Kinh tế TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh
Dự kiến cuối quý III tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ trình Chính phủ ban hành nghị định về một số chính sách phát triển thủy sản (thay thế Nghị định 67/2014/NĐ-CP), trong đó tập trung các chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển nuôi biển, nhất là nuôi biển xa bờ, ông Trần Đình Luân - Tổng cục trưởng Thủy sản trao đổi ý kiến cùng Nhân Dân cuối tuần.
- Thưa ông, có thực tế diện tích nuôi trồng thủy sản chịu sự tác động mạnh mẽ từ một số ngành kinh tế khác như công nghiệp, du lịch…, thậm chí ở nhiều nơi, còn thu hẹp diện tích nuôi trồng. Vậy cần làm gì để giải quyết tình trạng này?
Theo Luật Quy hoạch năm 2017, các quy hoạch ngành-hàng sản phẩm đều đã được bãi bỏ, trong đó có quy hoạch phát triển các đối tượng thủy sản nuôi: tôm nước lợ, cá tra, cá rô phi, nhuyễn thể, cá nước lạnh… Tuy nhiên, các quy hoạch như: quy hoạch không gian biển, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh lại chưa được ban hành; việc này gây ra không ít khó khăn cho định hướng của ngành.
Để giải quyết những khó khăn, vướng mắc trên, cần sớm xây dựng và ban hành các quy hoạch theo Luật Quy hoạch năm 2017; tích hợp chi tiết nội dung nuôi trồng thủy sản vào các quy hoạch, bảo đảm phân định rõ ranh giới giữa các ngành kinh tế, tạo hành lang và dư địa cho phát triển nuôi trồng thủy sản. Đây được xem là điểm mấu chốt để vừa bảo đảm diện tích nuôi trồng thủy sản, sinh kế của người dân, vừa hài hòa lợi ích với các ngành, nghề, lĩnh vực khác.
- Từ góc độ quản lý ngành, theo ông nhìn nhận, muốn hình thành ngành nuôi biển tương xứng với tiềm năng, sẽ cần tập trung vào những chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển nào?
Để thực hiện Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1664/QĐ-TTg ngày 4/10/2021, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Quyết định số 1195/QĐ-BNN-TCTS ngày 4/4/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tổng cục Thủy sản đã tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai một số nhiệm vụ: đánh giá sức tải môi trường nuôi tôm hùm; xây dựng mô hình liên kết trong sản xuất, tiêu thụ tôm hùm tại tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Tham mưu cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức Hội nghị "Bàn giải pháp phát triển nuôi biển bền vững năm 2022" vào giữa tháng 5 vừa qua.
Trong thời gian tới, Tổng cục Thủy sản cùng với bốn địa phương (Quảng Ninh, Phú Yên, Ninh Thuận, Kiên Giang) tổ chức xây dựng và triển khai dự án đầu tư hạ tầng thí điểm vùng nuôi trồng thủy sản trên biển, sau đó sẽ tổng hợp kết quả để nhân rộng mô hình ra các địa phương khác. Bên cạnh đó, tổ chức nghiên cứu hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất thức ăn, con giống chất lượng cao, giải pháp phòng chống và điều trị dịch bệnh, công nghệ nuôi, công nghệ thu hoạch và bảo quản sản phẩm trong nuôi biển. Phát triển khoa học công nghệ trong ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ nuôi biển tập trung vào công nghệ sản xuất lồng nuôi, dịch vụ hậu cần, thiết bị giám sát môi trường tự động, hệ thống cho ăn thông minh và các kỹ thuật, công nghệ có liên quan để thúc đẩy sản xuất phát triển. Nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu để quản lý, vận hành và giám sát các hoạt động nuôi biển.
- Lĩnh vực nuôi trồng thủy sản của Việt Nam vẫn phải đối mặt nhiều khó khăn và hạn chế. Muốn phát triển bền vững nghề nuôi trồng thủy sản trong thời gian tới cần tập trung vào những giải pháp gì, thưa ông?
Tổng cục đã xác định cần tập trung triển khai một số nội dung sau: Tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về thủy sản tại Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn. Trong đó, tập trung quản lý điều kiện sản xuất và kiểm soát tốt chất lượng con giống, vật tư đầu vào trong nuôi trồng thủy sản để bảo đảm chất lượng sản phẩm. Tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện để có những điều chỉnh hợp lý hơn, đáp ứng nhu cầu phát triển.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất giống, nuôi trồng thủy sản để nâng cao giá trị, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Tổ chức lại sản xuất nuôi trồng thủy sản theo hướng liên kết, hình thành các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác để thuận tiện, hiệu quả hơn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Để hóa giải thách thức trong việc quản lý từng nhân tố trong chuỗi giá trị, quản lý các yếu tố đầu vào, quản lý môi trường, dịch bệnh, quy trình sản xuất, cần thực hiện tối ưu hóa quản lý sản xuất thông qua việc đẩy mạnh chuyển đổi số. Đây cũng là một trong những mục tiêu của Chiến lược ngành thủy sản Việt Nam; đặc biệt đối với các đối tượng nuôi chủ lực (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra) và các đối tượng có giá trị kinh tế cao khác. Hiện nay Tổng cục Thủy sản tiếp tục hoàn thiện phần mềm cơ sở dữ liệu về quản lý nuôi trồng thủy sản, giống, thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường để đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới.
Tăng cường hợp tác quốc tế, xử lý rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại. Duy trì phát triển thị trường truyền thống, tích cực tìm kiếm và mở rộng các thị trường mới. Nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng uy tín sản phẩm thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế…
- Xin trân trọng cảm ơn Tổng cục trưởng!
Do quy định đăng ký nuôi trồng thủy sản lồng bè, đối tượng thủy sản nuôi chủ lực (cấp mã số) chưa phù hợp, nên việc triển khai tại địa phương gặp nhiều khó khăn. Nắm bắt thực tế, Tổng cục Thủy sản đã tham mưu để Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Chính phủ xem xét sửa đổi quy định này.