Kinh Thủ Lăng Nghiêm - Tâm tính xa rời giả dối đối đãi (P.5)

Pháp giới tính tuyệt đối chính là sự trực nhận, phải tự mỗi cá nhân 'thấy', 'chứng ngộ' được, chứ không phải do danh từ, kinh điển nói mà biết, sự giảng nghĩa kinh điển dù có rành mạch tới đâu thì cũng chỉ là nói chuyện đời thường mà thôi.

Cư sĩ Phúc Quang lược giải

Kinh Thủ Lăng Nghiêm chỉ lối cho chúng sinh cách để trực nhận tâm tính tuyệt đối, đã là tâm tính tuyệt đối thì chẳng thể nghĩ bàn, chỉ có cách tu hành, tu tập chứng ngộ, không thể nhờ dù bất kì ai, hay kinh sách miêu tả cho mình giác ngộ được cả.

Chúng ta chỉ có thể nương nhờ để trực nhận, như nương theo ngón tay chỉ mặt trăng mà biết tới mặt trăng. Nếu với tâm tính tuyệt đối (chân như), mà chúng ta đem cái ý thức phân biệt ra để đối đãi, để nhận biết và đem nó đi để chỉ cho người khác, thì cũng giống như người mù, dùng gậy để làm bạn chỉ đường vậy. Nếu với tâm tính tuyệt đối, mà chúng ta đem ý thức duyên cảnh vật ra để tưởng tượng, thì cũng giống như lấy cát mà muốn nấu thành cơm, dù nấu cả đời, quyết vẫn không thể thành cơm.

Ảnh: St

Ảnh: St

Phần I. Đặt vấn đề và kinh Thủ Lăng Nghiêm giải đáp vấn đề (Quyển 4)

1. Hai vấn đề

Tôn giả Phú – lâu – na nêu ra 2 vấn đề cầu mong Phật khai thị:

(1) Nếu 5 ấm, 6 nhập, 12 xứ, 18 giới, 7 đại ấy đều là tính thanh tịnh, bản nhiên là Như Lai tạng, thì các pháp hữu vi như thế giới, chúng sinh, nghiệp quả đều không có nguyên nhân, chẳng lẽ tất cả lại đều do tính thanh tịnh lại sinh ra các pháp hữu vi sinh diệt tiếp nối?

(2) Nếu bản tính các đại là cùng khắp, có bản tính không thay đổi, thì khi địa đại cùng khắp, sao lại còn có thủy đại được, khi thủy đại cùng khắp thì làm sao hỏa đại sinh ra được, lại như không đại thì rỗng không, địa đại đã cùng khắp thì còn chỗ nào mà cho không đại, trái ngược nhau như thế thì sao gọi là cùng khắp pháp giới?

Hai điều nghi này còn tồn tại là do pháp chấp vẫn còn, không nhận được tất cả tướng vật đều biến hiện theo duyên như bọt nước, không có thực thể; thực chất của sự sự vật vật đều vốn là tính Chân như nhiệm màu của Như lai tạng. Trong kinh Thủ Lăng Nghiêm phân ra 4 loại giáo lý thắng nghĩa, thắng nghĩa là ý nghĩa rõ ràng, minh bạch, và được kinh phân chia thành 4 loại theo thứ bậc:

(1) Thắng nghĩa thế gian: Là sự giải nghĩa về ngũ ấm, lục nhập, 12 xứ, 18 giới,…

(2) Thắng nghĩa đạo lý: Là đạo lý thế gian: Tứ diệu đế, Bát chánh đạo.

(3) Thắng nghĩa thực chứng: Dạy về phá chấp để chứng Chân như.

(4) Thắng nghĩa thắng nghĩa: Là dạy về đệ nhất nghĩa, là Pháp giới tính là nội dung mà kinh Thủ Lăng Nghiêm đang chỉ bày.

