KỊP THỜI KHẮC PHỤC 'LỖ HỔNG' VỀ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH - TRÁNH THẤT THOÁT, LÃNG PHÍ

'Việc ban hành định mức, tiêu chuẩn, chế độ còn nhiều vướng mắc, tồn tại tạo 'kẽ hở' gây thất thoát, lãng phí,...' là một trong những nội dung trọng tâm được Đoàn Giám sát của Quốc hội về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 nhấn mạnh tại buổi làm việc với Kiểm toán Nhà nước.

Đoàn Giám sát của Quốc hội của làm việc với Kiểm toán Nhà nước

Đoàn Giám sát của Quốc hội của làm việc với Kiểm toán Nhà nước

Kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 872 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý

Mới đây (sáng 05/7), tại cuộc làm việc với Đoàn Giám sát của Quốc hội về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Kiểm toán Nhà nước cho biết, trong giai đoạn 2016-2021 đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo các hoạt động kiểm toán nhằm nâng cao chất lượng các phát hiện, kiến nghị kiểm toán đối với các nội dung về thực hành tiết kiệm chống lãng phí theo quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 872 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý sai quy định hoặc không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn, kịp thời khắc phục “lỗ hổng” về cơ chế, chính sách, tránh thất thoát, lãng phí, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, góp phần làm lành mạnh nền tài chính quốc gia. Đồng thời, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo, tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với nhiều tập thể, cá nhân có sai phạm theo quy định của pháp luật.

Theo đó, phần lớn các văn bản do Kiểm toán Nhà nước phát hiện, kiến nghị là các văn bản quy định tại cấp cơ sở, đơn vị dự toán ban hành quy định chưa phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa ban hành quy định để quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Vì vậy, qua kiểm toán đã góp phần giữ vững kỷ cương, kỷ luật ngân sách nhà nước, giúp cho việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công theo đúng các quy định pháp luật, ngăn ngừa có hiệu quả thất thoát, lãng phí.

Phó tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Tuấn Anh

Theo Kiểm toán Nhà nước, hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất còn chưa đồng bộ, chậm được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện; nhiều nội dung còn bất cặp chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễnđể và là kẽ hở để các tổ chức, cá nhân liên quan có thể trục lợi gây lãng phí, tham nhũng trong quản lý, sử dụng đất, nhất là đất khu đô thị.

Trong đó, các hạn chế, vướng mắc về quy định pháp luật trong xác định giá đất tiềm ẩn rủi ro cho công tác xác định giá đất từ việc xác định giá không phù hợp giá thị trường, gây thất thu ngân sách Nhà nước. Thực tế nhiều dự án được giao đất nhưng việc xác định giá đất bị kéo dài, chậm huy động nguồn thu ngân sách Nhà nước, làm chậm trễ việc triển khai thực hiện dự án, làm lãng phí nguồn lực đất đai, làm giảm hiệu quả đầu tư, hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Về cơ chế thực hiện dự án theo hình thức BT: Qua kiểm toán một số dự án BT cho thấy, các dự án BT thực chất là sử dụng nguồn lực ngân sách Nhà nước nhưng không quy định phải là dự án cần thiết, thực sự cấp bách là chưa phù hợp với các quy định hiện hành; hầu hết các dự án BT đều lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu làm giảm sự cạnh tranh và tiềm ẩn rủi ro chọn nhà đầu tư không đủ năng lực; thanh toán cho nhà đầu tư theo hình thức giao đất đã giải phóng mặt bằng có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê không thông qua hình thức đấu giá là chưa phù hợp quy định của Luật Đất đai năm 2013 và là kẽ hở dẫn đến thất thoát ngân sách;….

Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết, cơ chế quản lý tài chính, quy định một số khoản chi còn thiếu nhất quán hoặc chưa phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan nhưng chwua được phát hiện hoặc sửa đổi kịp thời. Trong đó, nhấn mạnh, kết quả kiểm toán giai đoạn 2016 -2021 cho thấy, nhiều Bộ, ngành, địa phương chậm ban hành cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn định mức để triển khai thực hiện.

Tiếp tục rà soát để báo cáo bổ sung thêm những sai phạm về ban hành văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý

Cho ý kiến tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn Giám sát cơ bản nhất trí với nhiều nội dung, nhận định tại Báo cáo kết quả kiểm toán liên quan đến việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc ban hành định mức, tiêu chuẩn, chế độ. Đồng thời, nhấn mạnh, việc ban hành các văn bản quản lý, chính sách, chế độ, định mức của một số lĩnh vực còn chậm, dấn đến khó khăn trong tổ chức triển kahi thực hiện các nhiệm vụ chi; nhiều văn bản quy phạm pháp lý, văn bản quản lý còn thiếu đồng bộ, trái với quy định quản lý cấp trên hoặc không phù hợp với thực tiễn, tạo kẽ hở trong quản lý tài chính công, tài sản công.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, ngân sách Lê Minh Nam

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, ngân sách Lê Minh Nam

Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, ngân sách Lê Minh Nam cho rằng, kết luận, kiến nghị kiểm toán chỉ phản ánh được số lượng không cung cấp được thông tin chi tiết về nội dung của các kết luận, kiến nghị cụ thể; kết quả kiến nghị sửa đổi, hủy bỏ, bổ sung các văn bản về chế độ, định mức, tiêu chuẩn cũng chưa được cụ thể, chi tiết hóa. Theo đó, việc đề xuất kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan theo Nghị quyết số 18/2021/QH15 ngày 27/7/2021 của Quốc hội đối với từng nội dung, vụ việc đến từng đối tượng cụ thể cũng có những khó khăn nhất định.

Theo quan điểm của một số thành viên Đoàn Giám sát, thông tin kết quả kiểm toán đã được tổng hợp và báo cáo theo cả quá trình từ 2016 -2021. Tuy nhiên, số liệu báo cáo về phát hiện vi phạm, kiến nghị xử lý thu hồi – kết quả thực hiện kết luận thanh tra cho cả giai đoạn cần được rà soát để chuẩn hóa, đồng bộ và khớp nối với nhau, từ đó xác định cụ thể những kết luận, kiến nghị chưa được thực hiện đến ngày 31/12/2021 để Đoàn Giám sát có cơ sở kiến nghị các cơ quan có trách nhiệm tiếp tục đôn đốc tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm túc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán sớm đưa các nguồn lực sai phạm, lãng phí hoặc còn ách tắc, tồn động vào khai thác, sử dụng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội một cách hiệu quả, bền vững.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị, Kiểm toán Nhà nước tiếp tục xem xét, rà soát để báo cáo bổ sung thêm những sai phạm về ban hành văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý theo “nghĩa rộng” hơn do phần lớn sai phạm đều phát sinh có lãng phí, tùy theo mức độ và vụ việc. Từ việc xác định cụ thể những tồn tại, hạn chế, vướng mắc dẫn đến không tiết kiệm, lãng phí, thất thoát một cách phổ quát, toàn diện để từ đó đưa ra các giải pháp khắc phục đầy đủ và phù hợp. /.

Lê Anh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=66361