Kinh tế tư nhân mạnh mẽ, quốc gia cường thịnh - Bài 2: Những giải pháp đột phá cho kinh tế tư nhân

Từ những do dự, lưỡng lự và bị nhiều rào cản, hiện tại, chúng ta đã xác định kinh tế tư nhân (KTTN) là một động lực quan trọng nhất để thúc đẩy sự phát triển kinh tế.

 Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn là sân bay tư nhân đầu tiên tại Việt Nam do Tập đoàn Sun Group đầu tư xây dựng. Ảnh: VIẾT CHUNG

Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn là sân bay tư nhân đầu tiên tại Việt Nam do Tập đoàn Sun Group đầu tư xây dựng. Ảnh: VIẾT CHUNG

Rường cột chính của nền kinh tế

Nghị quyết số 68-NQ/TW đặt mục tiêu: đến năm 2030, có 2 triệu doanh nghiệp (DN), KTTN là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia; là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số và có tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 10%-12%/năm, đóng góp khoảng 55%-58% GDP. Đây là những mục tiêu mang tầm nhìn chiến lược.

Suốt gần 40 năm đổi mới, KTTN Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc về mọi mặt, trở thành lực lượng nòng cốt tạo ra của cải, vật chất, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và sự phát triển đất nước. Đến nay, khu vực KTTN đang có gần 1 triệu DN, hơn 5,5 triệu hộ kinh doanh. Việt Nam đã có những tập đoàn kinh tế lớn, có những tỷ phú Việt Nam đầu tiên và nhiều thương hiệu Việt được thế giới công nhận như: Vinamilk, VinGroup, FPT, Trường Hải, Hòa Phát… Các DN tư nhân tham gia thành công vào những dự án đột phá về hạ tầng quan trọng như đường cao tốc, hầm đường bộ lớn, sân bay quốc tế. Những dự án sản xuất ô tô quy mô lớn lần đầu tiên ở Việt Nam cũng do những DN tư nhân đảm nhận.

Sự tham gia của tư nhân xuất hiện trong rất nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, kể cả những lĩnh vực vốn được xem là “sân chơi” riêng của DN nhà nước, đơn vị sự nghiệp như: sân bay, cảng biển, hạ tầng giao thông, hàng không, điện lực, y tế, giáo dục, thể thao, điện ảnh, công chứng… Từ trước tới nay, khu vực KTTN phát triển rất tự phát, chưa có một chiến lược bài bản để phát triển với định hướng vào những lĩnh vực chiến lược, ngành trọng điểm. Bên cạnh đó là rất nhiều khó khăn và rào cản, nhiều điểm nghẽn đã kìm hãm tốc độ tăng trưởng của khu vực này.

KTTN Việt Nam luôn năng động và có tinh thần phát triển mạnh mẽ. Ngay cả khi bị cấm cản hay kỳ thị, tinh thần đầu tư, kinh doanh của KTTN vẫn có, thể hiện rõ nét ở mô hình kinh doanh hộ. Hiện nay đã rất khác, khu vực này được thừa nhận, ủng hộ, khuyến khích và thúc đẩy. Thực tế đã cho thấy, ở đâu có KTTN tham gia thì ở đó có những chuyển biến tích cực; ở đâu có KTTN làm thì công nghệ, chất lượng sản phẩm và dịch vụ tốt hơn hẳn.

Nếu có môi trường phát triển thuận lợi, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể vươn xa hơn nữa, cạnh tranh sòng phẳng với thế giới. KTTN được xác định là lực lượng tiên phong góp phần thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nền kinh tế, góp phần xây dựng một Việt Nam thịnh vượng, năng động và hội nhập. Để hiện thực hóa được tầm nhìn đầy khát vọng đó, yếu tố quan trọng nhất chính là cần tiếp tục có những cải cách đột phá về thể chế, chính sách và môi trường kinh doanh để KTTN phát huy tối đa tiềm năng. Đồng thời là sự chủ động của chính phủ.

Vai trò của DN tư nhân ở tất cả các quốc gia đều rất quan trọng, đảm nhiệm nhiều chức năng lớn. Nhìn ra quốc tế, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) là 2 mô hình nổi bật mà Việt Nam có thể học về con đường phát triển KTTN. Nhưng, điểm chung về thành công trong sự phát triển KTTN của họ là đều có vai trò chủ động của chính phủ. Họ đã lựa chọn các ngành mũi nhọn với sự hỗ trợ của nhà nước ở mức lớn và dài hạn. Họ có chính sách xúc tiến thương mại rất mạnh, có quỹ đầu tư xúc tiến rất lớn.