2. Giải đáp vấn đề

(1) Giải đáp câu hỏi thứ nhất

Kinh Thủ Lăng Nghiêm dạy tự tính là diệu minh, bản giác là minh diệu. Tự tính của chúng sinh là tính giác, tính giác ấy là diệu (diệu là diệu kì, nhiệm màu duyên khởi ra sự vật). Và minh là sáng, tạm dịch là sự nhận biết các sự vật. Bản giác là đối lại với thủy giác. Thủy giác là sự trải qua tu tập, lần lượt phá trừ phiền não, nhờ học tập mà dần dần được hiểu biết, hay còn gọi là sự trở về với nguồn cội. Còn bản tính tuyệt đối xưa này luôn là tính giác, bản nhiên thanh tịnh nên được gọi là bản giác.

Chúng sinh mê lầm, ở nơi tính giác, đi theo cái nhận biết sự vật làm mình, không biết tới cái diệu duyên khởi ra vạn pháp, chấp cái nhận biết sự vật là mình, là tự tính, nên cái diệu lại trở thành đối tượng bị chấp của cái minh. Sự giả tạm đã có, năng, sở (bên chủ thể và đối tượng của chủ thể) đã thành lập nên vọng chấp ngày càng nhiều, mê lầm đi theo phân biệt và bám víu vào trần cảnh, tạo nghiệp, nên tự trói mình trong phiền não dục tham, luân hồi mãi không thôi.

Đối với câu hỏi (1), trong Duy Thức học, tôi đã chia sẻ giáo lý Duy Thức khi nói về vấn đề này, tính giác tuyệt đối có 1 phần bản thể kêu là chân như, là cảnh mà không có bản chất, tức là yên lặng từ bao giờ, từ vô thủy, và 1 phần là vọng động. Chân như không có hình tướng gì hết, vọng động thì có hình tướng, nhưng hai thứ này lại chẳng dời nhau.

Ví dụ như biển, chân như được ví như nước biển, còn vọng động được ví như là sóng. Sóng với nước trong biển đều chung 1 bản thể, nước biển là cái diệu, duyên khởi ra sóng, ra bọt nước, ra kích cỡ lớn nhỏ của con sóng. Gọi nước, và sóng là 1 thì sai, nhưng nói là 2 thì cũng lại không chính xác, vì sóng và nước vốn chung 1 bản thể. Khi phân biệt ra nước và sóng rồi thì ta nhận thấy nước thì vẫn là nước, còn đã là sóng thì sinh diệt từng sát na, từng chu kỳ, sóng này diệt thì sóng khác sinh, chẳng thể tìm thấy cơn sóng đầu tiên là cơn sóng nào và có từ bao giờ. Nước là cái thể của sóng, còn sóng là cái tướng của nước.

Sự cuốn theo vọng động tạo ra đới chất cảnh, tức là những cảnh có sự liên đới tới bản chất. Thực chất ý nói tới cảnh ý thức làm chủ thể duyên với cảnh bị duyên. Cảnh bị duyên gá nương nơi bản chất vốn chung là thể Chân như, nhưng ý thức theo loài thì chỉ nhận tướng phần để bám chấp.

Câu hỏi (1) của ông Phú – lâu – na cũng tương tự như câu hỏi này của Duy Thức học: Chân như có trước, vô minh có sau (Chân như do không bảo hộ được nên sinh tà niệm, tạo ra vô minh)

- Duy Thức học giải đáp: Nếu như vậy, các vị Phật đã chứng nhập Chân như, đều có thể thoạt sinh lại tà niệm và trở về chúng sinh, nếu thế thì chẳng phải là Phật, nên giả thuyết này không được công nhận.

Có người cho rằng: Vô minh có trước, chân như có sau (Vô minh nhờ có tu tập mà thành Chân như)

- Nói như vậy, tức đồng nghĩa bản thể thế gian, bản thế vạn vật vốn là uế nhiễm. Ví như nói cái bàn gỗ nhờ cưa, cắt mà thành cái cây vậy. Vì vậy giả thuyết này cũng không được công nhận.

Đối với nhà Duy Thức, chân như và vô mình đồng thời sẵn có những chủng tử từ vô thỉ. Nhờ nhân duyên hợp thời mà thành. Ví dụ như hơi nước có sẵn trong không khí. Nước và không khí đều có mặt sẵn những chủng tử, không thể nói từ không khí lại sinh ra mưa được, mà do khi các chủng tử duyên lại với nhau, hợp thời thì sinh ra mưa.

