Kinh tế Việt Nam chuyển biến tích cực hơn qua từng tháng, từng quý
Để kinh tế Việt Nam tăng trưởng bền vững, trước hết phải tập trung tổ chức, thực thi một cách quyết liệt, tổng thể và đồng bộ từ tất cả các cấp, ngành, địa phương các giải pháp, chính sách đã ban hành để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, các ngành, lĩnh vực.
Kinh tế Việt Nam chuyển biến tích cực hơn qua từng tháng, từng quý
Báo cáo của Tổng cục Thống kê (GSO) cho thấy, kinh tế Việt Nam đang tiếp tục trên đà phục hồi. Theo đó, GDP quý III/2023 đã tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước.
Như vậy, tốc độ tăng trưởng GDP đã tăng qua mỗi quý. Nếu quý I/2023, GDP tăng “khiêm tốn” 3,28% và tăng lên 4,05% vào quý II/2023, thì quý III đã tăng lên 5,33%. Điều này đã giúp GDP sau 9 tháng của năm 2023 tăng 4,24% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng cục Thống kê đánh giá, bất chấp kinh tế thế giới đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, thì việc GDP tăng 4,24% trong 9 tháng qua là điều tích cực.
Trong đó, 3 khu vực kinh tế nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ đều ghi nhận tăng trưởng tốt, đạt 3,43% trong 9 tháng năm 2023, tiếp tục khẳng định vai trò bệ đỡ của nền kinh tế.
Riêng khu vực dịch vụ vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá, trong 9 tháng qua đã tăng 6,32%. Điều này có được là nhờ chính sách xúc tiến du lịch đã phát huy hiệu quả, đã có 8,9 triệu lượt khách quốc tế đến Việt Nam, gấp 4,7 lần cùng kỳ năm 2022.
Bên cạnh đó, xuất nhập khẩu, FDI vẫn là “điểm nhấn” của kinh tế Việt Nam. Đặc biệt, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 9 tháng năm 2023 ước đạt 15,91 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 9 tháng trong 5 năm qua.
Ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, tình hình thế giới tháng 9 và 9 tháng tiếp tục đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, phục hồi kinh tế chậm, tăng trưởng thấp, nhu cầu tiêu dùng giảm, nợ công tăng cao…
Trong nước, nền kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi, đạt được những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực. Tuy nhiên, việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội đề ra ngày càng khó khăn hơn, nhất là trước “tác động kép” từ những yếu tố bất lợi bên ngoài và hạn chế, thách thức bên trong.
Ngoài các chỉ số tăng trưởng kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp tiếp tục chuyển biến. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và tái gia nhập thị trường tháng 9 đạt gần 18,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.
9 tháng qua, Chính phủ cũng đã tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xử lý quyết liệt, hiệu quả nhiều vấn đề tồn đọng, vướng mắc; đẩy mạnh đầu tư các dự án đường cao tốc liên vùng, công trình hạ tầng chiến lược, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng cả trong ngắn hạn, trung và dài hạn.
Đồng thời, công tác an sinh xã hội, bảo đảm đời sống người dân; các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, thông tin tuyên truyền; công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế... được quan tâm, chú trọng, triển khai đồng bộ, toàn diện và hiệu quả.
“Kinh tế- xã hội tháng 9 và 9 tháng tiếp tục phục hồi khả quan, nhiều chỉ tiêu, chỉ số quan trọng, tuy kết quả đạt được chưa như kỳ vọng nhưng đã chuyển biến tích cực hơn qua từng tháng, từng quý” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.
Kinh tế Việt Nam sẽ sớm hồi phục
Trước những thách thức của nền kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra 3 bịch bản về kinh tế quý cuối cùng của năm 2023 và cả năm 2023.
Kịch bản thứ nhất, nếu tăng trưởng kinh tế cả năm 2023 đạt khoảng 5,0%, thì quý IV cần tăng 7,0%. Kịch bản thứ hai, nếu tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5,5%, quý IV cần tăng 8,8%. Kịch bản thứ ba, nếu tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 6%, quý IV cần tăng 10,6%.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, tăng trưởng quý IV phụ thuộc nhiều vào tốc độ phục hồi sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo; sự gia tăng nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu lớn, chủ lực của Việt Nam, hoạt động du lịch, tiêu dùng trong nước trong dịp cuối năm và cận kề Tết Nguyên đán 2024, là cơ sở để xuất khẩu, thị trường trong nước tăng trưởng nhanh hơn.
Các kịch bản đặt ra đều rất khó khăn, thách thức, yêu cầu sự chủ động, nỗ lực, quyết tâm cao của các cấp, ngành, địa phương triển khai các giải pháp, chính sách thúc đẩy mạnh tăng trưởng, phát huy hiệu quả mọi nguồn lực, tranh thủ tối đa thời cơ, cơ hội từ cả bên ngoài và bên trong nền kinh tế để phấn đấu đạt kết quả tăng trưởng cao nhất trong quý IV, đặc biệt là tạo đà cho năm 2024 và các năm tiếp theo.
Tương tự, các tổ chức, chuyên gia nghiên cứu kinh tế vĩ mô cũng có nhận định lạc quan về kinh tế Việt Nam, theo chiều hướng tích cực dần.
Đơn cử, ngân hàng phát triển châu Á (ADB) dự báo, tăng trưởng kinh tế Việt Nam (GDP) trong năm 2023 có thể đạt mức 5,8%. Sang năm 2024, mức tăng trưởng có thể đạt 6%.
Trong khi đó, ngân hàng thế giới (WB) dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 4,7% trong năm 2023 và sẽ hồi phục lên 5,4% và 6% trong năm 2024-2025. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 của Việt Nam sẽ ở mức 4,7% trước khi bật tăng lên 5,8% vào năm 2024.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, để kinh tế Việt Nam tăng trưởng bền vững, trước hết phải tập trung tổ chức, thực thi một cách quyết liệt, tổng thể và đồng bộ từ tất cả các cấp, ngành, địa phương các giải pháp, chính sách đã ban hành để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, các ngành, lĩnh vực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là các chính sách về thuế, phí, tiền tệ, thương mại, đầu tư.
Đồng thời, tập trung thúc đẩy thị trường trong nước. Trong đó, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả thị trường nội địa, tranh thủ cơ hội đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa dịp cuối năm và Tết Nguyên đán năm 2024.
Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư cũng nhấn mạnh, Việt Nam cần tranh thủ tối đa cơ hội, xu hướng phục hồi của các thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu. Theo đó, kịp thời thông tin về thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp đáp ứng nhanh, kịp thời các tiêu chuẩn mới của nước đối tác xuất khẩu, đẩy mạnh xuất khẩu các nhóm hàng chủ lực, tranh thủ cơ hội xuất khẩu từ FTA đã ký kết, đẩy nhanh đàm phán đã ký kết…
Song song với các giải pháp trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng cần đẩy mạnh rà soát, sửa đổi, hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy định pháp luật, cải cách hành chính, thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Ngoài ra, Việt Nam cần thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế, tranh thủ các cơ hội mới từ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ để thu hút các tập đoàn đa quốc gia: đầu tư, hợp tác hình thành hệ sinh thái chip bán dẫn, sản xuất linh kiện, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, đào tạo nhân lực công nghệ cao; bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động, bảo đảm đời sống người dân.