nước, nhiều thị trường mới nổi đang lo ngại sẽ gặp khó, bởi sự phụ thuộc vào nguồn quỹ bằng USD.

Sự gia tăng của lạm phát Mỹ có thể gây áp lực lên giá cả ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới, nhất là trong trường hợp ông Trump áp thuế quá cao với Trung Quốc như ông đã cam kết.

Nhiều chính phủ trên thế giới cũng có khả năng sẽ “trả đũa” bất kỳ khoản thuế nhập khẩu nào của Mỹ. Nếu vậy, thương mại sẽ bị kìm hãm hơn nữa, tăng trưởng toàn cầu sẽ giảm sâu hơn nữa.

Theo giới chuyên gia, lãi suất cao của Fed và chi phí vay thấp hơn ở những nơi khác cũng sẽ thúc đẩy đồng USD gây ra nhiều tổn thương hơn cho các thị trường mới nổi, vì hơn 60% nợ quốc tế được tính bằng USD.

Mexico được nhìn nhận là quốc gia sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất sau những phát ngôn của ông Trump về việc đóng cửa biên giới. Mexico vốn dễ bị tổn thương vì căng thẳng thương mại và các mối đe dọa trục xuất có thể làm trầm trọng thêm các vấn đề trong nước.

Châu Âu cũng đối mặt với nhiều áp lực tài chính, sau khi ông Trump chính thức cầm quyền vào đầu năm tới. Dễ thấy, các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) có thể chịu thêm đòn giáng của chi phí quốc phòng tăng, nếu ông Trump giảm hỗ trợ cho NATO. Kể từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay, lục địa này đã dựa vào sức mạnh từ sự hiện diện của quân đội Mỹ.

Trong bối cảnh an ninh châu Âu diễn biến phức tạp trong thời gian qua, sự phụ thuộc của châu Âu vào sức mạnh quân sự của Mỹ ngày càng sâu sắc. Lục địa này có thể sẽ buộc phải lấp đầy bất kỳ khoảng trống nào do một cuộc rút quân quy mô lớn tiềm tàng của Mỹ khỏi lục địa, nếu siêu cường này không đạt được những lợi ích hàng đầu đang được ông Trump thượng tôn.

Hiện nay, nợ chính phủ ở châu Âu đã đạt mức gần 90% GDP, do vậy, nền tài chính bị căng thẳng và các chính phủ sẽ phải vật lộn để kích thích nền kinh tế đang chịu nhiều rào cản thương mại, trong khi vẫn phải chi tiêu rất nhiều tiền cho quân sự, thậm chí còn phải gia tăng đáng kể chi phí cho quốc phòng.

Ông Erik Nielsen, Cố vấn kinh tế trưởng của Tập đoàn UniCredit nhìn nhận: “Các cam kết về tài chính của ông Trump sẽ gây khá nhiều rắc rối đối với thị trường tài chính toàn cầu nói chung và nền kinh tế Mỹ nói riêng. Bởi những cam kết này có thể mở rộng đáng kể thâm hụt vốn đã quá mức, trong khi đe dọa làm suy yếu các thể chế quan trọng. Thị trường trái phiếu Kho bạc Mỹ cũng đứng trước nguy cơ nghiêm trọng do những thay đổi chính sách tiềm tàng và từ đó kéo theo sự ổn định tài chính toàn cầu”.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/kinh-te-toan-cau-sap-co-nhieu-tac-dong-post483173.html