Kinh tế TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Tận dụng lợi thế về địa hình, khí hậu, huyện Mường Tè tập trung phát triển trồng cây dược liệu với nhiều giống cây, tạo hướng đi mới trong việc phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Từ đó, tạo thêm việc làm cho người lao động, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Đến với các xã biên giới: Tá Bạ, Pa Vệ Sủ, Thu Lũm, Ka Lăng, chúng tôi thấy bà con không chỉ phát triển kinh tế từ chăn nuôi, trồng cây ăn quả, kinh doanh hàng tạp hóa mà còn trồng cây dược liệu như: sả, tam thất, sa nhân, thất diệp nhất chi hoa, thảo quả... Nhiều loại cây dược liệu phát triển, sinh trưởng tốt, đem lại thu nhập cao cho người dân.

Chị Chu Mò Pạ (bản Tá Bạ, xã Tá Bạ) cho biết: Bên cạnh chăn nuôi, tôi đầu tư trồng tam thất và thất diệp nhất chi hoa trên diện tích hơn 2.000m2. Để cây phát triển, không bị sâu bệnh, ngoài làm theo hướng dẫn của cán bộ xã, Phòng Nông nghiệp huyện, tôi còn lên mạng internet tìm hiểu thêm thông tin, sử dụng nước, phân bón hợp lý. Do đó, cây phát triển tốt, vụ trước thu hoạch, tôi thu lãi gần 20 triệu đồng cộng với các khoản thu nhập khác nên cuộc sống đỡ vất vả.

Người dân xã Tá Bạ (huyện Mường Tè) chăm sóc cây dược liệu thất diệp nhất chi hoa.

Người dân xã Tá Bạ (huyện Mường Tè) chăm sóc cây dược liệu thất diệp nhất chi hoa.

Để cây dược liệu trở thành hướng đi mới trong phát triển kinh tế của người dân, UBND huyện chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với các xã tích cực triển khai tới bà con. Đến các bản, cán bộ phòng vào từng hộ tuyên truyền về lợi ích kinh tế, công dụng chữa bệnh mà cây dược liệu mang lại, trong khi đó việc chăm sóc không phải cầu kỳ, mất thời gian, khi thu hoạch xuất ra ngoài thị trường, giá trị kinh tế thu về gấp 2, gấp 3 lần so với làm nương, ruộng. Tạo sức hút, cán bộ xã, huyện triển khai trồng thử, đưa các hình ảnh, số liệu chứng minh để khuyến khích người dân; lựa chọn giống cây trồng phù hợp với địa phương để khi triển khai trồng, không bị sâu bệnh, kém phát triển, ảnh hưởng nguồn vốn đầu tư của người dân. Phối hợp với các doanh nghiệp, tổ chức giới thiệu sản phẩm cây dược liệu ra thị trường, cải thiện mức thu nhập cho bà con. Ngoài ra, UBND huyện còn cử các hộ tham gia đoàn đi tham quan mô hình ở nhiều địa phương học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc, áp dụng vào địa bàn.

Tin tưởng sự định hướng của cấp ủy, chính quyền địa phương, Nhân dân các xã tham gia xây dựng mô hình phát triển cây dược liệu, từ nhận giống, chăm sóc đến thu hoạch đều theo quy trình. Khi đưa giống vào trồng, người dân cải tạo đất, loại bỏ cỏ gianh, nhất là những cây như: tam thất, thất diệp nhất chi hoa nếu không được trồng đúng cách, cây sẽ không phát triển, còn đối với cây: thảo quả, sa nhân được trồng xen kẽ trong rừng. Nước tưới được dẫn từ các khe, mó theo dòng chảy về các mô hình để người dân tiện lợi trong việc sử dụng. Phân bón được kết hợp từ phân chuồng và các sản phẩm ngoài thị trường tăng thêm chất dinh dưỡng cho cây trồng. Không những vậy, dân bản còn được hướng dẫn kỹ thuật, cách trồng, chăm sóc để tăng hiệu quả. Ngoài ra, người dân quy hoạch các bãi chăn thả gia súc xa khu vực trồng cây dược liệu, xây dựng rào chắn tránh gia súc phá hoại, sử dụng thuốc trừ sâu hợp lý.

Anh Chu Lù Ky (bản Mé Gióng, xã Ka Lăng) cho biết: Được xã tuyên truyền, định hướng, người dân trong bản vay vốn đầu tư vào phát triển cây dược liệu: sả, sa nhân, thảo quả. Tích cực học hỏi, áp dụng kỹ thuật, triển khai theo hướng dẫn nên mỗi lần thu hoạch đều thu lãi cao, cuộc sống từng bước nâng lên. Tôi vay vốn đầu tư trồng nương sả với diện tích hơn 1ha để chiết xuất tinh dầu, tham gia trồng các cây dược liệu mà xã triển khai, mỗi vụ thu lãi gần 30 triệu đồng, góp phần thay đổi cuộc sống.

Nhân dân các xã tích cực kiểm tra, đánh giá sự sinh trưởng của cây, đồng thời xử lý sâu bệnh, cỏ dại, nếu phát hiện cây có triệu chứng bất thường báo ngay cho chính quyền địa phương kịp thời xử lý. Qua đó, tỷ lệ sống của cây luôn đạt trên 95%. Hiện nay, diện tích trồng cây dược liệu của huyện gần 5.000ha, trong đó các cây: sả, sa nhân, thảo quả chiếm gần 4.300ha. Đây là những cây mang lại giá trị kinh tế cao, nhiều thương lái còn tự đến tận nơi để thu mua. Ngoài ra, người dân ở các xã biên giới còn trồng 600ha cỏ thơm, quả đỏ để xuất bán sang Trung Quốc.

Anh Tống Văn Thi - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Cây dược liệu dần trở thành thế mạnh của địa phương, có sức cạnh tranh trên thị trường. Để cây dược liệu ngày càng phát triển, phòng tiếp tục phối hợp với các xã, thị trấn vận động người dân tham gia; nhập các giống cây có chất lượng về trồng; quan tâm đến chất lượng chăm sóc; kết nối với các doanh nghiệp, tổ chức giới thiệu sản phẩm tới thị trường.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/m%E1%BB%9F-r%E1%BB%99ng-v%C3%A0-ph%C3%A1t-tri%E1%BB%83n-c%C3%A2y-d%C6%B0%E1%BB%A3c-li%E1%BB%87u