Kinh tế Xây dựng - Giao thông Gỡ khó cho từng dự án
TTH - Việc thu hút được nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư triển khai dự án (DA) sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, giảm áp lực cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên để các DA này thật sự là động lực trong phát triển, hạn chế tình trạng dự án treo, tỉnh đã tăng cường công tác quản lý đối với các DA sử dụng vốn ngoài ngân sách, cũng như tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giúp các DA thực hiện hiệu quả.
Sức sống từ hoạt động đầu tư
Số liệu từ Cục Thống kê cho thấy, trong 2 tháng đầu năm 2023, nguồn vốn doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn tăng 0,8% so với cùng kỳ. Nguồn vốn này tập trung chủ yếu vào các dự án chuyển tiếp để đi vào sử dụng như: dự án Movenpic Resort Lăng Cô; nâng cấp sân bay Phú Bài; xây dựng hạ tầng khu công nghiệp và khu phi thuế quan Sài Gòn - Chân Mây; các dự án nhà ở tại khu đô thị mới An Vân Dương…
Nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài cũng xấp xỉ so với cùng kỳ năm ngoái và tập trung thực hiện các dự án chuyển tiếp như: Nhà máy Kanglongda Huế, nhà máy xử lý rác Phú Sơn, Khách sạn Huế Square.
Một trong những dấu ấn nổi bật tạo nên “sức sống” cho hoạt động đầu tư khu vực ngoài ngân sách trong những ngày đầu năm này chính là sự kiện khởi công dự án Trung tâm thương mại AEON MALL. Đây là trung tâm thương mại dịch vụ tổng hợp có quy mô lớn nhất miền Trung giai đoạn hiện nay. Khi đi vào hoạt động, dự án sẽ góp phần bổ sung các thiết chế dịch vụ thương mại, hạ tầng xã hội. Ngoài ra, Aeon Mall Huế còn được kỳ vọng tạo ra các cơ hội việc làm cho người dân địa phương và trở thành một điểm nhấn kiến trúc, góp thêm vào vẻ đẹp vốn có của thành phố di sản.
Công tác thu hút đầu tư cũng bắt đầu có “sức sống” mới khi tính từ đầu năm đến nay, Khu Kinh tế - Công nghiệp đã cấp mới 2 dự án FDI với tổng vốn đầu tư cấp mới 3,5 triệu USD, tương ứng với 174,64 tỷ đồng.
Đồng hành
Cùng với nỗ lực của doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, các hoạt động đồng hành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong thực hiện đầu tư dự án đã tạo được dấu ấn không nhỏ. Trong năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, các Tổ công tác do tỉnh thành lập đã tập trung xử lý vướng mắc các dự án trong và ngoài ngân sách đang gặp khó khăn để đẩy nhanh tiến độ, đưa các dự án đi vào hoạt động. Riêng với các dự án ngoài ngân sách, UBND tỉnh thúc đẩy mạnh công tác hỗ trợ đầu tư đối với các dự án hiện hữu (bao gồm hai nhóm chính là nhóm dự án đã hoàn thành cấp phép đầu tư và nhóm dự án đang triển khai thủ tục kêu gọi đầu tư) để đẩy nhanh thủ tục, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh và phát huy các dự án đã cấp phép sớm đi vào hoạt động.
Đồng thời, tỉnh cũng tăng cường công tác sẵn sàng kêu gọi đầu tư như: tổ chức triển khai các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án đang kêu gọi đầu tư để tạo nguồn lực phát triển cho các năm tiếp theo.
Ông Phan Quốc Sơn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ, đối với các dự án ngoài ngân sách, tỉnh thực hiện hỗ trợ theo nguyên tắc kêu gọi, thu hút, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư nhưng phải tuân thủ quy định của pháp luật có liên quan. UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định trình tự thủ tục thực hiện giám sát, quản lý dự án đầu tư xây dựng không sử dụng nguồn vốn Nhà nước trên địa bàn; ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế…
Tỉnh đã và đang chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục hỗ trợ kịp thời, có hiệu quả cho các nhà đầu tư đang triển khai dự án, các nhà đầu tư đang sản xuất, kinh doanh, đặc biệt các dự án trọng điểm trên địa bàn nhằm tăng nguồn thu cho ngân sách. Cụ thể trong năm 2023, tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ 34 dự án, trong đó có 3 dự án đã khởi công, tiếp tục hỗ trợ để triển khai đúng tiến độ; hỗ trợ 17 dự án đã chấp thuận chủ trương đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư sẽ tập trung hỗ trợ để khởi công trong năm 2023. Ngoài ra, tỉnh cũng xác định sẽ quan tâm hỗ trợ 14 dự án khác chưa chấp thuận chủ trương đầu tư, đang kêu gọi đầu tư để các dự án sớm hoàn thành thủ tục đầu tư.
Sở Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, để công tác hỗ trợ dự án đạt được hiệu quả nhất, sở tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, liên quan rà soát tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào địa phương. Trong đó, ưu tiên nguồn lực và đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình hạ tầng ngoài hàng rào tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư trong việc triển khai dự án. Kịp thời đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp về cơ chế chính sách, vốn, thị trường, thông tin...
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/go-kho-cho-tung-du-an-a124684.html