Kinh tế Vĩnh Phúc tăng trưởng tích cực dù đối mặt khó khăn chưa có tiền lệ

Dù có những khó khăn được đánh giá chưa có tiền lệ nhưng tình hình kinh tế - xã hội năm 2024 của Vĩnh Phúc đến nay có chuyển biến tích cực và phục hồi so với 2023.

Ngày 8/8, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông chủ trì hội nghị nghe Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo một số nội dung quan trọng.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Xuân Quang cho biết, sau hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII trong bối cảnh tình hình thế giới, trong nước và trong tỉnh có nhiều khó khăn, thách thức, song tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực.

Quy mô nền kinh tế và giá trị GRDP bình quân/người tiếp tục tăng và nằm trong nhóm 15 tỉnh, thành phố cao nhất cả nước; thu hút đầu tư đạt khá trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức; diện mạo đô thị, nông thôn từng bước được hoàn thiện; chất lượng các dịch vụ y tế, giáo dục ngày càng nâng cao; an sinh xã hội được bảo đảm với nhiều chính sách hỗ trợ cao hơn mức chung của cả nước; đời sống Nhân dân từng bước được nâng lên.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Xuân Quang báo cáo một số nội dung quan trọng.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Xuân Quang báo cáo một số nội dung quan trọng.

Đến hết năm 2023, có 14/36 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra, 8/36 chỉ tiêu xấp xỉ đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra và 14 chỉ tiêu chưa đạt mục tiêu đề ra. Dự kiến đến hết năm 2025, sẽ có 31/36 chỉ tiêu có khả năng đạt và vượt mục tiêu đã đề ra; 5/36 dự kiến không đạt mục tiêu.

Trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó có những khó khăn được đánh giá là chưa có tiền lệ, tuy nhiên, nhìn chung tình hình kinh tế - xã hội năm 2024 của tỉnh đến nay có những chuyển biến tích cực và có sự phục hồi so với năm 2023.

Dự kiến, 14/15 chỉ tiêu đạt hoặc vượt mục tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh giao, riêng chỉ tiêu thu ngân sách dự kiến không đạt mục tiêu. Đối với tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công, HĐND tỉnh quyết nghị thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của Vĩnh Phúc với tổng nguồn vốn trên 57.000 tỷ đồng. Trong đó, tổng vốn ngân sách Nhà nước đã bố trí hằng năm từ năm 2021 đến tháng 7/2024 trên 34.907 tỷ đồng, đạt 61,2% so với kế hoạch vốn trung hạn đã giao.

Tổng số vốn kế hoạch năm 2024 đã phân bổ đến hết tháng 7/2024 là 7.895,439/9.036,452 tỷ đồng. 7 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh giải ngân được trên 3.325 tỷ đồng, bằng 42,8% so với kế hoạch vốn Trung ương giao và bằng 42,1% so với kế hoạch vốn địa phương đã giao.

Từ năm 2021 đến tháng 7/2024, toàn tỉnh thu hút được 2,4 tỷ USD vốn FDI và 59.440 tỷ đồng vốn DDI, đạt và vượt các mục tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII. Lũy kế đến hết 31/7/2024, trên địa bàn tỉnh có 16.760 doanh nghiệp đăng ký thành lập với tổng số vốn đăng ký đạt trên 292.395 tỷ đồng. Trong đó, số doanh nghiệp đăng ký đang hoạt động chiếm khoảng trên 75% tổng số doanh nghiệp.

Hiện, Vĩnh Phúc đã hoàn thành việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước; chỉ còn 10 doanh nghiệp Nhà nước thuộc Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn Nhà nước giai đoạn 2022 - 2025.

Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông nhấn mạnh, những khó khăn, thách thức trong thời gian qua và khẳng định vị trí, vai trò của Sở Kế hoạch và Đầu tư trong công tác tham mưu, đề xuất UBND tỉnh các giải pháp trọng tâm để hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Duy Đông phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Ông Trần Duy Đông đề nghị Sở tiếp tục cập nhật các dự báo tình hình kinh tế - xã hội, xây dựng báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hằng tháng, hằng quý; nỗ lực hơn nữa trong công tác tham mưu, điều hành kinh tế vĩ mô, dự báo sát hơn để có giải pháp đồng bộ, quyết liệt hơn.

Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ động điều hành, triển khai Đề án cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021 - 2030 gắn với thu hút đầu tư, áp dụng mô hình kinh tế mới, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số; tiếp tục tham mưu, phối hợp với các sở, ngành đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh đẩy mạnh phân cấp phân quyền; quan tâm huy động nguồn lực, có cơ chế thu hút thêm các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư; hạn chế tối đa các dự án kém hiệu quả, dàn trải.

Liên quan đến việc thành lập Ban Quản lý Khu du lịch Tam Đảo, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các sở, ngành khẩn trương thực hiện theo lộ trình. Cùng với đó, người đứng đầu tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh về việc thành lập Trung tâm Phát triển quỹ đất cấp tỉnh; hướng dẫn các huyện, thành phố kiện toàn Trung tâm Phát triển quỹ đất cấp huyện.

Minh Tuệ

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/kinh-te-vinh-phuc-tang-truong-tich-cuc-du-doi-mat-kho-khan-chua-co-tien-le-ar888229.html