Kinh tế Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình (kỳ II): Gom góp đủ 'tài sản' lớn, tự tin vươn mình

GS.TS. Andreas Stoffers tại Đại học Khoa học Ứng dụng Kinh tế và Quản lý (FOM) khẳng định, Việt Nam có thể tự tin tiến bước vào kỷ nguyên vươn mình.

GS.TS. Andreas Stoffers ví von, rồng (Việt Nam) là một trong những đất nước có tốc độ phát triển nhanh nhất về tự do kinh tế. (Ảnh tạo bởi Chat GPT)

GS.TS. Andreas Stoffers ví von, rồng (Việt Nam) là một trong những đất nước có tốc độ phát triển nhanh nhất về tự do kinh tế. (Ảnh tạo bởi Chat GPT)

Với những thành tựu đã đạt được, ông dự báo thế nào về sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong những năm tới? Cần lưu ý điều gì, thưa ông?

Nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực. Các nhà hoạch định chính sách đang quyết tâm đẩy mạnh cải cách thể chế, tinh giản bộ máy hành chính nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả, với trọng tâm là loại bỏ những trở ngại, tăng cường tăng trưởng, thúc đẩy thương mại, đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, từ góc nhìn của tôi, vẫn còn những thách thức, chủ yếu dưới dạng rủi ro bên ngoài sẽ đến với Việt Nam. Đơn cử như xung đột ngày càng gia tăng ở Ukraine và Trung Đông, suy thoái kinh tế ở các nền kinh tế hàng đầu (như Đức) và nguy cơ lạm phát nhập khẩu do chính sách tài chính, tiền tệ mở rộng quá mức ở một số quốc gia.

Rõ ràng, sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam phải tiếp tục mạnh mẽ thực hiện những bước đi tiếp theo. Dù nền kinh tế-xã hội Việt Nam đang phát triển tốt, chúng ta không thể “nhắm mắt làm ngơ” trước những vấn đề, thách thức còn tồn tại trong nước.

Là một cựu nhân viên ngân hàng, tôi đang đặc biệt nghĩ đến thị trường trái phiếu và chứng khoán. Đất nước hình chữ S cần tạo ra sự minh bạch cao hơn đồng thời, cải thiện những quy định trong thị trường trái phiếu và chứng khoán. Điều này hiện chỉ mới ở giai đoạn sơ khai.

Trung tâm tài chính tại TP. Hồ Chí Minh là một trong những dự án trọng điểm của Việt Nam trên con đường trở thành nước công nghiệp hóa vào năm 2045.

Ngoài ra, Việt Nam vẫn có thể rơi vào bẫy quốc gia có thu nhập trung bình.

Có rất nhiều việc đất nước có thể làm, nhưng tôi muốn nhấn mạnh một vấn đề, đó là việc thành lập tài chính xanh ở Việt Nam và xây dựng một trung tâm tài chính tại TP. Hồ Chí Minh trong tương lai.

Tôi coi đây là một trong những dự án trọng điểm của Việt Nam trên con đường trở thành nước công nghiệp hóa vào năm 2045. Một nước công nghiệp hóa không chỉ cần nền tảng sản xuất và hệ thống giáo dục xuất sắc mà còn cần nền tảng tài chính từ việc hình thành một trung tâm tài chính.

Trung tâm tài chính tại TP. Hồ Chí Minh sẽ có nhiều tác động tích cực đến phần còn lại của nền kinh tế, đặc biệt, nếu đất nước chuyển sang các công cụ tài chính hiện đại, số hóa và tài chính xanh.

Trung tâm tài chính tại TP. Hồ Chí Minh sẽ có nhiều tác động tích cực đến phần còn lại của nền kinh tế. (Ảnh: Văn Trung)

Trung tâm tài chính tại TP. Hồ Chí Minh sẽ có nhiều tác động tích cực đến phần còn lại của nền kinh tế. (Ảnh: Văn Trung)

Nói kỹ hơn về trung tâm tài chính tại TP. Hồ Chí Minh, ông có khuyến nghị gì không?

