Kinh tế TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Những năm trước đây, khi nhắc tới bản Hua Ná, mọi người thường nghĩ tới miền quê nghèo khó của xã Pa Khóa (huyện Sìn Hồ). Nhưng giờ đây đã khác, đời sống người dân ngày càng no ấm, bản làng sạch đẹp, khang trang; tăng gia, sản xuất được đẩy mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa. Phát huy mọi nguồn lực, nỗ lực thoát nghèo, Hua Ná đã rũ bỏ nghèo khó và đang đổi thay từng ngày.

Là xã thuần nông, sau khi được Nhà nước đầu tư các công trình thủy lợi kiên cố, sản xuất không còn phụ thuộc vào thiên nhiên như trước, bà con dân bản chủ động khai hoang, mở rộng diện tích lúa nước. Các giống lúa cũ cho sản lượng thấp và kháng sâu bệnh kém được thay bằng những giống lúa chất lượng, năng suất cao: Nhị ưu, bắc ưu, nghi hương. Nhờ đó, bà con đã thoát khỏi cảnh nghèo đói, đứt bữa vào những ngày giáp hạt. Các giống mới: nghi hương, nhị ưu, bắc ưu… cho năng suất trung bình đạt 4,2 - 4,7 tấn/ha. Vì thế chỉ với hơn 50ha lúa nước nhưng dân bản Hua Ná nhà nào cũng thóc lúa đầy bồ, đời sống ngày càng no ấm.

Ông Lò Văn Hịch (bản Hua Ná, xã Pa Khóa) chăm sóc đàn gia súc của gia đình.

Ông Lò Văn Hịch (bản Hua Ná, xã Pa Khóa) chăm sóc đàn gia súc của gia đình.

Quyết tâm vươn lên từ đồng đất, cùng với mở rộng diện tích sản xuất lúa nước theo hướng thâm canh; người dân nơi đây còn đẩy mạnh chăn nuôi, xem đó như giải pháp để phát triển kinh tế hộ gia đình.

Ông Lò Văn Đương - Phó Chủ tịch UBND xã Pa Khóa cho biết: Trước đây, các hộ chăn nuôi ở Hua Ná thường thả rông gia súc, chăn nuôi không chú trọng công tác thú y, phòng chống rét, chủ động thức ăn trong mùa đông. Vì thế, chỉ qua một đợt dịch là trâu, bò, dê, lợn của bản chết hàng loạt, số lượng giảm đi rõ rệt. Được các cơ quan chuyên môn của huyện hướng dẫn, bà con đã thay đổi tập quán, chủ động giải pháp phát triển đàn gia súc, chăn nuôi theo hướng hàng hóa.

Giờ đây, đàn gia súc của bản có hơn 700 con, chủ yếu là dê, lợn, bò; nhiều hộ nhờ chăn nuôi có thu nhập 80 - 100 triệu đồng/năm. Các hộ Lò Văn Hịch, Lò Văn Ngương, Lò Văn Piến, Lò Thị Nhung là những điển hình làm kinh tế giỏi nhờ chăn nuôi của bản. Đời sống kinh tế gia đình ngày càng khá giả, những hộ này thường chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ giống vật nuôi cho các hộ khác trong bản.

Ông Lò Văn Hịch - một trong những hộ chăn nuôi giỏi của bản chia sẻ: Cùng với chú trọng công tác thú y, tôi chủ động gia cố chuồng trại, tích trữ thức ăn thô: cỏ, rơm và bổ sung thức ăn tinh bột cho đàn gia súc trong mùa đông. Vì thế, đàn gia súc của gia đình đủ sức chống chọi với thời tiết khắc nghiệt của mùa đông, sinh trưởng tốt.

Đẩy mạnh tăng gia, sản xuất, đời sống kinh tế của người dân ngày càng khá giả, bản Hua Ná chỉ còn vài hộ cận nghèo. Cùng với những bước phát triển mạnh mẽ trong phát triển kinh tế, người dân nơi đây còn chú trọng nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần. Dân bản vẫn duy trì hoạt động của các đội văn nghệ của đoàn thanh niên, hội phụ nữ để thường xuyên giao lưu vào các dịp lễ tết, biểu diễn phục vụ bà con. Trong cộng đồng thôn bản cũng duy trì, phục dựng nhiều nét đẹp văn hóa tín ngưỡng, trang phục, kiến trúc nhà ở, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư… Nét đẹp truyền thống ấy đã tôn vinh, tạo sức hút và làm tiền đề để Hua Ná xây dựng bản văn hóa, kết hợp với du lịch cộng đồng.

Cùng với việc nâng cao đời sống mọi mặt, người dân nơi đây ngày càng quan tâm, chăm lo tới việc học tập của con em mình. Trong bản không còn tình trạng trẻ em bỏ học giữa chừng, thất học, mù chữ. Phong trào thi đua học tập được đẩy mạnh giữa các gia đình, dòng họ. Con em trong dòng họ Lò ở nơi đây có gần 20 người học xong cao đẳng, đại học và một số trường chuyên nghiệp, trường dạy nghề. Chí thú học tập, nhiều người sau khi tốt nghiệp đã có việc làm, thu nhập ổn định.

Nỗ lực vượt khó, đẩy mạnh sản xuất, người dân nơi đây đã thoát nghèo xây dựng cuộc sống ngày càng no ấm, sung túc. Giữ gìn những nét đẹp văn hóa truyền thống, miền quê từng một thời gian khó ấy vẫn hòa mình với dòng chảy thời gian với nhiều nét đẹp truyền thống độc đáo. Sự hiếu học của bản người Thái này cũng góp phần đáng kể trong sự nghiệp giáo dục và phong trào khuyến học của địa phương. Những điều đó đã tạo nên nhịp sống mới ở Hua Ná.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/ng%C3%A0y-m%E1%BB%9Bi-%E1%BB%9F-hua-n%C3%A1