Kinh tế Việt Nam 'né' cơn bão thuế quan bên ngoài bằng cách nào?

Kinh tế Việt Nam được dự báo tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2025 nhờ đầu tư công và tăng trưởng tín dụng cũng như kỳ vọng vào phục hồi tiêu dùng trong nước và bất động sản.

Chiều muộn ngày 26-3, Ngân hàng UOB Việt Nam tổ chức sự kiện “Cập nhật thị trường: Triển vọng toàn cầu và Việt Nam 2025”.

Triển vọng kinh tế Việt Nam 2025

Tại đây, nhiều chuyên gia có chung nhận định năm 2025 kinh tế thế giới sẽ đối diện nhiều bất ổn từ những chính sách khó đoán định của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Cuộc chiến thuế quan dưới chính quyền Trump 2.0 có khả năng làm dấy lên căng thẳng và gián đoạn thương mại toàn cầu, ảnh hưởng đến các quốc gia có độ mở cao về thương mại như Việt Nam.

Theo ông Abel Lim, Giám đốc Tư vấn và Chiến lược Quản lý tài sản, Ngân hàng UOB (Singapore) cho biết thêm: Tăng trưởng kinh tế toàn cầu cho cả năm 2025 dự kiến sẽ chậm lại nhưng vẫn trong giai đoạn mở rộng. Triển vọng kinh tế thế giới sẽ phụ thuộc nhiều vào các các chính sách của Tổng thống Trump, vốn vẫn chưa rõ ràng ở thời điểm hiện tại và sẽ có sự phân hóa tăng trưởng.

Theo ông Abel Lim, chính sách thuế quan tăng cao của Tổng thống Mỹ sẽ làm gián đoạn hoạt động thương mại song phương, làm tăng chi phí cho doanh nghiệp và người tiêu dùng. Việc Mỹ áp đặt mức thuế cao hơn đối với hàng loạt mặt hàng nhập khẩu, dẫn đến các biện pháp thuế trả đũa từ những đối tác thương mại quan trọng, gây thiệt hại cho nhà xuất khẩu, dẫn đến sự dịch chuyển dòng chảy thương mại toàn cầu.

Đơn cử trong lĩnh vực nông nghiệp, Trung Quốc cắt giảm nhập khẩu từ Mỹ và chuyển sang các nhà cung cấp khác, đáng chú ý là Brazil – quốc gia đã thay thế Mỹ trở thành nguồn cung đậu nành hàng đầu cho Trung Quốc. Những thay đổi này không chỉ làm suy giảm sức cạnh tranh của xuất khẩu Mỹ mà còn tạo ra sự phân mảnh trong dòng chảy thương mại toàn cầu.

Điều này cũng tạo điều kiện cho các đối thủ như Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng thông qua các hiệp định thương mại như Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), làm suy yếu vị thế thương mại toàn cầu của Mỹ.

 Kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong năm 2025. Ảnh minh họa

Kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong năm 2025. Ảnh minh họa

Trong khi đó, ông Lê Thành Hưng - Giám đốc Đầu tư UOB Asset Management Việt Nam cho rằng kinh tế Việt Nam dự kiến vẫn tiếp tục tăng trưởng mạnh trong năm 2025 nhờ vào các yếu tố kích thích kinh tế trong nước qua đầu tư công và tăng trưởng tín dụng cũng như kỳ vọng vào phục hồi tiêu dùng trong nước và khu vực bất động sản.

Cụ thể, ông Hưng cho biết Chính phủ trình Quốc hội phê duyệt kế hoạch đầu tư công trong năm 2025 khoảng 875.000 tỉ đồng (tương đương khoảng 36 tỉ đô la Mỹ), tăng mạnh so với số thực giải ngân năm 2024 là 568.000 tỉ đồng. Điều này đã và đang tạo động lực thúc đẩy đầu tư khu vực công, làm gia tăng niềm tin đối với các lĩnh vực kinh tế khác cùng hướng đến sự phát triển.

Diễn biến của đồng USD sẽ ra sao?