Tôi có một số khuyến nghị như sau:

Thứ nhất, tăng cường các hoạt động nhằm tạo ra một trung tâm tài chính tại TP. Hồ Chí Minh bằng cách cung cấp nguồn tài chính dồi dào và quyền ra quyết định.

Thứ hai, thiết lập các quy định quốc gia về phân loại xanh phù hợp với các tiêu chuẩn ngành hiện có và thông lệ toàn cầu.

Thứ ba, xây dựng chính sách thúc đẩy thị trường carbon và đẩy nhanh việc triển khai chính thức nền tảng giao dịch tín chỉ carbon tại Việt Nam.

Rõ ràng, sau gần 40 năm đổi mới, Việt Nam phải tiếp tục mạnh mẽ thực hiện những bước đi tiếp theo.

Thứ tư, tạo điều kiện phối hợp giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan khác nhằm xây dựng và thực hiện các tiêu chí môi trường trong cấp tín dụng xanh.

Thứ năm, duy trì cam kết của Ngân hàng Nhà nước về chính sách tín dụng hỗ trợ tăng trưởng xanh trong ngành ngân hàng.

Việt Nam phải tiến thêm bước nữa trong lĩnh vực tài chính xanh và công nghệ xanh. Trong bối cảnh này, việc áp dụng môi trường, quản trị, xã hội (ESG) là rất quan trọng để các ngân hàng Việt Nam tiếp cận nguồn vốn xanh quốc tế cho doanh nghiệp.

Để phát triển kinh tế, cần có một hệ thống giáo dục xuất sắc. Việt Nam cần khuyến khích và thúc đẩy giáo dục với thế hệ trẻ - mầm non tương lai của đất nước. (Ảnh: Phi Khanh)

Để phát triển kinh tế, cần có một hệ thống giáo dục xuất sắc. Việt Nam cần khuyến khích và thúc đẩy giáo dục với thế hệ trẻ - mầm non tương lai của đất nước. (Ảnh: Phi Khanh)

Trong nhiều cuộc trò chuyện với báo chí, ông thường nhắc đến sự phát triển kinh tế-xã hội của Ba Lan, khi so sánh với Việt Nam. Nhìn ra thế giới, bên cạnh Ba Lan, có quốc gia nào có sự phát triển có những nét tương đồng với Việt Nam không, thưa ông? Từ sự so sánh đó, theo ông, Việt Nam sẽ phát triển thế nào trong giai đoạn tới?

Đúng vậy, tôi xin chia sẻ thêm về Ba Lan - một đất nước đạt được tiến bộ lớn nhất về tự do hóa, kinh tế và trỗi dậy trong những thập niên gần đây. Những nhận định này được Quỹ Di sản (Heritage Foundation - Mỹ) đưa ra trong báo cáo thường niên của mình.

Tất nhiên, có những quốc gia có nền kinh tế tiên tiến hơn Việt Nam và Ba Lan. Tuy nhiên, đại bàng trắng (Ba Lan) và rồng (Việt Nam) là những đất nước có tốc độ phát triển nhanh nhất về tự do kinh tế.

Liên quan đến “ngoại giao cây tre”, tôi xin nhắc đến nước láng giềng Thái Lan làm ví dụ. Đất nước này đã giữ độc lập trong nhiều thế kỷ qua, bất chấp mối đe dọa nhờ việc mở cửa với phương Tây và cải cách. Thái Lan cũng cố gắng duy trì sự cân bằng trong ngoại giao giữa tất cả các siêu cường trên thế giới.

Xứ sở chùa Vàng có được sự phát triển kinh tế nhờ chính trị tương đối ổn định và quan hệ tốt đẹp với các quốc gia khác trên thế giới.

Về mặt này, "ngoại giao cây tre" của Việt Nam là một “tài sản” lớn của đất nước. Cá nhân tôi nhận thấy, nếu tiếp tục đi trên con đường mở cửa kinh tế và “ngoại giao cây tre”, Việt Nam có thể gặt hái được thành công lớn. Hòa bình và hợp tác kinh tế là điều kiện tiên quyết để đất nước phát triển trong tương lai.

Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2045, đất nước trở thành quốc gia phát triển, đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Những giải pháp để Việt Nam vươn mình phát triển mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới là gì, thưa ông?

