Kinh tế TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Khoảng vài tháng qua, giá thịt lợn hơi xuất chuồng giảm sâu khiến người nuôi lợn chịu nhiều thiệt hại và không có động lực tái đàn. Điều này khiến nhiều người lo lắng về nguy cơ khan hiếm thịt lợn vào dịp tết Nguyên đán sắp tới.

Giá lợn hơi giảm sâu - giá thịt lợn giảm nhẹ

Trong 9 tháng đầu năm nay, giá lợn thịt lợn hơi xuất chuồng có xu hướng giảm. Cụ thể: Từ tháng 3, 4, giá bình quân khoảng 70.000 - 75.000 đồng/kg; đến tháng 7, 8, giá bình quân giảm còn 50.000 - 60.000 đồng/kg, có địa phương xuống dưới 50.000 đồng/kg. Từ tháng 9 đến khoảng giữa tháng 10, giá thịt lợn hơi xuất chuồng tiếp tục giảm xuống còn 35.000 - 40.000 đồng/kg (giảm khoảng 40-50% so với đầu năm).

Khảo sát giá thịt lợn bán cho người tiêu dùng tại các chợ truyền thống chúng tôi nhận thấy giá đã giảm trung bình từ 160.000 - 170.000 đồng/kg xuống còn 100.000 - 110.000 đồng/kg (tương đương khoảng trên 30%). Như vậy, giá thịt lợn được bán đến tay người tiêu dùng có giảm nhưng chưa tương xứng với giá lợn hơi. Chị Lò Thị Thương (phường Đông Phong, thành phố Lai Châu) tâm sự: Rất nhiều lần, giá thịt lợn hơi tăng thì giá thịt thương phẩm tăng rất cao, nhưng khi giá lợn hơi năm nay giảm sâu thế này mà giá thị trường vẫn giảm không đáng kể. Người nuôi và người tiêu dùng là chịu thiệt nhiều nhất.

Lý giải về điều này, đồng chí Phạm Anh Hùng - Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Thứ nhất, do quy mô thị trường sản phẩm chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng trên địa bàn tỉnh còn nhỏ lẻ, sản lượng tiêu thụ hàng ngày ít, trong khi đó, tỉnh chưa có cơ sở giết mổ tập trung (100% là giết mổ nhỏ lẻ). Việc này dẫn đến tồn tại nhiều tầng nấc trung gian trong chuỗi lưu thông và tiêu thụ sản phẩm thịt lợn như: khâu phân phối, lưu thông, giết mổ, bán buôn, bán lẻ. Và đương nhiên qua mỗi tầng nấc trung gian, giá cả lại tăng lên từ 5-10%. Thứ hai, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên các chi phí liên quan đồng loạt tăng, đặc biệt là chi phí vận chuyển và chi phí phòng chống dịch bệnh Covid-19. Do đó, mặc dù giá lợn hơi giảm mạnh nhưng giá thịt lợn tới tay người tiêu dùng tại các hàng thịt, chợ truyền thống vẫn chưa giảm tương ứng.

Hộ chăn nuôi xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ chăm sóc đàn lợn, chuẩn bị lợn thương phẩm cho dịp tết Nguyên đán 2022.

Hộ chăn nuôi xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ chăm sóc đàn lợn, chuẩn bị lợn thương phẩm cho dịp tết Nguyên đán 2022.

Người chăn nuôi lỗ vốn

Theo tính toán giá thành sản xuất nếu chăn nuôi lợn theo chuỗi khép kín (chủ động sản xuất được con giống), giá thành khoảng 45.000-50.000 đồng/kg; nếu phải mua con giống giá thành khoảng từ 53.000-60.000 đồng/kg. Theo đó, với mức giá lợn hơi xuất chuồng khoảng 50.000 đồng/kg, nếu chăn nuôi khép kín, chủ động được nguồn con giống thì người chăn nuôi ít chịu ảnh hưởng; nếu phải mua con giống thì sẽ lỗ khoảng 3.000-10.000 đồng/kg lợn hơi. Còn thời điểm giá lợn hơi như cuối tháng 9 đến giữa tháng 10 (35.000 - 40.000 đồng/kg) thì người chăn nuôi lỗ khoảng từ 10.000 - 20.000 đồng/kg lợn hơi.

Trong khi đó, thời gian qua giá cả thị trường các nguyên liệu đầu vào như thức ăn chăn nuôi, con giống, sản phẩm chăn nuôi không ổn định, biến động tùy từng thời điểm cũng góp phần tạo những khó khăn lớn cho người chăn nuôi.

Hàng chục năm nay, do không có việc ổn định nên vợ chồng ông Lý A Tràng ở bản Tả Làn Than (phường Tân Phong, thành phố Lai Châu) đều nuôi lợn để coi như khoản tiết kiệm, sử dụng khi gia đình có việc. Mỗi năm nuôi 2 lứa, trung bình 10 con/lứa. Gia đình có lợn nái nên chủ động được con giống. Năm ngoái, gia đình bán hết lợn nái và từ tháng 12/2020 bắt đầu nuôi 8 con lứa mới. Nhưng sang đến năm 2021, giá lợn hơi xuống thấp, lợn đã đến thời điểm xuất chuồng mà ông cứ chần chừ chưa bán vì hy vọng chờ mấy nữa giá sẽ tăng lên. Nhưng càng chờ, giá càng giảm sâu, có thời điểm chỉ còn khoảng 40 nghìn đồng/kg.