Bổ sung thêm, ông Abel Lim cho rằng chính sách tiền tệ toàn cầu sẽ bị chi phối bởi các tác động kinh tế và lạm phát từ chính sách của Tổng thống Trump. "Các ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ thận trọng theo dõi diễn biến lạm phát và thương mại để đưa ra quyết định điều chỉnh lãi suất phù hợp. Riêng tại Mỹ, quan điểm của chúng tôi cho rằng Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ chỉ cắt giảm lãi suất ở mức 25 điểm cơ bản trong quý II” - ông Abel Lim nêu quan điểm.

Về diễn biến của đồng USD, ông Abel Lim đánh giá hầu hết các đồng tiền châu Á đều suy yếu hơn so với USD trong thời gian gần đây. Đơn cử, tiền đồng đã giảm chỉ còn khoảng 25.600 đồng đổi một USD vào đầu tháng 3 do đồng USD tăng giá. Tuy nhiên, một số yếu tố có thể giúp giảm áp lực mất giá của VND, bao gồm triển vọng tăng trưởng nội địa mạnh mẽ và cam kết của NHNN trong việc đảm bảo “ổn định tỉ giá”.

Theo ông Lê Thành Hưng cho rằng doanh thu xuất khẩu của Việt Nam có thể bị ảnh hưởng tiêu cực nếu Mỹ áp thuế lên các mặt hàng từ Việt Nam, qua đó tạo áp lực lên tỉ giá USD/VND khi đồng USD liên tục tăng mạnh.

Mối quan tâm này xuất phát từ việc Mỹ đang là đối tác thương mại có kim ngạch thương mại song phương đứng thứ 2 (sau Trung Quốc) của Việt Nam, là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam (chiếm 30% tổng kim ngạch xuất khẩu) và có thâm hụt thương mại lớn nhất với Việt Nam.

Trước động thái Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn sử dụng chính sách thuế như một công cụ để đưa các bên vào bàn đàm phán nhằm thỏa thuận có lợi hơn cho Mỹ, ông Hưng nêu ra một số giải pháp từ Việt Nam để hạn chế tác động tiêu cực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt mục tiêu chính phủ đề ra.

“Đó là, Việt Nam cần tăng cường nhập khẩu từ Mỹ như khí thiên nhiên hóa lỏng, máy bay, nông sản… để giảm thặng dư thương mại với Mỹ. Song song đó, chúng ta cần thúc đẩy các động lực tăng trưởng nội tại như tăng đầu tư công vào các dự án hạ tầng giao thông, năng lượng, tăng tiêu dùng nội địa, thúc đầy tăng trưởng tín dụng để tăng nguồn vốn cho nền kinh tế. Việt Nam cũng cần mở rộng quan hệ đa phương, nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với các nước để mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút vốn đầu tư, giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ” - ông Hưng nhấn mạnh.

Cũng theo đại diện UOBAM (Việt Nam), ngành công nghệ cao chính là động lực tăng trưởng mới cho kinh tế Việt Nam giai đoạn 2025 - 2050. Theo đó, trước việc Mỹ hạn chế công nghệ bán dẫn từ Trung Quốc sẽ mang đến nhiều cơ hội lớn cho Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này trên đường dài trong 25 năm tới.

Triển vọng ngành bán dẫn Việt Nam là khả quan bởi hiện đã có một số doanh nghiệp bán dẫn lớn trên thế giới mong muốn đầu tư vào Việt Nam như dự án Amkor Technology với tổng vốn 1,6 tỉ USD; dự án Marvell and Synopsys; dự án Hana Micron vốn 1 tỉ USD và Samsung cam kết đầu tư thêm 2,6 tỉ USD vào lĩnh vực bán dẫn ở Việt Nam.

UOB Việt Nam cập nhật dự báo về tỉ giá USD/VND trong quý II sẽ lên khoảng 25.800 VND/USD. Tiếp đến, sang quý III sẽ nhích lên ngưỡng 26.000 VND/USD, sau đó giảm dần về 25.800 VND/USD trong quý IV-2025.

THÙY LINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/kinh-te-viet-nam-ne-con-bao-thue-quan-ben-ngoai-bang-cach-nao-post841024.html