Kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm: Nỗ lực vượt khó, tạo đà tăng trưởng (Bài 3): Nông nghiệp - vị thế một trụ cột tăng trưởng
Phần lớn dân số tỉnh Thanh Hóa vẫn sinh sống ở các vùng nông thôn, gắn với sản xuất nông nghiệp. Sự phát triển của ngành nông nghiệp là yếu tố quan trọng để ổn định phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh. Cùng với công nghiệp, thương mại và dịch vụ, thì nông nghiệp đã tạo thế 'chân kiềng' vững chãi cho tăng trưởng kinh tế của Thanh Hóa.
Mô hình liên kết sản xuất lúa giữa nông dân, HTX và doanh nghiệp hiệu quả tại xã Xuân Minh (Thọ Xuân) trong vụ đông xuân 2023 vừa qua. Ảnh: Lê Đồng
Những tháng đầu năm 2023, ngành nông nghiệp Thanh Hóa liên tục đón nhận những tin vui khi có các lô hàng nông sản xuất khẩu đi nhiều thị trường khó tính bậc nhất thế giới. Cuối tháng 6 vừa qua, lô hàng nước mắm và mắm tôm nhãn hiệu Lê Gia của xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa) đã được thông quan qua Cảng Hải Phòng để đưa sang thị trường Nhật Bản. Đây cũng là lô hàng mắm thứ 2 của Thanh Hóa được xuất khẩu chính ngạch sang “Đất nước mặt trời mọc” trong 6 tháng đầu năm. Trước đó nửa tháng, lô nước mắm và mắm tôm của xã Hoằng Phụ này cũng lần đầu xuất khẩu thành công qua thị trường Hoa Kỳ.
Ông Lê Ngọc Anh, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm và Thương mại dịch vụ Lê Gia - chủ thể sản xuất của các lô mắm xuất khẩu nói trên, cho biết: “Bên cạnh các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Panama, Nam Phi, Đài Loan, sự kiện xuất khẩu thành công container nước mắm và các sản phẩm mắm đầu tiên sang thị trường Hoa Kỳ là tín hiệu vui cho việc tiếp cận thị trường đầy tiềm năng. Để nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, công ty phải đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn FDA. Đó là những quy định khắt khe của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đưa ra để giám sát độ an toàn những sản phẩm thuộc danh mục quản lý của mình lưu hành trên thị trường Hoa Kỳ".
Cũng vào thời điểm giữa tháng 6, một niềm vui khác đến với nền nông nghiệp Thanh Hóa là sự kiện Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm - Sông Âm ở huyện Ngọc Lặc cũng xuất khẩu được 2 lô vải không hạt sang thị trường Vương quốc Anh và Nhật Bản bằng đường hàng không. Ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chia sẻ với phóng viên: “Sự kiện các lô vải không hạt của huyện Ngọc Lặc lần đầu tiên xuất khẩu thành công sang Vương quốc Anh và Nhật Bản là dấu mốc quan trọng của nền nông nghiệp Thanh Hóa. Bởi thực tế cả nước, chưa có nhiều sản phẩm xuất khẩu trực tiếp sang các thị trường khó tính bậc nhất thế giới này. Tuy sản lượng chưa lớn nhưng đó là tiền đề, đồng thời xác lập được uy tín quốc tế, như một sự khẳng định chất lượng của nông sản Thanh Hóa hoàn toàn có thể đạt tiêu chuẩn xuất đi nhiều nơi trên thế giới”.
Những minh chứng về sản xuất nông sản với quy trình hiện đại, hướng đến giá trị cao ngày càng nhiều ở Thanh Hóa. Hàng trăm mặt hàng từ thủy sản, lâm sản, sản phẩm trồng trọt và chăn nuôi của tỉnh đã có mặt ở nhiều tỉnh thành khác theo các chuỗi cung ứng hàng hóa, rồi xuất khẩu thành công qua các kênh chính ngạch và tiểu ngạch.
