Koji nói gì về việc khắc phục tình trạng cổ phiếu bị cảnh báo?
Ngày 12/4, Công ty Cổ phần Đầu Tư Tài Sản Koji (KPF) trình bày biện pháp và lộ trình khắc phục tình trạng cổ phiếu bị cảnh báo.
Trước đó, Công ty nhận được thông báo về việc cổ phiếu KPF sẽ bị đưa vào diện bị cảnh báo từ ngày 11/4/2024. Lý do năm 2023, KPF báo lãi sau thuế vỏn vẹn hơn 1 tỷ đồng, giảm 98,6% (năm trước lãi 71,5 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế của KPF sau kiểm toán bị giảm 719 triệu đồng so với báo cáo tài chính quý IV/2023 công ty tự lập chủ yếu do điều chỉnh tiền nộp chậm thuế TNDN năm 2023.
Giải trình vấn đề này, ngày 12/4, KPF cho biết, năm 2023 doanh nghiệp tiến hành tái cấu trúc công ty, đồng thời do ảnh hưởng tình hình khó khăn chung của suy thoái kinh tế nên thu nhập từ hoạt động đầu tư suy giảm. Do vậy, công ty phải trích lập dự phòng rủi ro khoản đầu tư làm cho tổng thu nhập hoạt động kinh doanh giảm đáng kể. Do đó, chỉ tiêu về lợi nhuận giảm mạnh so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, đơn vị kiểm toán đã có ý kiến về việc công ty chuyển nhượng 400 trái phiếu do CTCP Đầu tư Nông nghiệp sạch Phú Sơn phát hành với giá 2,5 triệu/trái phiếu (trái phiếu có mệnh giá 10 triệu/trái phiếu) cho CTCP PAC là cổ đông lớn của CTCP Đầu tư tài sản Koji.
Do trái phiếu CTCP Đầu tư Nông nghiệp Phú Sơn phát hành chưa được giao dịch rộng rãi trên thị trường nên giá trị giao dịch này chỉ được xác định căn cứ vào hợp đồng chuyển nhượng. Bằng các thủ tục kiểm toán hiện có, đơn vị kiểm toán không xác định được tính hợp lý của giao dịch này. Việc chuyển nhượng này làm chi tiêu chi phí tài chính tăng thêm 3 tỷ đồng.
Đối mặt với vấn đề này, KPF chỉ trình bày ngắn gọn rằng việc chuyển nhượng 400 trái phiếu do Công ty Cổ phần Đầu tư Nông nghiệp sạch Phú Sơn phát hành với giá trị 1 tỷ đồng không lớn so với tổng tài sản và không ảnh hưởng đến Công ty.
Tiếp đó, đơn vị kiểm toán cũngkhông xác định được giá trị hợp lý của khoản đầu tư 200 tỷ đồng của KPF vào CTCP đầu tư xây dựng và thương mại Châu Việt trên cơ sở số liệu BCTC năm 2023 do Châu Việt lập chưa được kiểm toán.
KPF giải trình tại thời điểm Công ty phát hành báo cáo kiểm toán, Công ty Châu Việt không có báo cáo kiểm toán năm 2023 và từ tháng 6/2023 cho đến nay chưa vượt quá 01 năm nên chưa có thay đổi đặc biệt gì về giá trị đầu tư của KoJi. Đồng thời sẽ phối hợp với Công ty cổ phần Châu Việt để có báo cáo kiểm toán tại kỳ tiếp theo.
Ngoài ra, ngày 25/8/2023, Cục Thuế TP.HCM có quyết định gửi KPF về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn. Nguyên nhân là do Công ty nợ đọng tiền thuế chưa thanh toán, số tiền gần 11 tỷ đồng.
Đến thời điểm 31/12/2023 công ty vẫn chưa thanh toán khoản nợ đọng thuế này cho Ngân sách nhà nước. Do vậy, công ty có thể bị yêu cầu phong tỏa tài khoản, thu hồi hóa đơn.
Bên cạnh đó, tổng dư nợ cho vay của công ty tại thời điểm 31/12/2023 là 282,455 tỷ đồng, lãi vay tương ứng còn phải thu là 40,6 tỷ đồng. Các Hợp đồng cho vay này đã đến hạn thanh toán nhưng đến thời điểm lập BCTC năm 2023, các bên vay vốn chưa hoàn tất thủ tục thanh toán cho KPF (Tổng giá trị gốc và lãi cho vay đã thu hồi được đến ngày lập báo cáo tài chính này là 94,9 tỷ đồng).
Tại công văn giải trình, KPF cho biết, hiện công ty đang nợ đọng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp 2023 do các khoản công nợ thu hồi chưa được đảm bảo đúng theo kế hoạch. Công ty đang đôn đốc các khoản phải thu từ cho vay để hoàn thành nghĩa vụ thuế với nhà nước. Kế hoạch trong quý 2 năm 2024 sẽ trả được một phần hoặc toàn bộ tiền thuế của doanh nghiệp.
Do tình hình kinh tế khó khăn nên các đối tác công ty cho vay chưa đảm bảo đúng tiến độ hợp đồng vay vốn. Tuy nhiên ngay trong quý 1/2024 công ty đã thu lại được gần 1/3 số tiền dư nợ cho vay bao gồm gốc lãi. Số còn lại Công ty sẽ đôn đốc thu hồi tiếp trong năm 2024.
Với kết quả dự kiến như trên Công ty Cổ phần Đầu Tư Tài Sản Koji phấn đấu trong 6 tháng đầu năm 2024 sẽ khắc phục tình trạng cổ phiếu KPF bị cảnh báo như hiện nay.