Kinh tế tư nhân đã có đòn bẩy

Nghị quyết 68 là cú hích để thúc đẩy tăng trưởng, hình thành những tập đoàn, doanh nghiệp tư nhân lớn dẫn dắt nền kinh tế

Ngày 4-5, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân trong thời kỳ mới. Đây được xem là bước chuyển lớn về tư duy đối với khu vực này, đi cùng một loạt chính sách tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân tiếp cận các nguồn lực để doanh nghiệp (DN) tư nhân phát triển mạnh mẽ, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế.

Bỏ tư duy "quản không được thì cấm"

Nghị quyết 68 được xem là cú hích lớn về chính sách, khẳng định rõ vai trò của kinh tế tư nhân và mở đường cho khu vực này đột phá, phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

Theo Nghị quyết này, kinh tế tư nhân được khẳng định là một trong những động lực quan trọng nhất trong phát triển kinh tế - xã hội, là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị. Bộ Chính trị yêu cầu phải xóa bỏ triệt để nhận thức, tư tưởng, quan niệm, thái độ định kiến về kinh tế tư nhân Việt Nam; đánh giá đúng vai trò của kinh tế tư nhân đối với phát triển đất nước; nuôi dưỡng, khuyến khích tinh thần kinh doanh, đổi mới, sáng tạo của người dân và DN…

Nghị quyết đặt ra nhiều chỉ tiêu cụ thể như phấn đấu có 2 triệu DN hoạt động trong nền kinh tế; có ít nhất 20 DN lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng bình quân của kinh tế tư nhân đạt khoảng 10% - 12%/năm, cao hơn tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế; đóng góp khoảng 55% - 58% GDP… Trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thuộc nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN và nhóm 5 nước đứng đầu khu vực châu Á.

Đáng chú ý, Nghị quyết yêu cầu đổi mới tư duy xây dựng và tổ chức thực thi pháp luật bảo đảm nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, sử dụng các công cụ thị trường để điều tiết nền kinh tế. Giảm thiểu sự can thiệp và xóa bỏ các rào cản hành chính, cơ chế "xin - cho", tư duy "không quản được thì cấm". Người dân, DN được tự do kinh doanh trong những ngành nghề pháp luật không cấm.

Trong năm 2025, hoàn thành việc rà soát, loại bỏ những điều kiện kinh doanh không cần thiết, quy định chồng chéo, không phù hợp, cản trở sự phát triển của DN tư nhân; thực hiện cắt giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, ít nhất 30% chi phí tuân thủ pháp luật, ít nhất 30% điều kiện kinh doanh và tiếp tục cắt giảm mạnh trong những năm tiếp theo. Triển khai mạnh mẽ việc cung cấp dịch vụ công cho DN không phụ thuộc vào địa giới hành chính.

Đặc biệt, Nghị quyết nêu rõ việc đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, chính sách, bảo đảm và bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng của kinh tế tư nhân và bảo đảm thực thi hợp đồng của kinh tế tư nhân. Đáng chú ý, Nghị quyết 68 với tinh thần đột phá, trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc tránh hình sự hóa và nêu rõ việc tuân thủ nguyên tắc phân định trách nhiệm hình sự với hành chính, dân sự, giữa pháp nhân và cá nhân trong xử lý vi phạm.

Có cơ chế, chính sách đặc biệt hỗ trợ DN nhỏ và vừa, bảo đảm theo nguyên tắc thị trường và tuân thủ các cam kết quốc tế; miễn thuế thu nhập DN cho DN nhỏ và vừa trong 3 năm đầu thành lập. Có chính sách hỗ trợ thực chất, hiệu quả DN nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh…

Nghị quyết 68 nêu rõ chính sách miễn thuế thu nhập cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong 3 năm đầu thành lập. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Nghị quyết 68 nêu rõ chính sách miễn thuế thu nhập cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong 3 năm đầu thành lập. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Bước ngoặt lớn

Chủ tịch Hiệp hội DN TP HCM (HUBA) Nguyễn Ngọc Hòa đánh giá Nghị quyết 68 được ban hành là một bước ngoặt lớn, thể hiện tư duy toàn diện và đột phá trong phát triển kinh tế tư nhân.

Lần đầu tiên, Bộ Chính trị khẳng định rõ vai trò động lực hàng đầu của khu vực kinh tế tư nhân, không chỉ ở tầm quan điểm mà còn cụ thể qua các chỉ tiêu, mục tiêu và giải pháp rõ ràng. Nghị quyết mở đường cho DN tư nhân tiếp cận bình đẳng với các nguồn lực như vốn, các chương trình hỗ trợ, và cơ hội đầu tư công nghệ, đổi mới sáng tạo… "Nghị quyết không chỉ đặt ra phương hướng mà còn yêu cầu phải có hành động cụ thể, có chính sách hỗ trợ sát thực" - ông Hòa nói.