Giác tính vốn tự minh, tự diệu, không có gì đáng gọi là sở minh; chỉ vì nhân có minh, mà giả dối lập ra thành sở, nên mới giả dối sinh ra cái năng minh của chúng sinh. Trong cái tính giác, không có năng, không có sở, lại thành lập ra có năng, có sở, và trong tính giác không có đồng, không có khác, mà lại lập ra có đồng, có khác. Nhờ có cái đồng, cái khác, cái có, cái không, đối đãi với nhau, rối loạn sinh ra vọng tưởng, sinh ra trần cảnh, làm cho tính giác bị ô nhiễm. Khi đối đãi đã có, sự đối đãi nhiều vô kể thì thế giới hữu vi được thành lập, khi lặng yên không có hình tướng đối đãi thì gọi là hư không, có hình có sắc thì phân biệt, cái thức phân biệt đi theo trần cảnh, là mấu chốt tạo ra thế giới, chúng sinh, nghiệp quả.

(2) Giải đáp câu hỏi thứ 2

Thế giới sự vật không ngoài tứ đại: địa, thủy, hỏa, phong. Pháp giới tính duyên khởi ra vô lượng vô biên những hiện tượng, nhưng sự nhận biết các hiện tượng đó là do ý thức chúng sinh mà phân biệt.

Như phong (gió) đại, có tính lay động. Lay động là cái đối lại với sự đứng yên nên mới biết có cái lay động, nếu không so sánh với thứ đứng yên thì lấy gì làm đối, lấy gì mà biết về cái lay động. Tự cái gió, không thể biết mình lay động, chỉ có chúng sinh có tâm nhận biết, phân biệt nên mới gán giả danh lay động cho nó.

Địa đại, hỏa đại, thủy đại cũng vậy. Các món này cũng không ngoài sự đối đãi, do nhận biết phân biệt, do nghiệp, xác thân theo loài mà nhận thức, mà hiểu biết. Ở phần trước đã giải thích về điều này rồi.

Bốn món này đối đãi với nhau, tương hỗ với nhau mà hình thành ra hình tướng của thế giới, nói tứ đại cùng khắp, bao phủ thế gian là những nhân duyên, chủng tử của chúng luôn có sẵn ở mọi nơi, khi đủ nhân duyên của yếu tố nào, yếu tố đó sẽ được thành lập, được phát hiện theo nghiệp khác nhau, chứ không nói tới cái tướng nước ở khắp mọi nơi, hay nói cái tướng đất ở khắp mọi nơi. Ví như cả nước, cả lửa đều cần có yếu tố Oxi để góp phần cấu tạo nên, oxi thì cũng nằm trong không khí, không khí góp phần tạo nên phong đại,… Xét cơ bản vậy để biết các chủng tử của tứ đại đều có sẵn khắp thế gian, chỉ khi tạo ra cái tướng ví như cái tướng lửa, hay cái tướng nước, cái tướng đất mới không thể hòa hợp nhau, còn nhân duyên đối đãi cho các tướng hiện hữu thì cùng khắp mọi nơi.

3. Kinh Thủ Lăng Nghiêm chỉ các đại có tính viên dung nhau

Kinh Thủ Lăng Nghiêm lấy hư không làm ví dụ, chính ngay nơi hư không, khi sáng thì được soi sáng, khi tối thì bị phủ tối, khi mưa thì nước vẫn rơi qua, khi sương mù thì bị che khuất, đi trên đất thì thấy đất, nhưng đào đất tới đâu thì thấy hư không tới đó. Các tướng sai khác như thế, hiện ra trong hư không, nhưng hư không không có tự tính, không phải các tướng ấy.

