Kinh tế Ứng phó nguy cơ sạt lở núi - kỳ 1: Thấp thỏm bên chân núi

TTH - Biến đổi khí hậu (BĐKH) ảnh hưởng đến Thừa Thiên Huế một cách rõ nét khi bão, lũ những năm gần đây diễn biến phức tạp, khó lường với tần suất, cường độ ngày càng lớn. Cơ quan chức năng đang nghiên cứu, triển khai các phương án khả thi nhất để bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản Nhân dân trước thiên tai ngày càng khắc nghiệt.

Sống ven sườn súi, người dân thấp thỏm, âu lo khi thiên tai, bão lũ bất thường, khó lường đe dọa tính mạng.

Những ngôi nhà ở Hồng Thủy (A Lưới) nằm bên sườn núi

Những ngôi nhà ở Hồng Thủy (A Lưới) nằm bên sườn núi

Mong được di dời

14 hộ dân sinh sống dưới chân đèo Phú Gia, xã Lộc Tiến (Phú Lộc) vẫn chưa hết bàng hoàng trước cảnh sạt lở núi vùi lấp vườn tược, nhà cửa trong đợt mưa lũ vào cuối năm trước. Các hộ không ngờ núi rừng từng che chở dân làng qua bao mùa bão, lũ giờ lại “trở chứng” đe dọa tính mạng, đời sống bà con. “Sau những trận mưa kéo dài, bất ngờ núi lở ầm ầm, chỉ chậm chân trong vài phút thì nhiều người dân có thể bị đất đá chôn vùi”, ông Ngô Trữ ở chân đèo Phú Gia chưa hết bàng hoàng.

Từ khi xảy ra sạt lở núi tại chân đèo Phú Gia, hay trước đó vụ sạt lở tại thủy điện Rào Trăng 3, ông Ngô Trữ cùng người dân mới biết sinh mạng, tài sản bị đe dọa trước nguy cơ sạt lở nơi mình sinh sống bất cứ lúc nào. Ông Trữ bảo, sau các vụ sạt lở núi, tang thương, giờ đây người dân ai cũng muốn sớm di dời, tái định cư. Rời quê cũ, nơi “chôn nhau cắt rốn”, trải qua bao gian khổ, sinh tồn chắc chắn ai cũng ngậm ngùi, nuối tiếc. Nhưng không còn cách nào khác buộc phải di dời đến nơi ở mới để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản, ổn định cuộc sống lâu dài.

Ông Hồ Văn Rinh cùng hàng chục hộ dân bản Tru Pi, xã Hồng Thủy (A Lưới) sinh sống ven núi từ bao đời nay thừa nhận, nếu như trước đây khi mùa mưa bão đến người dân mới lo sợ mất an toàn đến tính mạng, tài sản thì nay nỗi lo này thường trực hơn mỗi khi xảy ra mưa rừng, mưa giông lớn. Như các trận mưa lớn trái mùa trong tháng 4 mới đây, các hộ dân rất lo, phải chủ động sơ tán khẩn cấp để bảo vệ an toàn tính mạng.

30 hộ dân sinh sống ven chân núi ở bản Ria Hố, xã Thượng Lộ (Nam Đông) cũng nằm ven chân núi trong tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” khi thiên tai, bão, lũ đang ngày càng diễn biến bất thường, khó lường. Núi lở ập xuống bất cứ lúc nào. Ông Hồ Kăn ở bản Ria Hố nhận thấy, ngoài thiên tai khắc nghiệt còn có yếu tố tác động của con người trong quá trình mưu sinh, phát triển kinh tế khiến nguy cơ đồi núi mất an toàn, dễ sạt lở.

Những đồi núi, cánh rừng tự nhiên thay bằng cây keo tràm ít có khả năng giữ đất, giữ nước. Sau các vụ thu hoạch, rễ keo tràm trong lòng đất bị mục rỗng, đất đồi không còn sự kết dính khiến nguy cơ sạt lở rất cao trong mùa mưa lũ. “Đến nơi ở mới sinh sống, định cư an toàn là mong muốn của dân bản làng Ria Hố nói riêng và các bản làng ven núi tại địa phương nói chung”, ông Kăn mong mỏi.

Sạt lở tiếp tục diễn biến phức tạp

Chạy dọc tuyến đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 49A đi qua địa phận A Lưới…, chúng tôi chứng kiến nhiều dấu vết sạt lở đất, đồi núi từ năm trước. Nhiều ngôi nhà nép mình dưới chân núi, ẩn họa khôn lường khi thiên tai, bão lũ diễn biến ngày càng khắc nghiệt.

Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới, ông Hồ Văn Ngưm nhận định, tác động sinh kế của con người đến rừng kết hợp với BĐKH khiến mưa lũ bất thường, nguy cơ sạt lở núi trên địa bàn huyện miền núi A Lưới rất cao. Mùa mưa lũ năm trước, tại khu vực Bốt Đỏ bị sạt lở đất dưới chân đồi, tạo các vết trượt dài xuống khu dân cư, xuất hiện các vết nứt gãy, nguy cơ xảy ra sạt lở rất cao với diện tích 1,6ha, đe dọa trực tiếp hơn 150 hộ sinh sống ven núi...

Chủ tịch UBND huyện Nam Đông, ông Trần Quốc Phụng nhận định, nhiều khu vực trên địa bàn huyện miền núi Nam Đông lâu nay đều có nguy cơ sạt lở núi, đe dọa vùng dân cư trong mùa bão, lũ. Qua rà soát trên địa bàn toàn huyện có 9 vị trí có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét đe dọa trực tiếp khoảng 134 hộ dân sinh sống ven chân núi.

Trong khi dấu vết điểm sạt lở núi tại chân đèo Phú Gia vẫn còn mới, 14 hộ bị đe dọa trực tiếp vẫn chưa di dời đến nơi ở mới thì tại huyện Phú Lộc qua khảo sát, đánh giá còn có nhiều điểm có nguy cơ sạt lở cao trước xu thế diễn biến bất thường của thiên tai. Có gần 100 hộ sống ven sườn núi trên địa bàn huyện Phú Lộc bị đe dọa như khu vực các đèo Phước Tượng, Phú Gia, Hải Vân, các khu dân cư thị trấn Phú Lộc và một số địa phương ven núi.

Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, ông Đặng Văn Hòa thông tin, ngoài các địa phương đề cập trên, qua khảo sát, đánh tại nhiều khu vực đồi núi các huyện Phong Điền, TX. Hương Trà, TX. Hương Thủy đều có nguy cơ sạt lở, có hàng chục hộ bị đe dọa trực tiếp.

Ông Hòa thông tin, “tai biến địa chất” dẫn đến trượt lở đất, lũ quét, lũ bùn đá thường xảy ra ở vùng địa hình núi thấp với độ dốc từ 15- 25% ở A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc, TX. Hương Trà, TX. Hương Thủy chiếm khoảng 36% diện tích toàn tỉnh.

Theo đánh giá của các chuyên gia về môi trường, nạn phá rừng, bạt núi mở đường, xây dựng công trình... đã thúc đẩy quá trình “tai biến địa chất”, dẫn tới mất chân và mất ổn định sườn dốc, tạo độ dốc cao hơn, mất thảm thực vật dẫn tới nguy cơ sạt lở. Qua rà soát, ngoài các thủy điện lớn như Hương Điền, Bình Điền, A Lưới phải chuyển đổi mục đích rừng tự nhiên đến hàng trăm ha, 7 dự án thủy điện khác trên địa bàn tỉnh cũng chuyển mục đích sử dụng rừng với diện tích 154,57ha (gồm 101,55ha rừng tự nhiên và 53ha rừng trồng)… Trong khi đó, việc trồng rừng thay thế của các chủ công trình được triển khai chậm so với kế hoạch.

Một trong những yếu tố đáng quan tâm khi số liệu điều tra của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, từ năm 2010 đến năm 2021, cơ cấu diện tích rừng trên địa bàn tỉnh có nhiều thay đổi. Tỷ lệ cơ cấu các loại rừng phân theo mục đích sử dụng trong giai đoạn này cũng có nhiều biến động. Theo đó, tỷ lệ diện tích rừng đặc dụng trong cơ cấu đất lâm nghiệp tăng khoảng 2,65% (từ 27,35% lên 30%); tỷ lệ rừng sản xuất tăng 0,85% (từ 44,23% lên 45,08%). Ngược lại, tỷ lệ rừng phòng hộ giảm 3,5% (từ 28,43% xuống còn 25,93%). Diện tích đất có rừng đến nay giảm trên 6.000ha so với năm 2010.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

(Còn nữa)

Kỳ 2: Tái định cư và trồng rừng bền vững

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/ung-pho-nguy-co-sat-lo-nui-ky-1-thap-thom-ben-chan-nui-a113771.html