Tháng 10 vừa qua, ông quyết định tự mổ lợn để bán nhằm vớt vát tiền chênh lệch khi bán cho thương lái. Ông Tràng chia sẻ: Cứ cách 3 – 4 ngày, gia đình tôi lại mổ 1 con (trọng lượng dao động 120 – 130kg/con) và trực tiếp bán lẻ. Nhờ tự mổ bán tôi thu được thêm khoảng 1-2 triệu đồng/con so với bán lợn hơi cho thương lái. Nuôi lợn năm nay coi như lỗ nặng. Mọi năm 1 con xuất chuồng (bán cho thương lái) gia đình tôi thu hơn 10 triệu đồng, năm nay 1 con bán (tự mổ) chỉ thu về được 6-7 triệu đồng.

Thị trường thịt lợn tết Nguyên đán liệu có khan hiếm?

Trước băn khoăn của người dân về nguy cơ khan hiếm thịt lợn dịp tết Nguyên đán, đồng chí Phạm Anh Hùng cho hay: Những ngày gần đây giá lợn hơi đang tăng dần, đến thời điểm hiện tại giá lợn hơi xuất chuồng đang ở mức trên 50.000 đồng/kg. Nguyên nhân là do dịch bệnh Covid-19 trong cả nước cơ bản được kiểm soát, các lò giết mổ đã hoạt động trở lại, các bếp ăn tập thể tại các khu công nghiệp, nhà máy quay trở lại hoạt động... Từ đó thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ thịt lợn tăng lên nên giá lợn hơi đang có tín hiệu tăng dần. Mặc dù giá lợn hơi trong thời gian qua có nhiều biến động theo hướng giảm dưới giá thành sản xuất, nhưng hiện nay giá lợn hơi xuất chuồng đang tăng dần và dự kiến tiếp tục sẽ tăng trong thời gian tới. Điều này tạo điều kiện và động lực cho các hộ chăn nuôi tái đàn, tăng đàn phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong các tháng cuối năm, đặc biệt là dịp tết Nguyên đán.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, trên địa bàn tỉnh hiện nay, phương thức chăn nuôi lợn vẫn chủ yếu theo phương thức nhỏ lẻ, nông hộ (chiếm trên 99% hộ chăn nuôi, và chiếm khoảng 80% tổng đàn lợn). Chăn nuôi theo phương thức này thì đối tượng nuôi là lợn giống địa phương, sử dụng nguồn thức ăn chủ yếu tận dụng nguồn phụ phẩm nông nghiệp tại gia đình; trong khi đó giá bán tuy có giảm nhưng vẫn ở mức cao hơn so với lợn nuôi công nghiệp từ 5.000-7.000 đồng/kg/lợn hơi. Vì vậy, việc giá lợn hơi trên thị trường giảm trong thời gian qua ảnh hưởng không nhiều đến các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, số lượng tổng đàn lợn cơ bản đến nay vẫn được duy trì và có phần tăng trưởng. Đàn lợn được người dân đưa vào sản xuất để phục vụ tết Nguyên đán đã được nhập về nuôi từ khoảng đầu tháng 9. Đến nay qua khảo sát ở một số trang trại chăn nuôi lợn quy mô lớn trên địa bàn tỉnh thì đàn lợn cơ bản đã được tái đàn theo kế hoạch để phục vụ dịp tết.

Cùng với đó, hiện bệnh dịch tả lợn Châu phi trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát là điều kiện để người dân tái đàn, duy trì, mở rộng quy mô chăn nuôi. Ngoài ra, nguồn cung thực phẩm từ thịt các loại trên địa bàn tỉnh hiện nay đang khá dồi dào và phong phú, nhất là đàn gia cầm đang phát triển mạnh và nguồn gia cầm nhập từ các tỉnh khác lên với giá thành hợp lý (dao động 60.000 - 70.000 đồng/kg tùy giống gia cầm). Mặt khác, các loại thực phẩm từ thủy sản cũng rất đa dạng cùng với những khó khăn trong tiêu thụ do dịch Covid-19 nên giá cả hạ hơn so với trước. Nhờ đó, người dân có nhiều sự lựa chọn thực phẩm phục vụ nhu cầu hàng ngày hơn, không chỉ tập trung sử dụng thịt lợn làm thực phẩm chính.

Từ các phân tích trên cho thấy nguồn cung sản phẩm thịt lợn trong dịp tết Nguyên đán sắp tới sẽ ít có khả năng biến động nhiều. Người dân không nên hoang mang, tiếp tục phát triển chăn nuôi, làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh - đồng chí Phạm Anh Hùng khẳng định.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/th%E1%BB%8B-tr%C6%B0%E1%BB%9Dng-th%E1%BB%8Bt-l%E1%BB%A3n-d%E1%BB%8Bp-t%E1%BA%BFt-li%E1%BB%87u-c%C3%B3-khan-hi%E1%BA%BFm