Kinh tế TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Căng thẳng xung đột giữa Nga-Ukraine khiến giá phân bón lập đỉnh cao nhất trong vòng 50 năm qua. Không là ngoại lệ, giá phân bón tại Việt Nam hiện đã tăng hơn 20% so cuối năm 2021, và dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.

Đóng bao phân đạm trên dây chuyền hiện đại của Công ty cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau. Ảnh: TTXVN

Đóng bao phân đạm trên dây chuyền hiện đại của Công ty cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau. Ảnh: TTXVN

Lỗ nặng vì chi phí phân bón

Giá phân bón tăng cao đã và đang tác động mạnh mẽ đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, gây thêm sức ép và những khó khăn cho nông dân trong bối cảnh giá các loại sản phẩm nông nghiệp vốn phải chịu ảnh hưởng lớn từ dịch Covid-19.

Dù đang trong thời điểm sản xuất vụ xuân, thế nhưng không ít ruộng lúa ở tỉnh Hà Nam trong tình trạng bị bỏ không, mặc cho cỏ mọc. Với nhiều nông dân, trồng lúa bây giờ không còn là lựa chọn để phát triển kinh tế gia đình bởi đầu tư một sào lúa, chi phí đã tăng gấp đôi. Đang cuốc đất, đắp bờ, bà Đinh Thị Hằng, huyện Lý Nhân, ngừng tay giãi bày: "Phân bón tăng cao nên giờ ruộng bỏ đầy, cho không người ta cũng không cấy. Ruộng nhà thì tôi cố gắng cấy vài sào để lấy gạo ăn, chứ nếu mà ruộng thuê thì tôi đến bỏ thôi".

So tháng trước, giá phân bón hiện đã tăng từ 5 đến 8%, giá các loại phân bón ure, DAP, NPK, kali… đồng loạt tăng. Cơn bão giá đang làm khốn khổ nhiều nông hộ trên khắp cả nước. Ở Nghệ An, gia đình ông Nguyễn Viết Tuân, huyện Yên Thành, có bảy sào đất lúa. Mọi năm, chi phí mua phân bón cho mỗi vụ chỉ hết chừng 1,5-2 triệu đồng. Nhưng nay, giá phân bón tăng chóng mặt khiến chi phí đội lên rất lớn. "Cứ đà tăng này thì đến cảnh phải bỏ ruộng thôi. Làm nông nghiệp vốn bấp bênh, thu nhập thấp, nay giá phân quá cao đâm lỗ nặng", ông Tuân chia sẻ.

Còn tại thủ phủ điều Bình Phước, vốn thường trực về nỗi lo sâu bệnh nay giá phân bón lại tăng cao khiến người trồng điều càng thêm phần khó khăn. Ông Nguyễn Văn Trung, huyện Bù Đăng buồn bã: "Năm nay trồng điều rất khổ vì mưa trái mùa liên tục, chi phí phun thuốc trừ sâu, phân bón đều tăng trong khi giá bán điều lại giảm. Đặc biệt, do giá phân tăng cao nên giờ người ta cũng không bán chịu nữa. Nếu bón đủ thì không có tiền mua, còn nếu không bón thì cây suy kiệt nên tôi và nhiều gia đình khác cũng chỉ bón cầm chừng mà thôi".

Lý giải về việc giá phân bón thời gian qua liên tục tăng cao, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Việc gián đoạn nguồn nhập khẩu phân bón từ Nga dẫn tới giá bán phân bón trong nước tiếp tục tăng cao. Hiện Nga là nhà cung cấp phân bón lớn chiếm tỷ trọng khoảng 30% tổng nhu cầu phân bón trên toàn thế giới. Đặc biệt, Nga cung cấp đến 70% nguyên liệu đầu vào để sản xuất phân bón tại châu Âu. Mỗi năm, Việt Nam nhập khẩu từ Nga khoảng 130.000-380.000 tấn phân bón, chiếm khoảng 3-9,5% tổng khối lượng nhập khẩu, tương ứng 5-11,9% về giá trị. Tính riêng năm 2021, lượng phân bón nhập khẩu từ Nga 320.045 tấn (chiếm 6,27% so với tổng lượng phân bón nhập khẩu), trị giá 123.565.465 USD (chiếm 7,74% so tổng giá trị phân bón nhập khẩu).

