Kinh tế TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Mấy năm trở lại đây, cùng với phát triển cây ăn quả, huyện Phong Thổ lựa chọn cây chè - loại cây công nghiệp lâu năm đưa vào trồng và quy hoạch thành vùng nguyên liệu sản xuất hàng hóa tập trung; giải quyết việc làm ổn định, tăng thu nhập cho Nhân dân. Đến nay, toàn huyện có hơn 310ha chè đang trong giai đoạn sinh trưởng, phát triển và cho thu hoạch.

Chia sẻ với chúng tôi về việc đưa cây chè vào sản xuất, đồng chí Vương Thế Mẫn - Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ cho hay: Vùng chè ở các huyện Tam Đường, Tân Uyên hay thành phố Lai Châu là ví dụ điển hình cho thấy cây chè mang lại nguồn thu nhập cao cho các hộ dân. Chỉ mất 1-2 năm đầu trồng, chăm sóc tốt là người dân đã thu hoạch được chè trong thời gian lâu dài; một năm cây chè cho thu hoạch 8-9 tháng. Bên cạnh đó, cây chè sẽ làm thay đổi tư duy sản xuất manh mún nhỏ lẻ của người dân sang hàng hóa thị trường, liên kết với doanh nghiệp để bán chè với giá thành ổn định, cao. Qua thực tế ở vùng đất Lản Nhì Thàng, bà con trồng từ cách đây mấy chục năm trước, cây chè phát triển rất tốt. Khảo sát thêm ở một số xã như: Hoang Thèn, Nậm Xe, Sin Suối Hồ cho thấy cây chè rất phù hợp với chất đất và khí hậu nơi đây. Vì vậy, từ chủ trương của tỉnh, huyện triển khai trồng chè bắt đầu từ năm 2018.

Nhân dân xã Lản Nhì Thàng (huyện Phong Thổ) thu hái chè xuân.

Nhân dân xã Lản Nhì Thàng (huyện Phong Thổ) thu hái chè xuân.

Tìm hiểu thêm, chúng tôi được biết, đối với xã Sin Suối Hồ, huyện tập trung phát triển vùng chè nhằm phục vụ cho du khách trải nghiệm gắn với vùng chè cổ và các điểm du lịch hấp dẫn tại nơi đây. Với xã Nậm Xe, hướng mở rộng quy mô trồng chè không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho người dân mà còn góp phần giảm thiểu tác động của vùng phóng xạ ảnh hưởng đến sức khỏe con người và tạo cảnh quan đẹp cho vùng cao.

Từ cây xăng cuối thành phố đi huyện Phong Thổ, chúng tôi rẽ vào bản Hồng Thu Mông của xã Lản Nhì Thàng. Dọc con đường bê tông tới bản, nhìn sang hai bên, chúng tôi được đắm chìm trong hương thơm man mác của những búp chè xuân mơn mởn đang rung rinh trước làn gió nhẹ. Phía xa, từng tốp người mang gùi, bao tải để hái chè. Không khí thật nhộn nhịp, vui tươi. Dừng xe bên đường, chúng tôi ghé thăm và trải nghiệm hái chè cùng với gia đình, hàng xóm của chị Giàng Thị Pàng.

Chị Pàng phấn khởi: Gia đình tôi trồng hơn 3.000m2 chè được 10 năm nay rồi. Từ năm thứ 3 trở đi, vợ chồng hái chè và bán cho người thu mua ở phường Tân Phong (thành phố Lai Châu). Một năm có 8 tháng thu hoạch chè, mỗi tháng hái hơn 3 tạ. Mỗi khi có chè xuân hoặc lúc nào rảnh thì vợ chồng tôi hái tay bán giá 10.000 đồng/kg búp chè tươi, tháng nào bận thì hái bằng máy bán giá 4.000 đồng/kg. Nhờ đó, kinh tế gia đình khá hơn, đủ trang trải cuộc sống và nuôi các con ăn học. So với cây ngô, cây chè cho năng suất gấp nhiều lần mà không mất công chăm sóc nhiều.

Theo quy hoạch, vùng trồng chè của huyện Phong Thổ tập trung ở các xã: Sin Suối Hồ, Nậm Xe, Hoang Thèn, Lản Nhì Thàng. Riêng năm 2021, huyện chỉ đạo các xã tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân đẩy nhanh tiến độ làm đất trồng chè. Giao các phòng chuyên môn khối nông nghiệp tổ chức lớp tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật trồng chè cho các hộ dân; phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp cung ứng giống, phân bón về đến tận từng bản. Theo đó, các hộ dân tham gia trồng chè được hỗ trợ 100% giống, phân bón, 15 triệu đồng/ha theo các nghị quyết hỗ trợ sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Trong năm 2021, huyện Phong Thổ đã cấp hơn 4,6 triệu cây giống chè kim tuyên và PH8, gần 239 nghìn cây chè shan, trên 1,255 tấn phân bón cho bà con các xã trồng 251ha chè từ tháng 8 đến tháng 10. Qua nghiệm thu, tỷ lệ cây chè sống đạt trên 90%.

Tính đến thời điểm này, toàn huyện có trên 310ha chè, trong đó có 50ha chè ở xã Lản Nhì Thàng, Sin Suối Hồ cho thu hoạch với sản lượng 205 tấn/năm. Huyện có liên kết với Công ty Cổ phần Chè Tam Đường thu mua chè cho bà con với giá 10.000 đồng/kg chè búp tươi hái tay.

Để cây chè sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao, hiện tại, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp phối hợp với chính quyền các xã tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện sâu bệnh hại trên cây chè, có hướng xử lý; hướng dẫn các hộ chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật; vận động bà con trồng dặm chè. Đồng thời, hướng dẫn các hộ được thu hoạch chè trong năm 2022 kỹ thuật hái chè bằng tay theo đúng tiêu chuẩn của doanh nghiệp thu mua, đảm bảo giá bán sản phẩm cao. Cùng với đó, huyện lồng ghép các nguồn vốn đầu tư làm đường ra các khu sản xuất vùng chè, tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân đi lại vận chuyển giống, phân bón trồng chè và thu hoạch chè.

Đồng chí Vương Thế Mẫn - Chủ tịch UBND huyện cho biết thêm: Năm 2022, huyện tiếp tục trồng mới 150ha chè ở các xã vùng quy hoạch; phấn đấu đến năm 2025, huyện phát triển vùng chè tập trung có quy mô gần 800ha. Liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp tạo ra các sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn OCOP. Qua đó, nâng cao giá trị sản phẩm, xây dựng thương hiệu chè của Phong Thổ được nhiều thị trường trong nước biết đến.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/c%C3%A2y-ch%C3%A8-tr%C3%AAn-%C4%91%E1%BA%A5t-phong-th%E1%BB%95