Kinh tế TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Nhờ chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương, những năm qua, nông dân xã Giang Ma (huyện Tam Đường) đã tạo được đột phá trong phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Qua đó, giá trị nông sản tăng cao, giúp cải thiện đời sống Nhân dân.

Trên đường đưa chúng tôi đến thăm các bản: Giang Ma, Mào Phô và Bãi Bằng (xã Giang Ma), anh Nguyễn Hồng Nam - Cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) huyện Tam Đường chỉ cho chúng tôi những tiềm năng, thế mạnh đất đai, nguồn nước, phục vụ sản xuất nông nghiệp. Quan sát, chúng tôi thấy những thửa ruộng 1 vụ ngô, lúa địa phương trước đây, nay được thâm canh, tăng vụ bí xanh, lê, đào, hoa hồng theo hướng hàng hóa. Đặc biệt, toàn xã có 100 hộ trồng lê với tổng diện tích 40ha, trong đó 20ha đã cho thu hoạch.

Có mặt tại vườn lê của gia đình anh Giàng A Sang (bản Bãi Bằng), hiện gia đình anh có 200 cây lê sai quả. Dự kiến cuối tháng 6 tới sẽ thu hoạch 5 tấn quả, trị giá gần 150 triệu đồng với giá bán từ 40-50 nghìn đồng/kg. Trò chuyện với chúng tôi, anh Sang tâm sự: “Trước đây, tôi chủ yếu sản xuất 1 vụ ngô, lúa, thu nhập không đáng là bao. Năm 2012, tôi chuyển đổi 0,6ha nương, ruộng sang trồng cây lê VH6. Đến nay, sản phẩm quả lê VH6 của gia đình được mùa, được giá. Năm qua, tôi thu lãi trên 70 triệu đồng từ bán quả lê”.

Cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tam Đường hướng dẫn nông dân xã Giang Ma kỹ thuật chăm sóc cây lê thời kỳ phát triển quả.

Cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tam Đường hướng dẫn nông dân xã Giang Ma kỹ thuật chăm sóc cây lê thời kỳ phát triển quả.

Cạnh vườn lê sai trĩu quả của gia đình anh Sang còn có những cánh đồng ngập tràn hoa hồng, bí xanh, dưa leo. Cuộc sống của người dân nơi đây đổi thay từng ngày nhờ cho thuê đất nông nghiệp và chuyển sang làm lao động cho các chủ vườn hoa, rau. Điển hình như gia đình anh Giàng A Khoa (bản Giang Ma), tháng 6/2019 anh Khoa cho anh Bùi Văn Thủy ở huyện Mê Linh (Hà Nội) thuê gần 2ha đất ruộng 1 vụ lúa với giá 80 triệu đồng/ha/năm. Vợ, chồng anh Khoa hợp đồng làm việc tại vườn hoa cho anh Thủy từ vun xới, trồng, làm cỏ và bón phân cho hoa hồng. Anh Thủy trả công cho vợ, chồng anh 10 triệu đồng/tháng. Ngoài việc cho thuê đất, từ đầu năm đến nay, anh chuyển đổi diện tích ruộng 1 vụ lúa sang trồng 0,5ha hoa hồng.

Anh Khoa tâm sự: “Nhờ cho thuê đất và làm thuê cho anh Thủy, tôi đúc kết kinh nghiệm chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng hoa hồng theo hướng hàng hóa. Tôi liên kết với anh Thủy tiêu thụ sản phẩm hoa hồng tại vườn. Vợ chồng tôi đổi mới trong phát triển nông nghiệp hàng hóa, góp phần vươn lên làm giàu chính đáng”.

Trước đây, nông dân xã Giang Ma sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, manh mún, sản phẩm nông nghiệp thấp, đời sống khó khăn. Để tạo đột phá trong phát triển nông nghiệp, những năm qua, xã luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm DVNN huyện triển khai thực hiện hiệu quả các đề án, chính sách hỗ trợ và ứng dụng khoa học, công nghệ, cơ giới hóa vào sản xuất gắn với chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng. Vận động bà con tích cực thâm canh, tăng vụ ngô lai, lúa chất lượng cao, đưa các loại cây trồng mới: lê, đào, hoa hồng, bí xanh, rau vào sản xuất mang lại thu nhập cao cho bà con nông dân. Đồng thời, cử cán bộ xuống hỗ trợ, hướng dẫn bà con kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi.

Anh Nguyễn Hồng Nam - Cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) huyện Tam Đường cho biết: "Tôi được Trung tâm DVNN huyện phân công phụ trách khâu kỹ thuật, hướng dẫn nông dân phòng, trừ sâu, bệnh cho cây trồng. Vì vậy, tôi thường xuyên chủ động điều tra, dự báo thời gian phát sinh sâu, bệnh gây hại trên cây trồng để phòng, trừ kịp thời, hiệu quả. Đối với cây ăn quả ôn đới, tôi hướng dẫn bà con tỉa lá, cành; thiết kế bẫy bắt côn trùng bằng thiết bị thông minh (đèn năng lượng mặt trời); tránh côn trùng châm quả, thối rụng, ảnh hưởng năng suất. Khuyến cáo bà con cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập gia đình”.

Đến nay, xã Giang Ma có 27 hộ cho thuê hơn 30ha đất nông nghiệp để trồng hoa hồng, rau màu, đem lại hiệu quả kinh tế cao. 100% hộ cho thuê đất làm lao động phổ thông trên chính diện tích đất của gia đình với thu nhập ổn định 5 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ cho thuê đất, người dân còn học tập và đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Nhờ vậy, thu nhập của bà con ngày nâng cao, năm 2021 thu nhập bình quân đạt 36 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo còn 30% (theo tiêu chí mới).

Từ hướng đi đúng đắn trong phát triển nông nghiệp hàng hóa, tin rằng, thời gian tới, nông dân xã Giang Ma tiếp tục tạo bước đột phá mới nhằm thúc đẩy giá trị nông sản bền vững, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/ph%C3%A1t-tri%E1%BB%83n-n%C3%B4ng-nghi%E1%BB%87p-h%C3%A0ng-h%C3%B3a