Ví như lúc mặt trời soi, thì hư không sáng. Nếu cái sáng đó là sắc tướng của mặt trời, thì toàn thể hư không đã thành sắc tướng mặt trời, làm sao lại còn thấy được mặt trời tròn ở giữa hư không. Nhưng, nếu cái sáng ấy là sắc tướng của hư không, thì vì sao, khi không có mặt trời, hư không lại không sáng; xét như vậy thì biết, hư không theo duyên của mặt trời mà hóa thành có sáng và cái sáng như vậy, không phải mặt trời, không phải hư không, đồng thời cũng không ra ngoài hư không và mặt trời.

Như Lai tạng tính thì cũng như vậy. Như Lai tạng tính bản lai không tịch, không hề thay đổi, nhưng lại chí chân chí diệu, theo duyên mà hiện ra các sự vật như bọt nước. Tuy, Như Lai tạng tính theo duyên mà hiện ra các sự vật như bọt nước, nhưng vẫn không hề vì những tướng huyễn hóa kia, mà mất tính không tịch, không thay, không đổi.

Xét về các tướng, thì các tướng vốn là hư vọng như hoa đốm giữa hư không, theo duyên mà biến đổi như bọt nước, không thể chỉ đích là cái gì cả; như đồng một không khí, đồng một hồ nước, người xuống dưới nước thì chết đuối, cá lên trên bờ thì nghẹt thở, không thể chỉ đích nơi nào là nơi thở được, nơi nào là nơi không thở được. Về địa, thủy, hỏa, phong thì cũng như vậy. Con giun chui lên mặt đất, gặp ánh sáng mặt trời, thì không chịu nổi sức nóng ấy; ngược lại, con người thì vẫn phát triển bình thường. Bốn đại theo duyên mà biến hiện như bọt nước, nên không cần hỏi vì sao không diệt lẫn nhau.

Nhưng mặt khác, xét về tính, thì tứ đại cũng như tất cả sự vật, đều là pháp giới tính, đều là tính diệu Chân như Như Lai tạng theo duyên mà biến hiện; pháp giới tính đâu phải là nước hay là lửa, làm sao lại không dung được nhau. Pháp giới tính duyên khởi trùng trùng vô tận, tất cả duyên ra thành một, một duyên ra thành tất cả; vì thế, nên mỗi khi tâm niệm đổi thay, thì pháp giới tính cũng theo duyên của tâm niệm ấy mà thay đổi. Tâm duyên hiện ra hư không, thì có hư không hiện ra, duyên hiện ra địa, thủy, hỏa, phong, thì có địa, thủy, hỏa, phong hiện ra. Lại nếu nhiều tâm niệm cùng duyên hiện như nhau, thì sự vật cũng đều hiện ra như nhau.

Theo vọng tưởng phân biệt mỗi loài, mà có hiện trạng tứ đại của mỗi loài. Các đại giao xen hòa hợp, làm nhân, làm duyên cho nhau, tạo thành thế giới mỗi loài, khi thành, khi trụ, khi hoại, khi diệt, tiếp nối không dứt.

Còn tính giác của chúng sinh vốn không sinh diệt, do lầm lạc nhận cái minh làm giác, nên nơi cái tính duyên khởi sự nhận biết, lấy cái duyên khởi làm đối tượng bị nhận biết, còn cái nhận biết, thì biến thành chủ thể của mình, do nhân này, duyên này, khi có 6 trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp làm đối tượng, thì cái nhận biết cũng sinh ra 6 căn để đối đãi, và sự đối đãi được thành lập cũng không ra được phạm vi của nó ví như mắt thấy được cảnh chứ không nghe được âm thanh. Thế là chúng sinh nhận lấy cái xác thân, lấy cái căn thân nhận làm mình, đối đãi cảnh trần, cùng một xác thân thì đồng một nghiệp loài, khác xác thân thì thấy cảnh trần khác với loài khác. Vì thế trong Thập nhị nhân duyên (Hay còn gọi là Vòng 12 duyên khởi) chúng ta có như sau:

Vô minh duyên hành, (Do một niệm vô minh mà sinh vọng động)

Hành duyên thức, (Vọng động sinh ra ý thức đối đãi)

Thức duyên danh sắc, (Có bên chủ thể biết, bên đối tượng bị biết nên có danh có tướng)

