Kinh tế Việt Nam có điểm sáng, dự báo tăng trưởng cao hơn mặt bằng chung khu vực
Đó là nhận định được ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia Kinh tế trưởng tại Việt Nam Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) khi chia sẻ tại Diễn đàn Cao cấp cố vấn tài chính Việt Nam do Báo Đầu tư phối hợp với Cộng đồng Cố vấn tài chính Việt Nam (VWA) tổ chức ngày 6/6.
Ông Hùng nhận định, kinh tế thế giới đang trong xu hướng tiếp tục khó khăn, tuy nhiên kinh tế châu Á- Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam có triển vọng sáng hơn. Khu vực Đông Nam Á dự báo tăng trưởng khoảng 4,5%. Kinh tế Việt Nam dự báo tăng trưởng 6% cao hơn mặt bằng chung khu vực.
Theo ông Nguyễn Bá Hùng, kinh tế Việt Nam rất mở, xuất khẩu và nhập khẩu nhiều. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cao gần gấp đôi GDP, do đó cần tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế. Dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có đợt điều chỉnh giảm lãi suất trong thời gian tới và xu hướng hạ lãi suất ở các nền kinh tế lớn như châu Âu là chỉ dấu kinh tế khó khăn dẫn đến nhu cầu tiêu dùng của người dân ở các thị trường này sẽ vừa phải hơn ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam. Hiện nay Việt Nam đang nhập siêu ở châu Á và xuất siêu sang châu Âu, Mỹ. Do đó, cầu xuất khẩu có thể phục hồi nhưng khó tăng mạnh.
Đối với sức cầu nội địa, hiện nay có phục hồi nhưng tốc độ còn chậm. Ông Hùng cho rằng sức cầu tiêu dùng trong nước phụ thuộc nhiều vào đầu tư trong nước, đầu tư công, tiêu dùng nội địa, phụ thuộc vào chính sách tài khóa. Cần có biện pháp cải cách, chi phí kinh doanh tạo điều kiện cho doanh nghiệp, đây là yêu cầu chính sách trong 1-2 năm tới tạo động lực để có sự cân đối lại, gia tăng sức cầu.
Tại Diễn đàn, các chuyên gia đề cập nhiều đến yếu tố thể chế, chính sách, tuy nhiên, ông Nguyễn Bá Hùng cho rằng, còn cần đề cập yếu tố con người, đây là yếu tố rất quan trọng mang tính toàn xã hội không chỉ mỗi người ở cơ quan công quyền mà còn là người tham gia thị trường, nhà đầu tư, các khối khác nhau tạo động lực để cùng vận hành hiệu quả hơn. Bên cạnh hoàn thiện cơ chế chính sách, hoàn thiện thể chế, cần có đồng hành thực hiện để hiệu quả.
Cơ hội đến từ sự kiên nhẫn của nhà đầu tư
Để “Ứng biến trong vạn biến”, ông Tống Quốc Đạt, Trưởng phòng Phân tích thị trường cấp cao Exness Investment Bank quan điểm: “Chúng ta đừng biến đổi quá nhiều trong bối cảnh thị trường có nhiều yếu tố bất định, khó khăn rồi cũng qua đi. Trong thời gian 2-3 năm tới thị trường sẽ có nền tảng tăng trưởng được xây dựng trở lại. Sau một quá trình giảm quá mạnh và đi ngang, thị trường cần có bệ phóng từ từ chắc chắn hơn”.
Ông Tống Quốc Đạt cho rằng, nhà đầu tư không quá bi quan bởi thị trường đã ở vùng đáy, nhiều cổ phiếu có mệnh giá thấp.
"Cơ hội đến từ sự kiên nhẫn của nhà đầu tư. Lạm phát từ mức đỉnh năm ngoái giảm xuống trên toàn cầu đây là tín hiệu tốt, nhà đầu tư cần nhìn nhận cơ hội để tận dụng", ông Đạt nhấn mạnh.
Phân tích về bối cảnh kinh tế chung của toàn cầu, ông Tống Quốc Đạt nhận định đồng USD có thể không giảm quá mạnh như kỳ vọng, bởi xét về tương quan nền kinh tế Mỹ vẫn mạnh hơn nhiều so với châu Âu hay các quốc gia G7.
Ông Đạt thông tin, ngay trong cuộc họp lần này, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) bắt đầu nới lỏng chính sách (thực tế đúng nhận định khi ECB đã quyết định cắt giảm 25 điểm cơ bản xuống 3,75% trong cuộc họp ngày 6/6 - BTV) .
"Do lạm phát EU ổn định hơn, nên châu Âu nhiều khả năng sẽ giảm lãi suất nhanh và mạnh hơn so với Mỹ, vô hình trung đẩy sức mạnh của đồng USD đi lên. Ngoài ra, euro cũng đóng vai trò lớn trong USD Index (DXY). Nếu ECB có động thái như vậy, USD vẫn hàm chứa rủi ro mạnh lên", ông Tống Quốc Đạt nhận định.
Một biến số thị trường chưa tính tới là yếu tố bầu cử tổng thống Mỹ. Ông Tống Quốc Đạt cho rằng, các chính sách của ông Donald Trump nghiêng về hướng tăng rào cản thuế quan, không muốn duy trì chính sách mở trong đầu tư, điều này ảnh hưởng đến câu chuyện thị trường lao động của Mỹ, các chi phí lao động thuê nhân sự tăng cao, từ đó dẫn đến chỉ số thu nhập bình quân, lương theo giờ nhiều khả năng tăng, câu chuyện lạm phát, đây là biến số. Nhiều khả năng nếu lạm phát tăng, lộ trình giảm lãi suất của Fed không mạnh mẽ như tính toán mà có thể chậm hơn.