Kinh tế Việt Nam còn những nỗi lo lớn hơn lạm phát

Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á công bố ngày 19-7 của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định, lạm phát của Việt Nam sẽ ở mức 4% trong năm 2023 và cả năm 2024.

Khó khăn của ngành bất động sản đã ảnh hưởng tiêu cực đến 40 ngành kinh tế quan trọng khác.

Khó khăn của ngành bất động sản đã ảnh hưởng tiêu cực đến 40 ngành kinh tế quan trọng khác.

ADB cũng nhận định lạm phát thế giới đang có xu hướng giảm, tiến gần về ngưỡng trước đại dịch khi giá nhiên liệu và lương thực giảm. Trong đó, châu Á đang sẽ có mức lạm phát 3,6% trong năm nay, so với mức dự báo 4,2% hồi tháng 4.

Lạm phát chưa đáng lo

Ngay từ đầu năm 2023, nhiều chuyên gia kinh tế trong nước nhìn nhận, chính sách tiền tệ thận trọng trong năm 2022 cùng với nguy cơ kinh tế thế giới rơi vào suy thoái trong năm 2023, sẽ khiến áp lực lạm phát năm nay không quá lớn. Lạm phát trung bình năm 2023 dự báo khoảng 3,5-4%. Ở thời điểm này, sau 6 tháng đầu năm, với CPI bình quân tăng 3,29% so với cùng kỳ năm 2022, dự báo trên được củng cố.

TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, nhấn mạnh sự suy giảm mạnh của lạm phát trong 6 tháng đầu năm 2023 do 3 nguyên nhân chủ yếu. Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức thấp với tất cả cấu thành của tổng cầu đều tăng trưởng chậm như đầu tư, tiêu dùng đi kèm sự sụt giảm của xuất khẩu. Thứ hai, tăng trưởng cung tiền thấp. Theo ghi nhận, tổng phương tiện thanh toán tính đến ngày 20-6 chỉ tăng 2,53% so với cuối năm 2022, thấp hơn cả thời kỳ xảy ra dịch bệnh Covid-19. Thứ ba, lãi suất thực đang ở mức cao.

Cũng theo chuyên gia này, từ nay đến cuối năm các nguy cơ xảy ra các cú sốc về cung như giá dầu, tỷ giá tương tự năm 2022, tức cũng không cao, thuận lợi cho việc kiềm chế lạm phát. "Trong vòng 1 năm qua, CPI chỉ tăng trung bình 0,17%/tháng. Với giả định tốc độ này tiếp tục được duy trì trong 6 tháng cuối năm, lạm phát so với cùng kỳ vào tháng 12 được dự báo ở mức 1,7%, và lạm phát trung bình cả năm 2023 sẽ ở mức 2,5%” - TS. Nguyễn Đức Độ nhận định.

Có quan điểm tương đồng, ông Phạm Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cho rằng diễn biến thị trường giá cả trong nước có chiều hướng thuận lợi. Bộ Tài chính với vai trò Thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá của Chính phủ, ngay từ đầu năm đã chú trọng công tác quản lý, điều hành giá và kiểm soát lạm phát. Với bối cảnh kinh tế trong nước và quốc tế hiện không mấy khả quan, cùng với sự thận trọng của Ngân hàng Nhà nước trong việc hoạch định chính sách tiền tệ thời gian qua, lạm phát trong năm 2023 nhiều khả năng tiếp tục giảm, và mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4,5% chắc chắn sẽ đạt.

Từ nay đến cuối năm các nguy cơ xảy ra các cú sốc về cung như giá dầu, tỷ giá tương tự năm 2022, tức cũng không cao, thuận lợi cho việc kiềm chế lạm phát.

Thận trọng với “những cơn gió ngược”

Mặc dù vậy, không hoàn toàn loại trừ việc lạm phát những tháng cuối năm vẫn có khả năng tăng cao. Theo ông Nguyễn Xuân Định, Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, khả năng suy thoái kinh tế thế giới ngày càng rõ nét hơn, nhất là tại các nền kinh tế lớn, làm gia tăng rủi ro bất ổn về chính trị, xã hội tại một số quốc gia; cạnh tranh chiến lược, địa chính trị giữa các nước trên thế giới vẫn đang diễn ra căng thẳng; thị trường tài chính, tiền tệ của các nước đang phát triển đối mặt với nhiều rủi ro; an ninh năng lượng, an ninh lương thực, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, bão lũ, hạn hán…

Đồng thời, từ tháng 7 lương cơ bản tăng, kéo theo nhu cầu tiêu dùng hàng hóa tăng lên, có thể dẫn đến giá cả hàng hóa tăng. Áp lực từ việc thực hiện lộ trình giá thị trường một số mặt hàng Nhà nước quản lý đã bị lùi thực hiện trong thời gian qua, cũng sẽ tạo nên hiệu ứng “lò xo bật” nếu không có sự điều tiết khéo léo của cơ quan quản lý. Trong đó, theo thông lệ, khi tháng 9 bắt đầu vào năm học mới, học phí có thể tăng. Giá lương thực, thực phẩm cũng thường tăng vào cuối năm; cộng hưởng với yếu tố cầu kéo của các gói hỗ trợ...

Quan trọng hơn, lạm phát mới chỉ là một trong nhiều yếu tố để đo lường “sức khỏe” của nền kinh tế và chất lượng cuộc sống của người dân.

Lo ngại niềm tin kinh doanh

Trong khi đó, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, lưu ý các chỉ số khác như tín dụng, thâm hụt tài khóa, sự ảm đạm của thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu, đặc biệt là niềm tin kinh doanh của nhà đầu tư giảm sút, là những vấn đề rất lớn hiện nay.

“Thị trường bất động sản gặp khó khăn, vướng mắc về pháp lý; doanh nghiệp gặp ách tắc trong phát hành trái phiếu và không vững tin để mở rộng đầu tư kinh doanh, sẽ khiến nền kinh tế rất khó phục hồi trong năm 2023 và thậm chí cả năm 2024” - ông Cung nói.

Nhận định của ông Cung về niềm tin kinh doanh là có cơ sở. Ngày 10-7 vừa qua, Hiệp hội đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố kết quả Chỉ số Niềm tin kinh doanh (BCI) quý II-2023. Theo đó, chỉ số niềm tin với thị trường Việt Nam giảm 4,5 điểm, xuống ở mức 43,5 điểm. BCI cho thấy số lượt phản hồi không tích cực liên quan đến tình hình kinh doanh hiện tại tăng tới 10% và tăng 6% trong quý tới. Số lượng công ty có kế hoạch quản lý chặt chẽ các khoản đầu tư trong quý tới đã tăng thêm 7%.

Cùng xu hướng, kết quả khảo sát tình hình doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được Tổng cục Thống kê công bố cuối tháng 6 vừa qua, cho thấy có 27,5% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý II tốt hơn so với quý I; 36,7% doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 35,8% doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn.

Cũng cần nói thêm, chỉ riêng khó khăn của ngành bất động sản đã ảnh hưởng tiêu cực đến 40 ngành kinh tế quan trọng khác, nhất là những ngành liên quan trực tiếp như xây dựng, công nghiệp chế biến chế tạo, du lịch, lưu trú - ăn uống và tài chính - ngân hàng.

Có thể thấy, mặc dù việc kiểm soát lạm phát ở dưới mức “trần” nhiều khả năng đạt được, nhưng các cơ quan quản lý và bản thân doanh nghiệp vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

Bảo Vân

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/kinh-te-viet-nam-con-nhung-noi-lo-lon-hon-lam-phat-post106613.html