Kinh tế Xây dựng - Giao thông Nâng tầm xe buýt Huế - Bài 1: Niềm vui chưa trọn vẹn
TTH - Hơn một thập niên qua, vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt của Huế ra đời xem như dịch vụ văn minh đáp ứng cơ bản nhu cầu đi lại của người dân. Vậy nhưng, loại hình dịch vụ vận tải này chưa phát triển xứng tầm vùng đất văn hóa du lịch của Cố đô Huế.
Có cung ắt có cầu. Xe buýt Huế ra đời đã được người dân đón nhận với niềm vui vì nhanh, tiện, rẻ. Thực tế hiện nay, chất lượng phương tiện và cung cách phục vụ chưa tương xứng với dịch vụ vận tải được xem là văn minh này.
Có xe buýt dân mừng
Gần năm nay bà Nguyễn Thị The (xã Phong Chương, Phong Điền) hễ con cháu ở TP. Huế mời vào chơi bà đều chọn cách đi bộ ra Tỉnh lộ 6 (cạnh trụ sở ủy ban xã) đón xe buýt tuyến Phong Bình - Đông Ba. Thay vì cũng với quãng đường ấy, trước đây muốn lên thăm con cháu hay khám bệnh ở TP. Huế, bà thường nhờ người thân chở hoặc thuê xe trọn gói một lượt mất 400-500 nghìn đồng. "Hiện nay có xe buýt mỗi khi đi đây đó quá tiện, an toàn mà lại ít tốn kém" - Bà The nói.
Chị Phạm Thị Thúy (Thủy Xuân, TP. Huế) làm việc ở trung tâm huyện Phong Điền, mỗi sáng chiều trong tuần đều lên xe buýt tuyến Huế - Phong Điền. Thói quen này chị đã duy trì nhiều năm qua. "Thời gian đầu, mình đi làm bằng xe máy nhưng với quãng đường hơn 30 cây số, xe cộ đông đúc qua lại thấy mệt mỏi. Nhiều lần chứng kiến tai nạn giao thông, lại càng lo sợ. Khi có chuyến xe buýt Huế - Phong Điền, mình quyết định đi/về trong ngày bằng dịch vụ công cộng này" - chị Thúy chia sẻ.
Bạn Hồ Thị Tâm (thị trấn Khe Tre, Nam Đông), sinh viên năm 2, Trường cao đẳng Y tế Huế. Gia đình Tâm nghèo. Từ ngày trở thành sinh viên, Tâm đã chọn xe buýt Nam Đông - Huế để làm "bạn đường" vì giá vé bình dân. Tâm cho biết, trên những chuyến xe buýt bạn thường đi có công nhân, tiểu thương, cán bộ viên chức. Dù nhiều người trong số đó cũng có xe máy, song vì nỗi lo mất an toàn, ngại mưa nắng nên đã chọn xe buýt.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 74 phương tiện với hơn 20 tuyến xe buýt kết nối từ trung tâm TP. Huế đến các vùng sâu, vùng xa... Ngoài thương hiệu xe buýt Hoàng Đức, có nhiều đơn vị tham gia VTHKCC xe buýt là Công ty CP Xe khách Thừa Thiên Huế; HTX Vận tải Phú Lộc; Công ty CP Vận tải xe khách Phương Trang - Chi nhánh Huế...
Mờ dần "thương hiệu"
Phương tiện xe buýt Huế đã chiếm được cảm tình của hành khách suốt thời gian dài, nhưng hiện đang từng ngày bị mờ đi "hình ảnh" đẹp ấy. Không chỉ hành khách, lãnh đạo địa phương đều phàn nàn về chất lượng phương tiện và thái độ phục vụ so với yêu cầu của dịch vụ này.
Mới đây, chúng tôi đã có những chuyến được gọi là tour "trải nghiệm" xe buýt Huế. Đầu tiên chọn chuyến xe buýt Đông Ba - Nam Đông. Ngồi trên xe buýt theo lộ trình đường Trần Hưng Đạo - Lê Lợi - Nguyễn Huệ - QL 1A mà tôi không khỏi lo lắng: Xe chạy thì ì ạch, rung lắc, nhả khói đen xì, thi thoảng lại chầm chậm để vừa chờ "vớt khách", vừa "canh me" xe nội tuyến đang phía sau. Đến khu vực cửa ngõ bến xe phía nam TP. Huế xe lại chạy chậm hẳn, bóp còi inh ỏi và thấy khách đón ven đường thì lập tức thắng gấp tấp vào...
Không riêng tôi mà ông Lê Thanh Hồ, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông nhìn nhận và không mấy hài lòng vì xe buýt Huế gần đây có bến cuối ở địa phương chưa đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân. Ông Hồ nói, bà con đi lại trên tuyến xe buýt Nam Đông - Huế gần đây đều phản ánh khá mệt mỏi. Hầu hết xe buýt tuyến này đều xuống cấp, hư hỏng dọc đường nên hiện nay bà con không còn mặn mà như trước.
Vừa rồi, chúng tôi đi từ thị trấn Phú Lộc - Huế trên một chuyến xe được giới thiệu xe buýt tuyến Bình An - Đông Ba. Không nói quá, nhưng nhìn chiếc ghế xe nhếch nhác chẳng muốn ngồi, trong chở hàng nhiều hơn chở người, sàn trần thì bày những miếng vá bẩn mốc. Nhân viên không thấy đâu, khi đến khu vực Phú Bài, Hương Thủy, hành khách muốn xuống thì tài xế phải dừng lại mới thu tiền, nhưng không xuất vé.
Anh Lê Văn Ty, thị trấn Lăng Cô (Phú Lộc) thực lòng: "Mới đây có việc ở TP. Huế, tôi lên đi tuyến xe buýt xuất phát từ Lăng Cô. Đi rồi mới biết, chưa thấy nơi nào hình ảnh xe buýt cám cảnh như quê mình". Với hiểu biết của anh, phần lớn các phương tiện ở tuyến xe buýt Lăng Cô - Huế đã quá hạn vì nhìn dáng xe là anh đoán đúng tuổi đời của nó. Theo anh Ty, chưa nói đến chất lượng phương tiện, nhưng thái độ phục vụ trên những chuyến xe buýt Lăng Cô - Huế khiến người dân mất thiện cảm.
Một cán bộ lãnh đạo thị trấn Lăng Cô (Phú Lộc) kể rằng, anh từng nhiều lần nghe người dân phản ứng nhân viên phục vụ xe buýt Lăng Cô - Huế nói năng cộc lốc, la mắng hành khách khi lên xe vì lỡ lời, hay làm trái ý gì đó. Cán bộ này giãi bày, với thái độ ứng xử như vậy chẳng hành khách nào hài lòng, làm sao gọi là văn hóa, văn minh công cộng.
Ngoài các tuyến buýt nội tỉnh, đầu năm 2020 ở Thừa Thiên Huế hình thành tuyến xe buýt Huế - Đà Nẵng và ngược lại, gồm 29 phương tiện xuất phát/ngày. Đầu tháng 9/2022, Công ty CP Vận tải Quốc tế Hải Vân - Chi nhánh Huế đưa vào vận hành thí điểm tuyến xe buýt, gồm 25 phương tiện, loại Ford 15 ghế đón trả khách từ Cảng HKQT Phú Bài đến trung tâm TP. Huế.
Bài, ảnh: Minh Văn
(Còn nữa)
Bài II: Chuyên nghiệp mới tồn tại