Hóa giải cơn sốt giá

Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, thời điểm này, các nhà cung cấp ở Trung Đông đã hủy bỏ các bản chào giá phân ure mức 540-560 USD/tấn (FOB), để chờ tăng giá. Trong thời gian từ tháng 2/2022 đến nay, các doanh nghiệp nhập khẩu Việt Nam mới chỉ nhận được hàng thành công với ba tàu chở phân bón, hiện còn khoảng 30.000-40.000 tấn phân bón mà các doanh nghiệp Việt Nam ký hợp đồng đặt hàng từ Trung Đông, nhưng nay đã bị đối tác hủy giao dịch. Hiện các nhà cung cấp phân bón ở khu vực Đông Nam Á đã hết hàng cho đến giữa tháng 4 tới. Ngày 3/3, nhà máy ure hạt đục của Brunei đã tuyên bố bất khả kháng để từ chối thực hiện các đơn hàng đã chốt giá rẻ trong tháng 2/2022.

Các chuyên gia thị trường thế giới dự báo trong ngắn hạn, giá ure sớm lên mức 950 USD/tấn trong tháng 4/2022, thậm chí có thể lên mức 1.000 USD/tấn nếu giá dầu vượt qua 150 USD/thùng và ure sẽ lên 1.500 USD/tấn nếu giá dầu chạm mốc 200 USD/thùng. Đối với phân bón kali, Belarus và Nga chiếm đến 40% nguồn cung toàn cầu. Với bức tranh toàn cảnh hiện nay, giá kali sẽ tăng phi mã trong thời gian sắp tới, đặc biệt là kali miểng. Tại thị trường Việt Nam, hiện một số loại ure sản xuất trong nước cũng đang tăng giá mạnh…

Theo dự báo của Công ty cổ phần Phân tích và Dự báo thị trường (Agromonitor), tại Việt Nam trong thời gian tới, giá kali sẽ sớm cán mức 15-16 triệu đồng/tấn cho hạt bột và 18-20 triệu đồng/tấn cho hạt miểng. Thậm chí nếu giá kali nhập khẩu cán mức 1.000-1.200 USD/tấn thì kali miểng sẽ lập đỉnh mới 24-25 triệu đồng/tấn. Kali, DAP, ure tăng giá, sẽ kéo theo giá NPK lên theo. Với loại phân bón DAP, dự tính Việt Nam sẽ thiếu hụt 64% trong quý II/2022 và khả năng giá trong nước sẽ lên mức 25 triệu đồng/tấn.

Để giảm nhiệt giá phân bón, ông Vũ Duy Hải, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Vinacam cho rằng: "Chính phủ cần áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời ngừng xuất khẩu các loại phân bón. Có không ít doanh nghiệp trong nước đã tận dụng thời cơ để xuất khẩu, trong bối cảnh giá thế giới tăng rất mạnh, đặc biệt là sau khi Trung Quốc và Nga hạn chế xuất khẩu phân bón. Việc này dẫn đến nguồn cung trong nước thiếu, khi đó, doanh nghiệp tiếp tục nâng giá bán để được lợi cả đôi đường".

Chi phí phân bón chiếm tới 50% chi phí đầu vào trong sản xuất nhiều loại cây trồng. Nhiều chuyên gia cũng khuyến nghị, để thích ứng tốt nhất trong bối cảnh hiện nay, nông dân cần đẩy mạnh áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới để giảm lượng phân bón, sử dụng phân bón hữu cơ thay thế một phần phân bón vô cơ, giảm sự lệ thuộc phân bón hóa học, từ đó giúp bảo vệ đất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Các ngành chức năng và chính quyền các cấp cần tăng cường phối hợp kiểm tra, kiểm soát thị trường, không để xảy ra tình trạng đầu cơ trục lợi, ép giá và tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, ảnh hưởng tới quyền lợi của người nông dân. Các doanh nghiệp chủ động tìm kiếm nguồn cung thay thế nguồn cung từ thị trường Nga và Belarus, đặc biệt với phân kali.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, hằng năm Việt Nam sản xuất hơn tám triệu tấn phân bón các loại và nhập khẩu thêm khoảng 4,5 triệu tấn. Trong đó, 100% lượng phân Kali phải nhập khẩu. Trong hai tháng đầu năm 2022, lượng phân bón nhập khẩu của cả nước đạt 594.518 tấn, trị giá hơn 285,77 triệu USD, giảm 3,2% về lượng nhưng tăng mạnh 79,2% về trị giá. Giá nhập khẩu phân bón trung bình hai tháng qua đạt 480,7 USD/tấn, tăng 85% so cùng kỳ năm ngoái.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/kh%E1%BB%A7ng-ho%E1%BA%A3ng-gi%C3%A1-ph%C3%A2n-b%C3%B3n