Danh sắc duyên lục nhập, (Có danh tướng thì phải có căn thu nạp, như tai nghe âm thanh)

Lục nhập duyên xúc, (Có sự thu nạp thì phải có tiếp xúc)

Xúc nhập duyên thọ, (Tiếp xúc rồi thì có cảm nhận)

Thọ duyên ái, (Cảm nhận có rồi thì sinh ái luyến, yêu thích)

Ái duyên thủ, (Yêu thích rồi nên chấp thủ vào nó)

Thủ duyên hữu, (Do chấp thủ nên thành có)

Hữu duyên sinh, (Có rồi nên bắt đầu sinh)

Sinh duyên tử, (Đã có sinh, nên bắt đầu diệt)

(12 nhân duyên: Vô minh, hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái, thủ, hữu, sinh, tử)

Có cái sở kiến, thì tất phải có năng kiến, rồi do năng kiến duyên với sở kiến, mà có tưởng niệm nhận biết các tướng của sự vật, đối đãi với các căn khác thì cũng như vậy. Rồi tưởng niệm khác nhau, ý kiến trái nhau, thì thành ra yêu, ghét, khó chịu khác nhau, tưởng niệm, ý kiến đồng nhau, thì hợp tính nhau. Chúng sinh luân hồi theo ý thức, theo trần cảnh sinh diệt, theo nghiệp báo mà thọ nhận thân xác phù hợp.

4. Chỉ rõ “giác” không sinh ra “mê”

Ông Phú – lâu – na nghe Phật dạy thì nghi rằng chúng sinh sẵn có cái tính giác đó, không duyên cớ gì lấy minh làm giác, sinh ra tướng hữu vi, sinh ra mê lầm; nếu vậy Như Lai hiện đã thực chứng tính giác ấy, thì đến lúc nào, lại sinh ra bất giác và các tướng hữu vi?

Ông Phú – lâu – na hỏi như vậy, vì còn nhận cái mê là thật có, không biết nó chỉ là nhận thức sai lầm, không có thực thể, thực tính, chưa nhận biết được cái chứng ngộ tâm tính của Phật là toàn vọng, toàn chân, sinh tử và Niết bàn bình đẳng, không hai không khác, không phải 1 cũng chẳng phải 2.

Khi được giác ngộ được bản thể sinh tử, Niết bàn không hai không khác thì chẳng thể mê lầm được nữa. Ví như một người nhận nhầm phương Đông là phương Tây. Mặt trời lặn ở phía Tây nhưng nhầm đó là phương Đông. Dù thế, phương Đông không vì cái lầm đó mà thành phương Tây, mặt trời không vì thế mà thay phương mọc, đổi phương lặn. Đến khi người đó nhận được nhận thức sai lầm của mình rồi thì không lầm lạc được nữa, cứ hễ buổi sáng thấy mặt trời lên phương nào thì biết đó là phương Đông, buổi chiều thấy mặt trời lặn ở đâu thì biết đó là phương Tây. Mà khi người đó nhận được tính giác rồi, thì 2 cái phương đó cũng chẳng nhập lại thành 1, mà chỉ là ở người đó đã giác ngộ mà thôi. Khi người đó đã giác ngộ được phương hướng, biết phía Đông là mặt trời mọc, thì chẳng bao giờ nhầm lại được nữa.

Phần II. Chỉ tính diệu minh hợp về Như Lai tạng, rời xa hai nghĩa “là” và “không phải là”

1. Chỉ Như Lai tạng là xa rời mọi định nghĩa, mà cũng là tất cả

Như Lai tạng biến hiện theo duyên nghiệp, nhưng về bản tính thì không hề là ý thức, không phải lục căn, không phải tứ đại, không phải thân, không phải vật, không phải Tứ diệu đế, không phải Bát Chính đạo, không phải Thập nhị nhân duyên,…

Tuy nhiên, các pháp thế gian và xuất thế gian, đều từ Như Lai tạng mà duyên khởi biến hiện.

