Kirin Capital: Doanh nghiệp xây lắp có điểm rơi lợi nhuận vào nửa cuối năm
Báo cáo triển vọng của ngành đầu tư công năm 2024, Kirin Capital nhận định, các doanh nghiệp xây lắp sẽ có điểm rơi doanh thu, lợi nhuận vào nửa cuối năm 2024 khi nghiệm thu.
Nhu cầu đầu tư công tại Việt Nam trong trung và dài hạn lớn
Theo ước tính của Global Inflrastructure Outlook, tới năm 2025, Việt Nam sẽ cần khoảng 22,2 tỷ USD nguồn vốn dành cho đầu tư cơ sở hạ tầng. Với mức tăng trưởng trung bình CAGR khoảng 4,3%, con số này sẽ là 31,9 tỷ USD vào năm 2040. Tuy nhiên, Việt Nam mới chỉ có đủ nguồn lực để đáp ứng khoảng 82-83% lượng vốn này. Như vậy có thể thấy, nhu cầu đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng mà trong đó đặc biệt là hạ tầng giao thông tại Việt Nam là vô cùng lớn, đòi hỏi phải có một hệ thống giao thông đồng bộ kết nối và được đầu tư bài bản, có quy hoạch tốt.
Vì vậy, nhu cầu đầu tư công tại Việt Nam trong trung và dài hạn là rất lớn, các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng đầu tư công và các doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng được dự báo sẽ còn nhiều dư địa để tăng trưởng và phát triển.
Báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, lũy kế thanh toán vốn đầu tư công từ đầu năm đến ngày 30/6/2024 là 188.000 tỷ đồng, đạt 26,15% kế hoạch (720.000 tỷ đồng), đạt 28,15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 31/7/2024 là 232.000 tỷ đồng, đạt 32,22% tổng kế hoạch, đạt 34,68% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (cùng kỳ năm 2023 đạt 35,49% tổng kế hoạch và đạt 37,85% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Kirin Capital nhận định, đầu tư công được kỳ vọng tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ nửa cuối 2024 và 2025. Xét về mặt giá trị tuyệt đối thì vốn đầu tư công kế hoạch năm 2024 chênh lệch không nhiều so với kế hoạch năm 2023, nhưng với kế hoạch giải ngân đạt 684.000 tỷ đồng thì đây vẫn là một con số rất lớn so với bình quân giai đoạn 2019-2023 (~530.000 tỷ mỗi năm).
Các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 đã hoàn thành cơ bản khâu giải phóng mặt bằng và hạ tầng nền móng. Tiến độ giai đoạn 2 được đánh giá bám sát kế hoạch hơn so với giai đoạn 1. Tuy nhiên, tiến độ thi công nửa cuối năm 2024 vẫn đối mặt với một số khó khăn nhất định như mùa mưa khu vực miền Nam đến sớm hơn dự kiến, rủi ro thiếu hụt nguyên vật liệu vẫn lớn.
Chính phủ tích cực đưa ra hàng loạt biện pháp gỡ khó, giúp mặt bằng biên lợi nhuận các nhà thầu cải thiện. Mặt bằng giá nguyên vật liệu xây dựng quan trọng như thép, xi măng, cát… ổn định trong giai đoạn đủ lâu để đơn giá hợp đồng điều chỉnh theo chi phí xây dựng của nhà thầu. Vướng mắc về trượt giá và thiếu hụt nguyên vật liệu xây dựng hạ tầng có tín hiệu được tháo gỡ thông qua Nghị quyết số 106 cho phép các nhà thầu không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng. Điều này giúp doanh nghiệp chuẩn hóa được giá và khối lượng nguyên vật liệu.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư dự án được giao cung cấp danh sách các loại vật liệu chưa có trong danh sách công bố giá vật liệu của địa phương, hoặc đã công bố giá nhưng chưa đúng với giá thị trường để điều chỉnh, bổ sung kịp thời. Việc điều chỉnh đơn giá đã bám sát thực tế dựa trên việc tăng tần suất điều chỉnh (từ 1 lần/năm sang 1 lần/ tháng) và tăng mức độ định giá chi tiết theo từng hạng mục.
Doanh nghiệp đầu tư công tăng trưởng nhưng có phân hóa
Trong tình hình kinh tế đầy biến động năm 2023, khi mà hầu hết các lĩnh vực đều ở giai đoạn đầu của hồi phục thì quy mô doanh thu các công ty trong ngành đầu tư công vẫn tăng trưởng 35% theo năm đạt 1.202 nghìn tỷ và dự kiến 1.660 nghìn tỷ đồng vào năm 2024 nối dài chuỗi tăng trưởng 9 năm liên tiếp, tiếp tục là điểm sáng nổi bật nhất trong bức tranh kinh tế.
Tuy nhiên, chiến lược đấu thầu bằng mọi giá khiến mặt bằng giá đấu thầu bị kéo xuống thấp, tạo nên mâu thuẫn với việc nhiều doanh nghiệp đang trông chờ chính sách “giải cứu” khi chi phí tăng cao ăn mòn biên lợi nhuận. Các doanh nghiệp thi công hầm, cầu sẽ có lợi thế do quá trình quyết toán thường đơn giản hơn vì hầu hết nguyên vật liệu và hạng mục chi phí quan trọng đã có đơn giá rõ ràng, chuẩn mực.
Đặc thù dòng tiền của các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng thường khá dồi dào trong giai đoạn đầu của chu kì thi công dự án nhờ tiền tạm ứng từ ban quản lý dự án. Tận dụng giai đoạn nguồn vốn thuận lợi, các doanh nghiệp đã thanh toán bớt nợ vay, cải thiện cơ cấu tài chính. Nhưng sau đó, đặc thù các doanh nghiệp trong ngành sẽ được thanh toán dựa theo tiến độ công trình trên cơ sở kết quả nghiệm thu khối lượng đã hoàn thành. Do đó, những doanh nghiệp chậm tiến độ thi công hoặc gặp khó khăn trong quyết toán, nghiệm thu và doanh nghiệp có chi phí thực tế quá xa so với định mức, sẽ gặp nhiều bất lợi.
Do đó, Kirin Capital đánh giá cao các doanh nghiệp sở hữu năng lực tài chính bền vững, không bị thâm hụt dòng tiền nhiều trong hoạt động thi công và phải phụ thuộc vào nợ vay. Doanh nghiệp có khả năng tự chủ được một phần nguồn nguyên vật liệu, có hiệu quả kinh tế cao trên từng gói thầu và đảm bảo tốt về tiến độ công trình và hiệu quả dòng tiền.
Bên cạnh hành động quyết liệt tháo gỡ vướng mắc tại các dự án. Bộ Giao thông Vận tải còn tăng giá vé và hỗ trợ một số dự án dưới hình thức bổ sung vốn hoặc mua lại dự án.
Bộ Giao thông Vận tải đã điều chỉnh giá vé của 44/47 dự án BOT, mức tăng từ 15%-17% tùy thuộc từng loại xe. Trong nhóm doanh nghiệp vận hành BOT, chúng tôi đánh giá cao các doanh nghiệp có hệ thống trạm thu phí đấu nối với chuỗi cao tốc Bắc – Nam phía Đông, do đó sẽ hưởng lợi khi các dự án thành phần Cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2 dần hoàn thiện.