Kinh tế trang trại: Cần trợ lực để phát triển
Kinh tế trang trại đang dần khẳng định vị thế là một trong những trụ cột quan trọng của sản xuất nông nghiệp tỉnh. Với lợi thế về đất đai màu mỡ, nguồn lao động dồi dào, nhiều mô hình trang trại đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế tích cực, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy nhiên, để kinh tế trang trại thực sự bứt phá và phát triển bền vững, vẫn còn nhiều rào cản cần được tháo gỡ.
Những rào cản
Trang trại trồng cây ăn quả của ông Nguyễn Văn Thái, thôn Quang Sơn, xã Chiêu Yên (Yên Sơn) dù được đánh giá là một trong những mô hình sản xuất an toàn, nhưng lợi nhuận lại không được bao nhiêu. Ông Nguyễn Văn Thái cho biết: Năm 2017, ông đầu tư trồng cam vinh và chanh trên diện tích 4 ha. Gia đình tập trung đi sâu sản xuất theo hướng an toàn, với tiêu chuẩn hữu cơ. Nhưng chi phí đầu tư cao, giá bán sản phẩm không tăng nên lợi nhuận không được là bao.
Có thị trường tiêu thụ sản phẩm nhưng trang trại chăn nuôi lợn của ông Nguyễn Đăng Khoa, xã Chi Thiết (Sơn Dương) lại không thể mở rộng được quy mô do thiếu vốn. Ông Khoa chia sẻ: Giá lợn giống đang cao nhất từ trước đến nay, trung bình từ 2,7 - 3 triệu đồng/con lợn giống có trọng lượng từ 7 - 8 kg. Và để vào một đàn lợn giống 50 - 60 con chi phí trên 130 - 140 triệu đồng, giá giống đắt đã vậy, giá thức ăn cũng đang tăng lên chóng mặt. Và với nguồn lực có hạn thì ông cũng đành liệu cơm để gắp mắm.

Trang trại chăn nuôi lợn của ông Trịnh Văn Lực, thôn Đô Thượng, xã Xuân Vân (Yên Sơn) doanh thu mỗi năm gần 2 tỷ đồng.
Trong báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường, kinh tế trang trại Tuyên Quang vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức. Thách thức đầu tiên phải kể đến đó là nhiều trang trại thiếu tính liên kết với doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ, hoàn toàn sản xuất theo hướng tự phát, thiếu thông tin về thị trường; việc xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm nông sản của các trang trại còn yếu, chưa tạo được lợi thế cạnh tranh trên thị trường dẫn đến tình trạng sản phẩm làm ra không tìm được thị trường tiêu thụ, chưa nói đến chuyện tình trạng sản xuất mất cân đối cung cầu gây thiệt hại cho chính chủ trang trại.
Cùng với đó là hầu hết trang trại của tỉnh quy mô vừa và nhỏ, tiềm lực tài chính hạn chế đã ảnh hưởng kế hoạch đầu tư phát triển sản xuất. Theo thống kê của Chi cục Phát triển nông thôn, toàn tỉnh có 325 trang trại, vốn đầu tư xây dựng bình quân của một trang trại là 1,6 tỷ đồng, thấp hơn bình quân chung của cả nước 800 triệu đồng.
Tập trung tháo gỡ khó khăn
Ngành Nông nghiệp và Môi trường đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho các trang trại tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi, có chính sách hỗ trợ lãi suất, bảo lãnh tín dụng để các trang trại có thể đầu tư vào cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị hiện đại, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Đồng chí Trần Hải Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và thị trường, Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết: Chỉ riêng với Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa; sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh đã giải ngân được trên 112 tỷ đồng đầu tư phát triển sản xuất, trong đó có gần 31 tỷ đồng cho vay để phát triển kinh tế trang trại với 82 khách hàng.
Cùng với việc rót vốn cho các trang trại, tỉnh cũng tăng cường đầu tư xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng nông thôn, đặc biệt là hệ thống giao thông, thủy lợi, điện lưới, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, vận chuyển và tiêu thụ nông sản. Tỉnh cũng đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, hỗ trợ các trang trại xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, kết nối với các doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ, tạo ra chuỗi giá trị bền vững. Trong tổng số 275 sản phẩm OCOP được công nhận đạt từ 3 sao trở lên có phần lớn là các sản phẩm của các trang trại. Và theo kết quả khảo sát mới nhất của ngành Nông nghiệp và Môi trường đã có 26 trang trại bước đầu thiết lập chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ, chế biến sản phẩm.
Ngành Nông nghiệp cũng đã lập kế hoạch phối hợp với các cơ quan liên quan đánh giá công nhận tiêu chí trang trại cho các mô hình đáp ứng đủ điều kiện, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ trang trại tiếp cận các chính sách có lợi. Bên cạnh đó, sẽ tổ chức các chương trình tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học, chuyển đổi số cho các chủ trang trại trên địa bàn nhằm ứng dụng vào sản xuất, giảm thiểu sức lao động, gia tăng giá trị kinh tế.
Kinh tế trang trại Tuyên Quang đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh. Với sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời và hiệu quả từ các cấp chính quyền, ngành chuyên môn cùng với sự năng động, sáng tạo của chủ trang trại hy vọng rằng kinh tế trang trại của tỉnh sẽ ngày càng khởi sắc, trở thành một điểm sáng trong bức tranh nông nghiệp.