 Đường Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh do Tập đoàn Sun Group đầu tư xây dựng. Ảnh: QUANG PHÚC

Đường Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh do Tập đoàn Sun Group đầu tư xây dựng. Ảnh: QUANG PHÚC

Còn chúng ta, dù cơ hội từ thị trường quốc tế rất lớn nhưng DN tư nhân Việt Nam rất đơn độc khi đi tìm thị trường mới, xúc tiến thương mại. Nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ được đưa ra, nhưng chủ yếu tập trung vào một số tiêu chí định tính hoặc định lượng chung, thiếu vắng sự chuyên sâu phù hợp tính chất của từng ngành, lĩnh vực cụ thể...

Kinh tế tư nhân được tin cậy như “người nhà”

Để góp phần thúc đẩy KTTN phát triển như mong muốn và kỳ vọng, đòi hỏi một sự thay đổi căn bản trong hoạch định chính sách, khắc phục những hạn chế và phát huy tính ưu việt của cơ chế thị trường để hỗ trợ khu vực KTTN. Trong việc minh bạch chính sách, xóa bỏ mọi rào cản, bảo đảm quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản và quyền cạnh tranh bình đẳng, vai trò chủ động của chính phủ rất quan trọng.

Chúng ta phải hướng đến những ngành công nghiệp mà ta có thế mạnh, Việt Nam có thể cạnh tranh được. Đã hội nhập, phải có chính sách rất thông minh, vừa không vi phạm luật chơi quốc tế vừa giữ được thị trường nội địa, tạo điều kiện cho DN tư nhân phát triển. Hoạt động trên đất nước mình, DN tư nhân trong nước phải được đối xử thân thiện, tin cậy, đặc biệt như “người nhà”.

Để đạt được mục tiêu và kỳ vọng, Nghị quyết số 68-NQ/TW đưa ra một hệ thống giải pháp toàn diện. Khi triển khai nghị quyết, nên trao quyền, tăng vai trò của KTTN; nên có cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các tập đoàn KTTN, DN lớn thực hiện các dự án, chương trình trọng điểm quốc gia như đường sắt cao tốc, nhà máy điện, sân bay, cảng biển; khuyến khích, tạo điều kiện cho DN tư nhân tham gia, đầu tư, nhận chuyển nhượng công nghệ trên thế giới đối với nhiều lĩnh vực quan trọng (như công nghiệp quốc phòng, công nghệ cao, công nghệ mới…); khuyến khích DN tư nhân đầu tư ra nước ngoài, đầu tư/mua các công ty công nghệ trên thế giới, đầu tư vào những ngành hàng, lĩnh vực chiến lược đối với đất nước (chẳng hạn góp vốn vào các hãng tàu vận tải biển quốc tế, các tập đoàn bán lẻ trên thế giới để điều hướng luồng tàu, luồng hàng vào Việt Nam, tăng thu mua từ Việt Nam)…

Đối với nhiều lĩnh vực công, khuyến khích tư nhân tham gia; chuyển mạnh sang cơ chế đặt tư nhân cung cấp các dịch vụ công ích như: xử lý rác, cung cấp nước sạch, nước thải, vệ sinh môi trường, cây xanh; có cơ chế thực hiện các mô hình như đầu tư công - quản trị tư, đầu tư tư - sử dụng công…

Nghị quyết về phát triển KTTN của Bộ Chính trị đã gợi lên kỳ vọng rất lớn: đây là một bản tuyên ngôn cải cách mới của Việt Nam trong thời đại hội nhập và cạnh tranh toàn cầu. Nghị quyết đã chỉ ra những giải pháp vượt trội, có tính cách mạng, vừa giải quyết hiệu quả những vấn đề đặt ra trước mắt, vừa tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững, mạnh mẽ, lâu dài của KTTN nước ta trong thời gian tới. Tuy nhiên, rất cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, khu vực KTTN cũng phải đổi mới tư duy, minh bạch hóa quản trị và nâng cao năng lực cạnh tranh; phấn đấu đến năm 2045 có 3 triệu DN hoạt động, trong đó có nhiều DN lớn và vừa, có các tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu.

ĐẬU ANH TUẤN, Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/kinh-te-tu-nhan-manh-me-quoc-gia-cuong-thinh-bai-2-nhung-giai-phap-dot-pha-cho-kinh-te-tu-nhan-post122644.html