2. Chỉ Như Lai tạng tính ra ngoài các nghĩa nói đời thường, không phải “là” cái này, cũng không phải “không phải là” cái này

Xuyên suốt từ đầu kinh Thủ Lăng Nghiêm, từ chỗ vấn đáp của Tôn giả A – nan, cho tới đoạn nghi hoặc của Tôn giả Phú – lâu – na, kinh vẫn chỉ muốn chỉ bày rõ một vấn đề, đã là tâm tính tuyệt đối (Như Lai tạng) thì không thể đem ngôn từ ra để nói nó là cái này, càng không thể chỉ nó là cái này.

Ngôn từ, trần cảnh sinh diệt, nếu nói mà biết, chỉ mà thấy, thì không lẽ Như Lai tạng cũng sinh diệt hay sao. Thể tính tuyệt đối ấy, chúng ta sẵn có, và kinh Thủ Lăng Nghiêm chỉ bày cho chúng ta trực nhận, tỉnh thức về điều đó, chứ không dạy chúng ta rằng “tâm như thế này, có màu sắc, hình thù thế này,…”. Từ lời Phật chỉ bày, từ giới, từ luật, từ kinh, chúng ta nương nhờ nơi đó để trực nhận thấy chân tính tuyệt đối.

3. Chỉ mê vọng không có nhân

Tôn giả Phú – lâu – na vẫn còn chỗ nghi, nghĩ rằng nếu bản tính thật là giác, thì lẽ gì mà lại hóa ra mê lầm, còn nếu bản tính là mê, thì chẳng thể tu thành giác ngộ được.

Ví như một bạn trẻ đi trong đêm, vì đêm tối, vì tiếng động xung quanh, tiếng côn trùng, động vật hoạt động ban đêm gây tiếng động, nên sinh ra cái tưởng trong màn đêm có ma vì thế mà hoảng sợ la hét. Xét theo thế gian, bạn trẻ đó sẽ giải thích la hét vì đêm tối quá. Nhưng đó là ngôn từ của thế gian mà thôi, nguyên nhân hoảng sợ la hét sao lại đổ cho màn đêm được, nếu màn đêm mà sinh được cái la hét, thì chẳng cầi ai, cứ đêm xuống là chúng ta nghe được tiếng hét từ màn đêm đi ra.

Nguyên nhân của sự hoảng sợ la hét là chính do tưởng, do nhận thức sai lầm của người đó, chứ đâu phải do màn đêm. Nhưng nếu là người lớn, người không sợ, thì rõ ràng họ không la hét.

Vọng niệm cũng vậy, tâm tính của chúng sinh luôn như vậy, luôn luôn viên mãn sáng suốt, Chân như, và vọng động cũng luôn có sẵn từ vô thủy, nhưng do cái nhận thức đối đãi của chúng sinh bám chấp vào cái vọng động nên mới khởi mê lầm, rồi từ đó lại cứ đi theo cái mê lầm mà sinh tử, luân hồi vô lượng kiếp.

4. Tâm tính xa rời các nghĩa nhân duyên, tự nhiên

Tại đoạn này, Tôn giả A – nan bày tỏ nỗi nghi rằng hễ đã đoạn được mê lầm, hễ đoạn được tâm phan duyên với cảnh vật thì tự tính hiển hiện, rõ ràng là do nhân duyên, vậy cớ sao trước đó Phật lại bác bỏ ý tâm tính tuyệt đối không phải nhân duyên mà thành. Rõ ràng nghĩa lý nhân duyên chỉ là nghĩa lý dành cho pháp thế gian mà thôi. Như bạn trẻ sợ bóng tối kia, sau nhiều năm, lớn tuổi hơn, biết rõ trong màn đêm không có ma, không còn sợ màn đêm nữa thì khi đi trong đêm tối không còn sợ, không còn hoảng loạn, la hét. Như vậy, cái không còn hoảng sợ la hét đâu phải được sinh ra nhờ nhân duyên nào, nó chỉ là sự hiện hữu khi nhận thức sai lầm không còn nữa mà thôi. Vốn dĩ cái không la hét, và cái la hét không do nhân gì sinh ra, không do tự nhiên mà có, mà do nhận thức sai lầm hay đúng đắn mà thôi. Xét theo thế gian, thì cái la hét và không la hét nương nhờ nơi nhận thức đúng đắn, hoặc sai lầm để hiện hữu.