Việt Nam đang ở vị thế rất tốt để trở thành quốc gia phát triển nhưng vẫn có những yếu tố ngoại sinh có thể làm gián đoạn sự phát triển này. Chẳng hạn như những xung đột chính trị trên thế giới, căng thẳng kinh tế Mỹ-Trung Quốc hay tình trạng nợ nần chồng chất của các nền kinh tế phương Tây...

Với những “tài sản” gom góp được trong giai đoạn đổi mới đến nay, Việt Nam có thể tự tin tiến bước vào kỷ nguyên vươn mình.

Ngoài ra, Việt Nam vẫn có thể rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Trong tương lai, tôi cho rằng, điều rất quan trọng là phải tiếp tục bám sát sức mạnh của kinh tế thị trường, duy trì sự cởi mở với các nhà đầu tư nước ngoài và mở rộng hơn nữa hội nhập vào thương mại quốc tế. Việc hội nhập sâu hơn vào ASEAN hay ký kết thêm các FTA là gợi ý hay cho Việt Nam.

Cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy hành chính cũng là việc đất nước cần quyết tâm cao thực hiện để có những bước tiến tiếp theo. Bên cạnh đó, Việt Nam có thể tận dụng nguồn lực to lớn của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài để làm cầu nối với đất nước.

Trong lĩnh vực phát triển công nghiệp, đất nước phải tập trung vào các ngành có triển vọng. Theo quan điểm của tôi, lĩnh vực như công nghệ xanh hay cần có bước nhảy vọt trong ngành tài chính.

Cuối cùng, theo tôi, để phát triển kinh tế, cần có một hệ thống giáo dục xuất sắc. Điều này đề cập đến tất cả các lĩnh vực giáo dục từ đào tạo nghề đến giáo dục Đại học. Việt Nam đã sở hữu những trường Đại học xuất sắc. Tuy nhiên, sự khác biệt giữa các trường Đại học còn quá lớn.

Về vấn đề này, đất nước có thể hợp tác với các đối tác nước ngoài để thay đổi cục diện. Bên cạnh những dự án “ngọn hải đăng” như Đại học Việt-Đức tại phường Thới Hòa, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương, Việt Nam cần thu hút các trường đại học tư thục làm đối tác và nhà đầu tư. Đức - quê hương tôi, nơi có hệ thống giáo dục ưu việt - có thể là một đối tác tiềm năng. Dân số được giáo dục tốt là một điểm cộng vô cùng lớn cho sự phát triển kinh tế của một quốc gia.

Khung cảnh Trường Đại học Việt-Đức tại phường Thới Hòa, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương. (Ảnh: Bá Sơn)

Khung cảnh Trường Đại học Việt-Đức tại phường Thới Hòa, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương. (Ảnh: Bá Sơn)

Những thông điệp của ông với Việt Nam trong kỷ nguyên vươn mình?

Với những “tài sản” gom góp được trong giai đoạn đổi mới đến nay, Việt Nam có thể tự tin tiến bước vào kỷ nguyên vươn mình.

Trong bối cảnh kinh tế-xã hội có nhiều thay đổi, Việt Nam nên giữ lại nét văn hóa đặc trưng. Thêm vào đó, cần có chế độ để thu hút nhân tài từ nước ngoài sẵn sàng làm việc và cống hiến cho Việt Nam. Đất nước có thể tăng cường tạo các cơ hội để các chuyên gia có thể xin được quốc tịch Việt Nam.

Ngoài ra, Việt Nam cần khuyến khích và thúc đẩy giáo dục với thế hệ trẻ - mầm non tương lai của đất nước. Con trai 9 tuổi của tôi là công dân Việt Nam. Sứ mệnh của tôi là dạy dỗ con để trong tương lai, công dân ấy có thể đóng góp đáng kể vào sự phát triển của Việt Nam - giống như cách tôi đang làm với quê hương thứ hai của mình!

Xin cảm ơn ông!

Mời độc giả đọc kỳ I tại đây.

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kinh-te-viet-nam-trong-ky-nguyen-vuon-minh-ky-ii-gom-gop-du-tai-san-lon-tu-tin-vuon-minh-301633.html