Kinh tế tuần hoàn chờ cú huých đảo chiều

Một khung chính sách đồng bộ là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp đầu tư, thực hiện các dự án, ý tưởng kinh tế tuần hoàn.

Mục tiêu phát triển các mô hình kinh tế mới, bao gồm kinh tế tuần hoàn, được Nghị quyết 31 của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 và Chương trình nâng cao năng suất lao động quốc gia của Chinh phủ, khẳng định là động lực giúp các địa phương, doanh nghiệp tối ưu hóa các nguồn lực.

3 rào cản phát triển kinh tế tuần hoàn

Tại Việt Nam, quá trình phát triển kinh tế tuần hoàn đang diễn ra ghi nhận bước chuyển của nhiều doanh nghiệp lớn, nhưng hầu hết doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp khó khăn trong quá trình chuyển đổi mô hình sản xuất truyền thống sang tuần hoàn.

“Ba rào cảo lớn nhất trong phát triển kinh tế tuần hoàn là nguồn lực tài chính, quy mô triển khai và thể chế”, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn tài chính, tiền tệ quốc gia, dẫn kết quả khảo sát các nước thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).

Hệ thống chính sách, cơ chế đồng bộ đặc biệt cần thiết cho quá trình phát triển kinh tế tuần hoàn của Việt Nam. Ảnh: Hoàng Anh

Hệ thống chính sách, cơ chế đồng bộ đặc biệt cần thiết cho quá trình phát triển kinh tế tuần hoàn của Việt Nam. Ảnh: Hoàng Anh

Việt Nam đã sớm xác định mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn, nhưng cần sớm có kế hoạch hành động và cơ chế thí điểm triển khai, sớm ban hành danh mục phân loại xanh, xác định lĩnh vực, ngành nghề ưu tiên và định vị đơn vị công nhận xanh.

Theo ông Lực, một cơ chế chính sách đồng bộ là đặc biệt cần thiết. Quá trình thực hiện các dự án, ý tưởng kinh tế tuần hoàn, cần chú trọng sự tham gia của nhiều bên và nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực tài chính tiền tệ và khu vực tư nhân.

“Việt Nam mỗi năm cần khoảng 6,8% GDP để thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, nhưng nguồn vốn ngân sách nhà nước chỉ đáp ứng khoảng 35%, phần còn lại vẫn phải huy động nguồn lực tư nhân trong và ngoài nước”, ông Lực nói.

“Nguồn vốn không chỉ là tiền, điều quan trọng là khai thác và tận dụng tài nguyên hiệu quả”, ông Cấn Văn Lực cho biết.

Theo ông Lực, việc sớm có lộ trình phát triển và cơ chế thử nghiệm kinh tế tuần hoàn sẽ tạo điều kiện cho Việt Nam tiếp cận nhanh và hiệu quả hơn đối với các nguồn tài chính xanh, vốn hỗ trợ phát triển từ các đối tác.

Thử nghiệm kinh tế tuần hoàn

Mặc dù doanh nghiệp, người dân đặt kỳ vọng vào đề xuất xây dựng nghị định thử nghiệm kinh tế tuần hoàn của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) sẽ sớm được Chính phủ phê duyệt, nhưng vẫn có một khoảng cách lớn giữa chính sách và triển khai các đề án, ý tưởng kinh tế tuần hoàn.

Trong Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn, CIEM đang trình Chính phủ có đề xuất phương án thí điểm, một giải pháp đảm bảo không gian rộng nhất cho doanh nghiệp thiết kế các mô hình, dự án kinh tế tuần hoàn, Tiến sĩ Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cho biết.

Trong dự thảo nghị định thí điểm, CIEM đề xuất cân nhắc các nhóm chính sách về khu công nghiệp, khu kinh tế; tín dụng xanh, tài chính xanh; phân loại xanh; khoa học, công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, các chính sách đất đai phù hợp để hỗ trợ phát triển kinh tế tuần hoàn.

Giai đoạn đầu, khi doanh nghiệp áp dụng mô hình kinh doanh tuần hoàn, các phí tổn tài chính, nhân lực là không trách được, nhưng sẽ mang lại lợi ích lớn hơn trong trung và dài hạn.

Tiến sĩ Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM

Điều quan trọng, theo Tiến sĩ Minh là thay đổi tư duy, thử nghiệm và tháo gỡ những vướng mắc của doanh nghiệp đang thực hiện kinh tế tuần hoàn. “Việc Chính phủ thông qua cơ chế thử nghiệm sẽ tạo thêm cơ sở pháp lý, thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện kinh tế tuần một cách hiệu quả”, bà nói.

Nền kinh tế Việt Nam đang hướng đến xanh và bền vững thông qua một số chính sách và văn bản pháp luật quan trọng về kinh tế tuần hoàn, trong đó có Luật Bảo vệ môi trường, được sửa đổi, bổ sung vào năm 2020 và các văn bản dưới luật hướng dẫn thi hành.

Chính phủ năm 2023 đã ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Tiến sĩ Minh cho rằng phát triển kinh tế tuần hoàn cần điều chỉnh, bổ sung các chính sách, văn bản pháp luật liên quan để phù hợp với bối cảnh phát triển của nền kinh tế.

Việc phát triển kinh tế tuần hoàn đang và sẽ trở thành động lực quan trọng để Việt Nam cơ cấu lại nền kinh tế, cải thiện năng suất lao động, thúc đẩy công nghiệp hóa, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, theo Tiến sĩ Minh.

Thời điểm này, chính sách của Chính phủ nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, nhưng cũng là “yêu cầu tự thân” của doanh nghiệp. “Việc cạnh tranh toàn cầu buộc doanh nghiệp thay đổi quy trình, mô hình sản xuất, hướng tới xanh hơn”, bà Minh cho biết.

Trong bối cảnh ngày càng nhiều quốc gia thực thi các chiến lược xanh, việc phát triển kinh tế tuần hoàn của Việt Nam cần được giải quyết từ góc độ chính sách. Điều này sẽ mang lại iệu quả cho quá trình triển khai các dự án, ý tưởng về kinh tế tuần hoàn trong tương lai.

Bùi Vân

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/kinh-te-tuan-hoan-cho-cu-huych-dao-chieu-d37401.html