Làn gió mới miền sơn cước
Trải qua bao khó khăn, từ nơi chỉ dựa vào nông nghiệp lạc hậu, cuộc sống thiếu ăn, thiếu mặc thì nay xã Nậm Cuổi (huyện Sìn Hồ) từng bước đi lên nhờ sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, mà nòng cốt là nhân dân đã biết thay đổi nhận thức vươn lên thoát nghèo.
Dừng chân trên con đường tỉnh lộ 133 thuộc địa phận xã Nậm Cuổi, chúng tôi nhìn xuống bản làng dân tộc Thái, Mông ở dưới chân núi đã không còn thấy dấu tích của đói nghèo năm xưa. Thời đó, chủ yếu nhà tạm, dột nát, nhiều bữa khoai, sắn thay cơm, quần áo thì hết vá chỗ này, chỗ kia. Thì nay, bản làng đổi khác, nhà sàn, nhà xây cao tầng với kiến trúc độc đáo đua nhau mọc lên. Đất sản xuất rộng mở, ruộng, nương thơm mùa lúa, ngô mới. Đặc biệt, con trẻ được học, vui chơi trong ngôi trường mới.
Để thay đổi, đó là công việc mang tính lâu dài, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền xã có biện pháp đúng đắn, phù hợp với thực tiễn. Bên cạnh những cuộc họp, bàn bạc, triển khai các giải pháp, xã tăng cường cán bộ xuống cơ sở, tìm hiểu nguyên nhân đói nghèo, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con để có hướng khắc phục. Từ họp dân, họp bản, gặp gỡ tại nơi sản xuất, nêu gương điển hình đến tuyên truyền qua loa phát thanh, khẩu hiệu hoặc thông qua đội ngũ đảng viên, lãnh đạo bản, người uy tín để tuyên truyền giúp người dân có thêm động lực. Trong quá trình sản xuất, xã không chỉ vận động dân mở rộng diện tích mà còn tìm hiểu, đưa các giống ngô, lúa chất lượng cao vào sản xuất, cùng các loại phân bón, máy móc sản xuất để tăng năng suất, giảm sức lao động. Phối hợp mở các lớp dạy nghề, nâng cao chất lượng lao động, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế để dân học hỏi. Nhất là tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản. Đối với các hủ tục lạc hậu, xã tuyên truyền người dân chấp hành, kiên quyết loại bỏ, đồng thời, khôi phục bản sắc truyền thống, xây dựng xã hội văn minh, hiện đại.
Theo thời gian, nhận thức người dân ở 9/9 bản của xã thay đổi, không còn ỷ lại, trông chờ vào các nguồn hỗ trợ. Điều đó chứng minh bằng việc, đất sản xuất tăng lên, 1 vụ ngô, lúa lên thành 2 vụ, các mô hình kinh tế như: nuôi đại gia súc, gia cầm, trồng cây ăn quả, kinh doanh hoặc là các mô hình gia trại được hình thành. Nhất là người dân không còn làm thủ công mà biết tìm hiểu, áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa máy móc thay thế sức người. Nhờ đó, với diện tích gieo trồng đạt 465ha, sản lượng lương thực có hạt đạt 2.609 tấn. Trong chăn nuôi xuất hiện các mô hình mà người dân liên kết với nhau như nuôi trâu, bò vỗ béo, lợn, dê sinh sản, việc nhân giống, chăm sóc, phòng bệnh khoa học hơn trước. Vậy nên, số lượng đàn vật nuôi tăng lên 6.725 con gia súc, gần 18.000 con gia cầm. Đặc biệt, tận dụng nguồn nước từ các con sông, dòng suối, bà con mở rộng diện tích ao cá lên 44ha, mỗi năm sản lượng nuôi và đánh bắt đạt 72 tấn. Ngoài ra, mô hình kinh doanh thương mại, dịch vụ cũng được nhân rộng, không chỉ là các mặt hàng thiết yếu bày bán mà đó còn là nơi tiêu thụ nông sản của người dân. Hiện, toàn xã có 18 cửa hàng, 1 điểm chợ.
Anh Lù Văn Binh (bản Tân Lập) nói: Nhờ cán bộ xã chỉ cách phát triển theo hướng khoa học, tôi mở rộng sản xuất, đầu tư giống, máy móc, tham gia các lớp dạy nghề, học hỏi các mô hình hay, trao đổi thêm kinh nghiệm với bà con, nên sản xuất không gặp khó khăn mà đạt nhiều kết quả. Hiện, tôi có hơn 100 bao thóc, ngô, 10 con trâu, bò, 20 con lợn, gấp 3 so với 4 năm trước đây.
Không chỉ cải thiện cuộc sống vật chất mà xã còn nâng cao đời sống tinh thần người dân với việc xây dựng, nâng cấp nhà văn hóa, điểm vui chơi, đồng thời, tổ chức các chương trình, hoạt động văn hóa, thể thao giữa các bản. Ngoài ra, kết cấu hạ tầng được đầu tư, giúp 100% người dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, điện lưới quốc gia, khám, chữa bệnh, trẻ em trong độ tuổi được đến trường. Toàn xã có 8/9 bản, 805/895 hộ đạt danh hiệu văn hóa.
Anh Lù Văn Tuyên – Chủ tịch UBND xã cho biết: Hiện, tỉ lệ hộ nghèo của xã còn 46,36%, giảm 7,7% so với năm 2023, thu nhập bình quân đầu người đạt 23 triệu đồng. Để nâng cao mức sống cho người dân, xã sẽ triển khai thêm biện pháp đẩy mạnh giảm nghèo, nhân rộng các mô hình, tuyên dương hộ sản xuất, kinh doanh giỏi trong xã góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, đời sống bà con ngày càng ấm no.