Trên thực tế, thời điểm nửa đầu năm nay, ngành nông nghiệp Thanh Hóa triển khai sản xuất trong điều kiện khá thuận lợi như giá vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống cơ bản ổn định, dịch bệnh COVID-19 tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ, không để xảy ra dịch bệnh đáng kể trên cây trồng, vật nuôi. Trong trồng trọt, tổng diện tích gieo trồng vụ đông xuân đạt 238.079 ha, đạt 100,03% kế hoạch cả năm. Với năng suất lúa vụ đông xuân đạt cao nhất từ trước đến nay (trung bình 67 tạ/ha), đã đưa tổng sản lượng lương thực toàn tỉnh đạt gần 890.000 tấn. Theo số liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị sản xuất ngành trồng trọt 6 tháng đầu năm đạt khoảng 9.010 tỷ đồng, đạt 52,6% kế hoạch cả năm, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng nói, quá trình sản xuất ở khắp nơi trong tỉnh được gắn với các hình thức liên kết sản xuất và thu mua, chế biến nông sản. Hiện toàn tỉnh vẫn duy trì 7 doanh nghiệp lớn thu mua, chế biến lúa gạo với tổng công suất 180.000 tấn và khoảng 25 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm trên 50.000 ha cây trồng. Nhiều mô hình liên kết sản xuất gắn với bao tiêu sản phẩm có quy mô lớn và giá trị kinh tế cao tiếp tục được nhân rộng như sản xuất lúa giống F1 tại các huyện Yên Định, Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Hoằng Hóa... Nhiều mô hình liên kết sản xuất lúa thương phẩm tại các huyện Quảng Xương, Yên Định, Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Hoằng Hóa, Nông Cống, Triệu Sơn, Đông Sơn, Vĩnh Lộc, Hà Trung... cho hiệu quả. Nhiều cây trồng hàng hóa ngắn ngày như khoai tây, sản phẩm rau, ngô ngọt, đậu tương rau, ớt... tại các huyện Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Yên Định, Đông Sơn, Thọ Xuân, Nga Sơn, Quảng Xương, Vĩnh Lộc, Yên Định... cũng đã được sản xuất theo chuỗi.
Trong phát triển kinh tế lâm nghiệp, 1.206 tỷ đồng là con số về giá trị sản xuất mà ngành nông nghiệp vừa tổng hợp trong 6 tháng đầu năm. Ngoài các hoạt động chăm sóc và trồng mới, sản lượng các loại gỗ và tre luồng khai thác đạt 530.000m3. Đáng nói, với việc phát triển nhiều nhà máy chế biến lâm sản, nhất là tre luồng tại huyện Lang Chánh và nhiều nơi trên địa bàn tỉnh đã tránh được tình trạng xuất bán sản phẩm thô, đưa giá trị lâm sản của tỉnh cao gấp nhiều lần. Hiện nay, cả tỉnh đang có 7 chuỗi liên kết giữa chủ rừng (hộ gia đình, nhóm hộ) với các nhà máy chế biến; diện tích rừng được cấp chứng chỉ đạt gần 28.500 ha.
Lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản của tỉnh trong 6 tháng qua đều có sự tăng trưởng từ 5% trở lên với giá trị sản xuất lần lượt 5.364 tỷ đồng và 3.253 tỷ đồng. Nửa năm qua, nhiều dự án chăn nuôi quy mô lớn đã đi vào hoạt động, như: Khu trang trại sản xuất, kinh doanh giống lợn và gia công chăn nuôi lợn thương phẩm chất lượng cao, an toàn khu vực phía Bắc Việt Nam tại xã Thạch Tượng, huyện Thạch Thành; Dự án khu chăn nuôi lợn giống và thương phẩm ứng dụng công nghệ cao DABACO tại xã Thạch Tượng và Thạch Lâm, huyện Thạch Thành; Dự án khu liên hợp sản xuất, chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện tại huyện Ngọc Lặc; Dự án chăn nuôi bò sữa quy mô công nghiệp tỉnh Thanh Hóa tại huyện Nông Cống...
Trên tất cả các lĩnh vực thuộc ngành nông nghiệp, các hình thức tổ chức sản xuất tiếp tục được phát triển. Đến nay, toàn tỉnh có 1.237 doanh nghiệp, 802 HTX và 2 liên hiệp HTX, 891 trang trại, 1.162 tổ hợp tác trong nông nghiệp đang cùng đồng hành với ngành nông nghiệp và nông dân.
Báo cáo từ Văn phòng UBND tỉnh cho thấy, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm 2023 đạt 7%, đứng thứ 18 cả nước. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đạt khoảng 20.577 tỷ đồng, bằng 58% dự toán. Kết quả tăng trưởng chung ấy có đóng góp quan trọng của ngành nông nghiệp với sự duy trì phát triển ổn định, tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2023 đạt 3,87%, cao hơn gấp 2 lần so với cùng kỳ (1,93%). Với giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp đạt hơn 18.830 tỷ đồng, đã giúp nông dân ổn định thu nhập, các doanh nghiệp, HTX nông nghiệp có mức tăng trưởng cao. Với đa phần các địa phương trên địa bàn tỉnh, phát triển nông nghiệp vẫn là trụ cột trong phát triển kinh tế, là nền tảng duy trì sự ổn định để tạo tiền đề phát triển những ngành kinh tế khác.
Lê Đồng
Bài 4: Sức vươn ngành dịch vụ.