Kinh tế Việt Nam: Nắm bắt cơ hội mới
Báo cáo Tự do kinh tế thế giới do Viện Fraser của Canada, vừa công bố, Việt Nam đã tăng thêm bốn bậc và xếp thứ 106/165 quốc gia và vùng lãnh thổ dựa trên bộ Chỉ số tự do kinh tế thế giới (Economic Freedom of the World Index) năm 2021 (năm có số liệu thống kê đầy đủ nhất).
Như vậy, trên phương diện quốc tế, chỉ số tự do kinh tế của Việt Nam được công nhận đã có những cải thiện quan trọng. Đây là bằng chứng tốt để khẳng định nền kinh tế Việt Nam vận hành về cơ bản theo cơ chế thị trường.
Mức tăng này tương đối cao so với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Tất nhiên, khi so sánh về thứ hạng trong ASEAN-6, mức độ tự do của kinh tế Việt Nam vẫn đứng sau Singapore, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Indonesia; đòi hỏi cả nền kinh tế phải nỗ lực cải cách hơn nữa, để đạt được thứ hạng cao hơn.
Ngoài ra, việc tăng cường hợp tác và học hỏi kinh nghiệm với ngay các “hàng xóm ASEAN” cũng rất quan trọng, đặc biệt với Malaysia xếp vị trí 56 thế giới với chỉ số tự do kinh tế là 7,19 hay Singapore tiếp tục đứng đầu bảng với chỉ số cao nhất thế giới (8,56 điểm).
Vị trí xếp hạng của Việt Nam tuy còn thấp nhưng so với năm 2019 đã tiến bộ đáng kể - trong hai năm tăng 19 bậc. Nền kinh tế có xu hướng tăng hạng vững chắc từ năm 2015 đến nay, phần nào phản ánh các chính sách kinh tế đúng đắn, đồng thời, cho thấy những nỗ lực của Chính phủ trong tái cơ cấu theo hướng phát triển kinh tế thị trường đầy đủ, hội nhập quốc tế.
Mức tăng điểm ghi nhận ở 4/5 chỉ số thành phần chính. Trong đó, hệ thống pháp luật và quyền tài sản (xếp thứ 77), tăng từ 4,96 lên 5,15 điểm; đồng tiền tốt (xếp thứ 128), tăng từ 6,96 lên 7,02 điểm; tự do thương mại quốc tế (xếp thứ 98), tăng từ 6,4 lên 6,52 điểm; quy định về tín dụng, lao động và kinh doanh (xếp thứ 103), tăng từ 6,08 lên 6,10 điểm.
Các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đều cho rằng, Việt Nam nhiều khả năng giữ được đà tăng trưởng cao trong tương lai dù vẫn phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Do đó, Việt Nam vẫn cần tiếp tục có những bước đi đúng đắn để nắm bắt cơ hội trong tương lai và quản lý rủi ro.
Chỉ số Tự do kinh tế thế giới đo lường quyền tự do kinh tế của các cá nhân - khả năng tự đưa ra các quyết định kinh tế của mình - bằng cách phân tích các chính sách và thể chế của 165 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, các thể chế và chính sách cụ thể được xem xét, phân tích, từ các quy định quản lý của nhà nước, quyền tự do thương mại quốc tế, quy mô của chính phủ, hệ thống pháp luật và quyền sở hữu, chính sách tiền tệ tốt.
Việc rà soát Chỉ số tự do kinh tế thế giới của Việt Nam một cách toàn diện, cùng với những phân tích chi tiết đằng sau mỗi chỉ tiêu, trong mối tương quan với các quốc gia tương đồng khác là công việc cần thiết. Từ đó, nhiều khuyến nghị chính sách được các chuyên gia đưa ra để giúp Việt Nam cải thiện các chỉ số, cũng như mở ra các cơ hội đạt được những mục tiêu mới trong thời gian tới, thông qua việc thúc đẩy tự do kinh tế.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kinh-te-viet-nam-nam-bat-co-hoi-moi-243972.html