Ông Hòa nhấn mạnh một trong những điểm đột phá của Nghị quyết 68 là yêu cầu chuyển biến trong tư duy quản lý nhà nước, không hình sự hóa các vấn đề dân sự - kinh tế nếu chưa đến mức cần thiết, tạo môi trường pháp lý an toàn và tin cậy hơn cho DN tư nhân yên tâm đầu tư, phát triển. Nghị quyết nêu rõ việc sửa đổi các quy định về pháp luật hình sự, dân sự, tố tụng hình sự, tố tụng dân sự để bảo đảm nguyên tắc khi xử lý các sai phạm, vụ việc về dân sự kinh tế, ưu tiên áp dụng các biện pháp dân sự kinh tế, hành chính trước, cho phép các DN, doanh nhân được chủ động khắc phục sai phạm, thiệt hại. Trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến sự hình sự hoặc không xử lý hình sự thì kiên quyết không áp dụng xử lý hình sự. Trường hợp đến mức xử lý hình sự thì ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế trước và là căn cứ quan trọng để xem xét các biện pháp xử lý tiếp theo. Không hồi tố các quy định pháp luật để xử lý bất lợi cho DN… và bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội trong quá trình điều tra, xét xử các vụ án.

Một thực tế được ông Hòa chỉ ra là DN tư nhân hiện nay vẫn ngại lớn, lo ngại rủi ro khi mở rộng quy mô, vươn ra thị trường quốc tế. Ông đề xuất cần phân loại DN theo quy mô và ngành nghề để xây dựng chính sách hỗ trợ phù hợp, đồng thời chấp nhận thực tế làm ăn có rủi ro, cho DN cơ hội làm lại nếu thất bại không do tiêu cực hay vi phạm. "Nghị quyết mở ra một cơ chế pháp lý hỗ trợ DN yên tâm đầu tư, sản xuất, đồng thời khuyến khích tinh thần khởi nghiệp và đổi mới, tạo được niềm tin cho cộng đồng DN. Tuy nhiên, để thành công, cần sự vào cuộc đồng bộ, cụ thể của các cơ quan chức năng, từ ngành ngân hàng, tài chính đến các bộ ngành liên quan" - Chủ tịch HUBA kiến nghị.

Nhanh chóng cụ thể hóa

Để Nghị quyết sớm đi vào đời sống, ông Hòa cho rằng điều quan trọng là các bộ, ngành phải nhanh chóng cụ thể hóa bằng chính sách và cơ chế thực thi rõ ràng. "Hiện nay các ngân hàng, định chế tài chính vẫn e ngại cho DN tư nhân vay vốn đầu tư công nghệ. Nếu rủi ro xảy ra thì ai chịu trách nhiệm? Cần có cơ chế rõ ràng để tháo gỡ" - ông đặt vấn đề.

TS Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, phân tích để khu vực DN tư nhân phát triển, cần hoàn thiện thể chế, nhất là đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Nên sửa đổi Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa, giảm thuế cho DN nhỏ và siêu nhỏ xuống 15% - 17% thay vì 20% như hiện tại. Cần quyết liệt cắt giảm 30% thủ tục hành chính, chi phí kinh doanh và thời gian giải quyết công việc hành chính.

Cần phân loại DN để có chính sách quản lý phù hợp theo quy mô và tính chất hoạt động. Chính sách và cơ chế hỗ trợ phải khác nhau cho DN lớn, vừa và nhỏ, tránh áp dụng chung một khung quản lý cho tất cả. Cần xây dựng chiến lược phát triển kinh tế tư nhân, hỗ trợ DN dựa trên mức độ đóng góp thực tế cho ngân sách, việc làm và xã hội. "Cần khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN siêu nhỏ, miễn thuế thu nhập trong 3 - 5 năm đầu để nuôi dưỡng nguồn thu. Đơn giản hóa thủ tục thành lập và hỗ trợ họ trong công tác kế toán, quản lý" - TS Cấn Văn Lực nói.

Nghị quyết của Bộ Chính trị cũng nêu rõ cần đẩy mạnh số hóa, minh bạch hóa, dễ tuân thủ trong chế độ kế toán, thuế, bảo hiểm… để khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh sang hoạt động theo mô hình DN. Xóa bỏ hình thức thuế khoán đối với hộ kinh doanh chậm nhất trong năm 2026.

Nghị quyết 68 yêu cầu chuyển biến trong tư duy quản lý nhà nước, không hình sự hóa các vấn đề dân sự - kinh tế nếu chưa đến mức cần thiết, tạo môi trường pháp lý an toàn và tin cậy hơn cho doanh nghiệp tư nhân yên tâm đầu tư, phát triển.

Quyết liệt các giải pháp

TS Trương Minh Huy Vũ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM (HIDS), nhận định việc Bộ Chính trị ban hành một nghị quyết riêng về kinh tế tư nhân là định hướng đúng để thúc đẩy tăng trưởng, tạo công ăn việc làm, hình thành những DN lớn dẫn dắt nền kinh tế.

Với TP HCM, ông Vũ cho rằng thành phố cần thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp và kiểm đếm cụ thể bằng kết quả "đầu ra" là đưa DN tư nhân trở lại đường đua, gia tăng và củng cố nội lực của nền kinh tế bằng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số.

Hiện TP HCM đang xem xét một số giải pháp giúp cắt giảm chi phí DN như: cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh và thành phần hồ sơ; cải cách thủ tục hành chính và hoạt động kiểm tra chuyên ngành;...

THANH NHÂN - THÁI PHƯƠNG - THẾ DŨNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/kinh-te-tu-nhan-da-co-don-bay-196250505212003531.htm