Ảnh: St

Ảnh: St

Các khái niệm nhân duyên, tự nhiên chỉ là ngôn từ của con người tạo ra, là sự đối đãi, dành cho đời thế tục, không có giá trị để miêu tả thật tính tuyệt đối. Tâm tính của chúng sinh thường trụ, không thay đổi, chỉ vì bệnh bất giác giả dối lầm nhận có sinh có diệt, nên mới nhận có nhân duyên hòa hợp mà sinh, nhân duyên tan rã là diệt.

Khi trực nhận được tâm tính rồi, thì tại nơi sinh thật đáng không có gì gọi là sinh, tại nơi diệt, thật đáng không có gì gọi là diệt, ra ngoài khỏi cảnh trần có thể chỉ, có thể nắm, có thể miêu tả, có thể tưởng nghĩ tới thì làm gì còn cái nghĩa nào để nói, ra ngoài hai nghĩa nhân duyên, tự nhiên. Ngược lại, đem cái nghĩa lý nhân duyên, tự nhiên vào để nói về tâm tính, cũng chẳng khác gì nói tâm tính cũng theo nhân duyên mà sinh, theo nhân duyên mà diệt, tự nhiên thế này, tự nhiên thế kia,… thì cũng chỉ là luẩn quẩn trong vòng vọng tưởng mà thôi.

Sinh và diệt đối đãi với nhau, không sinh tức là diệt, không diệt tức là sinh, chỉ khi nào ngộ tính tuyệt đối của Như Lai tạng, thì sinh và diệt cũng bình đẳng như nhau, chỉ như bọt nước. Chúng sinh quanh quẩn trong vòng đối đãi, không nhận có sinh thì nhận có diệt, không nhận nhân duyên, thì nhận tự nhiên, không nhận hòa hợp thì cho rằng trái nhau. Kinh Thủ Lăng Nghiêm dạy chúng sinh phải rời bỏ danh tướng, ngay cả cái rời bỏ cũng phải rời bỏ, vì nếu còn giữ lại nguyên khái niệm rời bỏ, tức vẫn có cái bám víu để đối lại, nếu không thì lấy cái gì làm đối mà để biết là đang “rời bỏ” ?

Tương tự với khái niệm “Không” của Phật giáo, ngay tại chỗ chứng được “Không” thì cái không cũng không, vì nếu chỉ giữ lại 1 niệm “không” thì tức vẫn chỉ là ngôn từ mà đối đãi với cái có, nếu không thì lấy gì mà làm đối với cái không, để biết là không ?

Pháp giới tính tuyệt đối chính là sự trực nhận, phải tự mỗi cá nhân “thấy”, “chứng ngộ” được, chứ không phải do danh từ, kinh điển nói mà biết, sự giảng nghĩa kinh điển dù có rành mạch tới đâu thì cũng chỉ là nói chuyện đời thường mà thôi. Đối với tâm tính, mà không thể trực nhận, không thể tu tập đi tới chỗ chứng ngộ, thì mọi lời nói chỉ là những lời hý luận (những lời nói trên mây, không có thực, không đem lại kết quả thực tế) mà thôi. Làm như thế, nghe nhiều nghĩa lý không giải quyết cốt lõi vấn đề, chẳng thà nghe một vài câu Phật pháp nhưng tu hành giữ giới thiết thực theo đúng những gì mình nghe còn tốt hơn !

Cư sĩ Phúc Quang lược giải

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ kinh Thủ Lăng Nghiêm, biên dịch: Cư sỹ Tâm Minh – Lê Đình Thám (1897 – 1969), NXB Tôn Giáo, 2021
2. Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng thuật, NXB Tôn Giáo, 2006

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/kinh-thu-lang-nghiem-tam-tinh-xa-roi-gia-doi-doi-dai-p-5.html