Kinh tế Trung Quốc sa sút, thế giới lo ngại

Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc nhận định nhu cầu thị trường yếu vẫn là vấn đề chính mà các doanh nghiệp đang đối mặt

Hoạt động sản xuất của Trung Quốc tiếp tục thu hẹp trong tháng 8-2023, tức tháng thứ 5 liên tiếp. Trong khi đó, hoạt động phi sản xuất đạt mức thấp mới kể từ đầu năm. Đây là những dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới chưa khôi phục đà tăng trưởng.

Theo dữ liệu được Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố ngày 31-8, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) trong tháng 8 là 49,7. Chỉ số này có cải thiện hơn so với tháng 7 (49,3). PMI trên 50 cho thấy sự mở rộng của hoạt động sản xuất và dưới 50 cho thấy sự thu hẹp.

Ông Zhao Qinghe, quan chức cấp cao của NBS, nhận định: "Kết quả khảo sát cho thấy nhu cầu thị trường yếu vẫn là vấn đề chính mà các doanh nghiệp đang đối mặt. Nền tảng cho sự phục hồi và phát triển của ngành sản xuất cần được củng cố hơn nữa".

Cùng ngày, một thông tin tích cực đến từ cuộc khảo sát của Công ty phân tích China Beige Book. Theo đó, chi tiêu tiêu dùng tại Trung Quốc trong tháng 8 đã hồi phục.

Kết quả khảo sát 1.500 doanh nghiệp cho thấy các lĩnh vực may mặc, ô tô, thực phẩm, đồ nội thất, thiết bị và hàng xa xỉ đều có doanh số bán hàng tăng rõ rệt trong tháng 8. Du lịch nội địa cũng chứng kiến sự tăng trưởng trong mùa hè này.

Công nhân làm việc trong dây chuyền sản xuất tại nhà máy ở TP Đức Châu, tỉnh Sơn Đông - Trung Quốc Ảnh: REUTERS

Công nhân làm việc trong dây chuyền sản xuất tại nhà máy ở TP Đức Châu, tỉnh Sơn Đông - Trung Quốc Ảnh: REUTERS

Theo trang tin Bloomberg, các số liệu nói trên cho thấy nỗ lực thúc đẩy kinh tế của Bắc Kinh đang đạt được một số hiệu quả nhất định. Ông Louis Kuijs, Kinh tế trưởng khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Cơ quan Xếp hạng tín dụng quốc tế S&P Global Ratings, cho rằng sự cải thiện về PMI là tín hiệu tích cực đối với thị trường hàng hóa toàn cầu.

Trong khi đó, nhà kinh tế học Chang Shu và Eric Zhu tại Bloomberg Economics nhìn nhận: "Nhu cầu yếu tiếp tục cản trở tiến trình phục hồi. Sự hỗ trợ chính sách đang mang lại một số hiệu quả. Tuy nhiên, nếu không có sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn, đặc biệt là giải pháp điều phối cho lĩnh vực bất động sản, tăng trưởng có nguy cơ tiếp tục chịu áp lực và căng thẳng tài chính lan rộng".

Trung Quốc được kỳ vọng đóng góp 1/3 tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay nhưng tình hình kinh tế nước này trong những tháng qua đang gây lo ngại trên thế giới.

Theo ông Louis Kuijs, việc phục hồi chi tiêu dịch vụ ngày càng chậm lại có thể dẫn đến sự thất vọng ở các nền kinh tế khác, nhất là những nước châu Á đang trông chờ sự phục hồi của du khách Trung Quốc.

Nhiều quốc gia cũng xem Trung Quốc là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất và họ đang chuẩn bị ứng phó tác động khi hoạt động nhập khẩu của nước này suy giảm. Theo thống kê, kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc đã giảm trong 9/10 tháng gần đây nhất do nhu cầu sụt giảm.

Vào tháng 7, Nhật Bản ghi nhận kim ngạch xuất khẩu giảm lần đầu tiên trong hơn 2 năm do Trung Quốc giảm nhập khẩu ô tô và đồ điện tử. Các ngân hàng trung ương Hàn Quốc và Thái Lan cũng hạ dự báo tăng trưởng vào tuần trước với lý do sự phục hồi chậm của Trung Quốc.

Theo nghiên cứu của Quỹ Tiền tệ quốc tế, mỗi điểm % tăng lên trong tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc sẽ thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu thêm khoảng 0,3 điểm %.

Xuân Mai

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/kinh-te-trung-quoc-sa-sut-the-gioi-lo-ngai-20230831195132476.htm